“Mẹ tôi đã già, không còn làm nghề nữa, hiện gia đình tôi có 3 chị em theo nghề”. Bà Trần Thị Nga, 50 tuổi, ngụ ấp Cây Trắc, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu.
Làng nghề tráng bánh tráng thủ công
Bà Trần Thị Nga, 50 tuổi, một trong những người con “nhà nòi” của nghề tráng bánh tráng thủ công ở ấp Cây Trắc tâm sự: “Gia đình tôi làm nghề bánh tráng từ khi tôi còn nằm trong bụng mẹ”. Bà không biết rõ nghề này bắt nguồn từ đâu, chỉ nhớ rằng từ lúc bà còn bé, đã thấy ba mẹ tráng bánh.
Theo ký ức của bà, ngày xưa, nghề làm bánh ở đây rất công phu: “Hồi đó, bánh làm bằng bột mì chứ không phải bột gạo như bây giờ. Để có bột mì tráng bánh tráng, gia đình phải làm lò mì rắm (theo kiểu thủ công)”. Ngày nay, nguyên liệu trên thị trường đầy đủ, những hộ gia đình làm nghề tráng bánh tráng đỡ vất vả hơn.
Nhờ nghề làm bánh tráng, cha mẹ bà Nga nuôi đàn con khôn lớn, dựng vợ gả chồng. Đối với bà Nga, nghề làm bánh tráng như thấm vào máu thịt. Nhắc đến nghề này, bà Nga không giấu được niềm vui, tự hào khi gia đình mình góp phần giữ gìn, phát triển làng nghề. “Mẹ tôi đã già, không còn làm nghề nữa, gia đình tôi có 3 chị em theo nghề”- bà Nga cho biết.
Hơn 30 năm nay, ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 5 giờ 30 phút sáng, bà Lê Thị Ngọc, 52 tuổi, thức dậy, nhóm lò, nấu nước, tẻ bột, chuẩn bị tráng bánh. Ăn sáng xong, bà bắt tay vào việc tráng bánh. Đôi bàn tay thoăn thoắt cho ra những chiếc bánh mỏng, tròn.
Bánh ra lò tới đâu, chồng bà nhanh nhẹn đem vỉ bánh ra phơi nắng đến đó. Chừng khoảng 2 giờ đồng hồ, bánh khô ráo và được mang vào nhà chờ thêm vài giờ nữa cho bánh dịu xuống. Khoảng 11 giờ 30, bà Ngọc hoàn tất việc tráng bánh. Nghỉ tay, cơm trưa xong, bà bắt đầu công đoạn gỡ bánh ra khỏi vỉ, cột thành từng ràng, mỗi ràng 100 cái và chờ thương lái đến thu mua. Xế chiều, bà Ngọc chở gạo đến nhà máy xay bột, đem về nhà ngâm nước để chuẩn bị tráng bánh vào ngày hôm sau.
Nói về duyên nợ với nghề tráng bánh tráng, bà Ngọc kể: “Trong gia đình không có ai kiếm sống bằng nghề này. Trong xóm có nhiều người làm nghề tráng bánh tráng, tôi thấy nghề này phù hợp với mình nên xin tráng thử. Làm nhiều lần nên quen tay.
Biết nghề, tôi về nhà đầu tư làm lò riêng”. Bà Ngọc cho biết thêm, tuỳ thời tiết nắng hay mưa, mỗi ngày bà tráng từ 1.000 đến 1.500 cái, bán cho thương lái 40-45 ngàn đồng/ràng, tuỳ kích cỡ bánh lớn hay nhỏ. Trừ chi phí, vợ chồng bà Ngọc thu nhập khoảng 150-200 ngàn đồng/ngày. Hơn 30 năm làm nghề tráng bánh tráng, bà Ngọc nhận xét, nghề này không nặng nhọc, không ràng buộc về thời gian, phù hợp với những gia đình vùng nông thôn như ở ấp Cây Trắc.
Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan quy trình tráng bánh tráng thủ công ở ấp Cây Trắc
Tương tự, bà Trương Thị Thơm, 45 tuổi, đã có 12 năm gắn bó với nghề. Bà kể, chồng qua đời để lại cho bà 2 đứa con thơ. Không nghề nghiệp, bà xin đi phơi bánh tráng thuê kiếm tiền nuôi con. Những lúc chủ lò nghỉ trưa, bà Thơm xin được thử tráng bánh.
“Lần đầu chưa quen tay, tôi tráng bánh không tròn, chỗ dày, chỗ mỏng”, bà Thơm cười, nhớ lại. Không nản chí, bà quyết học hỏi từ những người sành nghề. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của chủ lò và tự rút kinh nghiệm, cuối cùng, bà Thơm đã cho ra lò được chiếc bánh tròn trịa, mỏng, đều. Khi đã thành thục với nghề, bà Thơm xin nghỉ việc, trở về nhà gom góp vốn liếng xây lò, mua vỉ, bắt đầu khởi nghiệp.
Trung bình mỗi ngày bà Thơm sản xuất khoảng 1.200 cái bánh tráng. Trừ các chi phí, mỗi ngày bà kiếm được 150 ngàn đồng. Nhờ khoản thu nhập từ nghề bánh tráng mà bao năm qua, bà đủ sức nuôi 2 con học hành.
Bà Thơm tự hào khoe: “Hiện nay, đứa con lớn của tôi học năm thứ 3 Đại học Ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh, đứa nhỏ đang học lớp 11”. Chủ lò bánh tráng này chia sẻ thêm, những năm qua, bánh tráng làm bằng phương pháp thủ công được nhiều người ưa thích, luôn trong tình trạng “hút hàng”.
Vì thế, bà vẫn tiếp tục gắn bó với nghề. Khi hay tin nghề tráng bánh tráng thủ công ở ấp Cây Trắc được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống, bà Thơm nói: “Tôi rất vui, tự hào vì mình đã góp phần giữ gìn, phát triển làng nghề”.
Bà Nguyễn Thị Kiều, 63 tuổi, tâm sự: “Nghề tráng bánh tráng thủ công ở ấp Cây Trắc hình thành nhiều năm qua nhưng hoạt động theo kiểu lẻ tẻ. Đến năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Đông thành lập mô hình Tổ hợp tác tráng bánh tráng ấp Cây Trắc, tôi là thành viên trong tổ. Những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp trên, làng nghề không ngừng phát triển”.
Thành lập hợp tác xã, tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm bánh tráng thủ công
Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết, nghề tráng bánh tráng ở ấp Cây Trắc được hình thành và phát triển từ khoảng năm 1954 đến nay, lưu truyền qua nhiều thế hệ, theo kiểu cha truyền con nối, đến nay, nghề truyền thống tráng bánh tráng thủ công ở địa phương vẫn được duy trì và ngày càng phát triển hơn, với các sản phẩm bánh tráng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nghề này chưa tạo dựng được thương hiệu, nhưng thời gian qua đã giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho hộ gia đình, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Bùi Văn Tám- Chủ tịch UBND xã Phước Đông khẳng định trong thời gian tới, UBND xã sẽ tham mưu cấp uỷ phối hợp Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, vận động bà con trong xã nói chung, ở ấp Cây Trắc nói riêng khai thác tiềm năng thế mạnh nghề tráng bánh tráng thủ công tại địa phương.
Tạo mọi điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn, vận động người dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nghề tráng bánh tráng.
Nghiên cứu, hướng dẫn các hộ gia đình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm dần sức lao động của bà con và không phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Đồng thời, thành lập hợp tác xã, tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm bánh tráng thủ công của địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ công bố quyết định của UBND tỉnh, công nhận nghề tráng bánh tráng thủ công là nghề truyền thống hôm 22.2, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và các hộ gia đình tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống tráng bánh tráng thủ công của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình ở nông thôn.
Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết, nghề tráng bánh tráng ở ấp Cây Trắc được hình thành và phát triển từ khoảng năm 1954 đến nay, lưu truyền qua nhiều thế hệ, theo kiểu cha truyền con nối…
Đại Dương