Múa lân mừng giỗ Tổ tại Báo Quốc từ.
Nhớ về nguồn cội, nhớ về tổ tiên vốn là đạo lý thấm nhuần ngàn đời trong tâm thức của người Việt. Tháng 3 âm lịch hằng năm, ở Tây Ninh, nhiều hoạt động hướng về nguồn cội được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau để nhắc nhớ thế hệ hôm nay về công ơn của những người đi trước.
Giỗ Tổ trên đất Tây Ninh
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”. Giỗ Tổ Hùng Vương từ rất lâu đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ. Tại Tây Ninh, có một ngôi đền mà ở đó, hằng năm, lại rộn ràng những nghi thức cúng giỗ Tổ.
Đó là ngôi đền Báo Quốc từ nằm trên đường Hùng Vương thuộc phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành, do những vị chức sắc đạo Cao Đài xây dựng từ sau khi thành lập đạo. Báo Quốc từ, như tên gọi của nó là nơi thờ tự các vị Vua Hùng, một số vua đời Nguyễn, những vị công thần cứu quốc, chiến sĩ hy sinh vì độc lập của dân tộc.
Báo Quốc từ hiện do họ đạo liên phường Long Hoa - Long Thành Bắc thờ cúng. Gần đến ngày giỗ, các đồng đạo, chức sắc trong tổ nghi lễ ở các hương đạo bận rộn hơn.
“Hằng năm, đúng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch sẽ tổ chức nghi lễ cúng tế vua. Họ đạo liên phường Long Hoa - Long Thành Bắc đảm nhiệm việc cúng tế cũng như đãi tiệc bà con, đồng đạo về đây ăn giỗ. Năm nay, dự kiến sẽ nấu 300 mâm cơm đãi đồng đạo, khách thập phương về dự lễ.
Từ mùng 8 âm lịch, các hương đạo, bà con gần đây đến phụ nấu nướng, chuẩn bị thức ăn, chưng bông, trái cây, đến ngày mùng 10 dâng lên cúng tế Vua Hùng”, Lễ sanh Hương Độ- Phó Cai quản đặc trách nữ phái của họ đạo liên phường Long Hoa - Long Thành Bắc cho biết.
Múa trống Chhay-dăm mừng giỗ Tổ tại Báo Quốc từ.
Bà Nguyễn Thị Hiệp (khu phố 2, phường Long Hoa) năm nay đã 81 tuổi. Bà là Trưởng Ban Ẩm thực của họ đạo. Hơn 15 năm qua, không lễ giỗ Tổ nào bà vắng mặt. Cứ trước ngày giỗ, bà lại đến thánh thất phường Long Hoa - Long Thành Bắc lo chuyện bếp núc. “Lễ giỗ này, đồng đạo hưởng ứng lắm. Nhiều người đến đăng ký món ăn dâng cúng, tôi sẽ nắm rồi sắp xếp, món nào có rồi, món nào chưa để cân đối, bảo đảm đủ thức ăn phục vụ mọi người về ăn giỗ”- bà Hiệp nói.
Tại thánh thất, đông đảo mọi người từ các tổ nghi lễ, các họ đạo ở Hoà Thành về chung tay. Người chuẩn bị nếp, lá gói bánh ú, bánh tét; người cuốn chả giò, làm món heo quay chay. Chị Mỹ Xuân (phường Long Hoa) đến phụ với mọi người cho biết, nhà chị ở phường Long Hoa, là nơi diễn ra lễ giỗ Tổ Vua Hùng, nên dù buôn bán rất bận rộn, nhưng chị tranh thủ đến cùng mọi người lo công việc.
“Người Việt mình ai cũng trọng ngày giỗ, giỗ ông bà, cha mẹ, và giỗ Tổ càng quan trọng, ý nghĩa hơn. Có Vua Hùng, có anh hùng liệt sĩ, mình mới có đất này để đứng, để ở. Nghĩ vậy, nên dù nhà có việc bận mấy, tôi cũng tranh thủ đến cùng làm với mọi người”- chị Mỹ Xuân nói.
Theo Giáo sư Thái Lệnh Thanh- Cai quản họ đạo liên phường Long Hoa - Long Thành Bắc, chiều mùng 9 tháng 3 sẽ tổ chức lễ tiên thường, đến chính giỗ vào mùng 10 sẽ tổ chức các nghi lễ cúng tế theo tôn giáo Cao Đài.
Mọi người chuẩn bị lễ dâng cúng giỗ Tổ tại Báo Quốc từ.
Đúng 8 giờ ngày mùng 10 tháng 3, Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh cùng chính quyền thị xã Hoà Thành sẽ thực hiện các nghi lễ dâng hoa và thắp nhang kỉnh lễ trước bàn thờ Đức Quốc tổ Hùng Vương, bàn thờ Tổ quốc ghi công; mặc niệm tưởng nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các vị Vua Hùng, Bác Hồ và của các anh hùng liệt sĩ.
“Sau nghi thức đó sẽ là phần tế lễ, đăng điện theo hàng vị thánh trong tôn giáo Cao Đài. Đặc biệt, tại đây sẽ đọc bài kinh tế vua băng hà. “Ơn tấc đất ngọn rau nên đặng/ Đạo quân vương chữ dặn nơi lòng”. Mỗi câu kinh là một lời nhắc nhở con cháu hôm nay phải biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước”- cai quản họ đạo nói.
Lễ Kỳ yên - nhớ công người khai hoang lập ấp
Tín ngưỡng của người dân Nam bộ thường có tục thờ thần. Hầu như mỗi vùng đất đều có một vị thần thành hoàng- người có công trong việc khai khẩn, gìn giữ vùng đất nơi đó. Để tri ân người có công, dân làng sẽ lập đình thờ và tổ chức lễ cúng đình hay còn gọi là lễ Kỳ yên, nghĩa là cầu an. Lễ Kỳ yên ở các đình, lúc nào cũng đông đảo người dân về dự lễ, tưởng nhớ công ơn của những bậc tiền hiền.
Tháng 3 âm lịch, nhiều người rủ nhau về dự Lễ hội Quan lớn Trà Vong (xã Trà Vong, huyện Tân Biên) được tổ chức vào ngày 15 và 16.3. Ngoài ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, Lễ hội Quan lớn Trà Vong còn thể hiện lòng biết ơn của nhân dân đối với Quan lớn Trà Vong tên là Huỳnh Công Giản (1722-1782) - một trong những vị tướng đầu tiên được triều đình Huế phái đến Tây Ninh quy dân lập ấp và giữ đất.
Người dân cầu nguyện tại Báo Quốc từ trong ngày giỗ Tổ.
Còn với người dân ở khu vực xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành, 18.3 âm lịch là một ngày trọng đại. Ngày này, tại đình Long Thành sẽ tổ chức nghi lễ thỉnh hương cụ Trần Văn Thiện (1795-1883) từ lăng mộ về đình. Đây cũng là dịp để bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đến bậc tiền nhân - người đã có công khai phá, xây dựng dải đất hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông chạy dài từ Cẩm Giang qua thành phố Tây Ninh đến tận Vàm Trảng Trâu, Lò Gò.
Tại đây, mỗi năm đều có cơm chay phục vụ bà con về dự lễ. Bà Trần Thị Đèo (mọi người hay gọi là bà Bảy Đèo), xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành, thợ chính của bếp cúng đình Long Thành gần 10 năm nay. Năm nào bà cũng đến nấu cúng đình Long Thành. Bà cho biết, từ hôm trước cúng đình, bà đã đi chợ, mua sắm và làm sẵn các món chính.
Ngoài cúng đình, bà còn ủng hộ lá chuối, vận động tiền chợ để cùng ban hội đình có thêm chi phí đãi bà con xa gần. “Bảy nấu đây cứ 1 năm 2 lần, lần cúng Kỳ yên và lần cúng Thần Nông vào tháng 8 âm lịch. Mọi năm trước nấu chừng 200 mâm. Bảy nấu chính, còn mấy đứa con, cháu trong xóm theo bắt mâm, dọn cỗ phụ”- bà Bảy Đèo nói.
Để tưởng nhớ công ơn của Vua Hùng, ngày 28.4, tại Trường THPT Tây Ninh, Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân tổ chức hoạt động ngoại khoá với nội dung thiết kế mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ Quốc tổ. Đây là hoạt động nhằm giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, để thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu sắc hơn công lao dựng nước, giữ nước của Vua Hùng và các bậc anh hùng liệt sĩ.
Ngọc Diêu