Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuctayninh.com, cảm ơn !

Những người phụ nữ may cờ giải phóng ở Trảng Bàng - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 28/04/2023 20:28
BTN - Những năm kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh việc đánh địch, tải thương, tải đạn, đào hầm, làm giao liên… nhiều phụ nữ còn làm công việc thiêng liêng là may cờ giải phóng.

Bà Nguyễn Thị Đành, tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, là một trong những người may cờ giải phóng ở ấp An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng (nay là phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) trong những năm kháng chiến.

Cờ giải phóng có tên gọi đầy đủ là cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cờ có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương với ý nghĩa nửa trên (màu đỏ) đại diện cho miền Bắc đã độc lập, nửa dưới (màu xanh dương) tượng trưng cho miền Nam chưa được độc lập, còn dưới ách đô hộ của đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hoà.

48 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng thị xã Trảng Bàng (29.4.1975 - 29.4.2023) và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023), chúng tôi đi tìm lại những người phụ nữ Trảng Bàng năm xưa từng may cờ giải phóng. Lần theo những manh mối trong những trang sách sử và lời kể của nhân chứng tham gia cách mạng, chúng tôi gặp được các cô Võ Thị Lý, Võ Thị Phong, Nguyễn Thị Xuân và Nguyễn Thị Đành.

Cô Võ Thị Lý (Tám Lý, bí danh Võ Thị Xấu, sinh năm 1948) và cô Võ Thị Phong (Út Phong, bí danh Võ Thị Xa, sinh năm 1953) là chị em ruột, quê ở Gia Lộc, Trảng Bàng, tham gia cách mạng từ những năm 1968. Cô Tám Lý đứng ra thành lập Chi đoàn Thanh niên lao động ở Trảng Bàng; cô Út Phong vận động học sinh tại Trường Thanh Khiết (Trảng Bàng) thành lập Chi đoàn Thanh niên học sinh mang tên “9.1”, liên chi đoàn thuộc Đội Biệt động Trảng Bàng do cô Út Phong làm bí thư và hoạt động cách mạng.

Liên chi đoàn của các cô có nhiệm vụ may cờ, treo cờ giải phóng; in, rải truyền đơn; chuyển vũ khí; đánh địch trong lòng địch giữa lòng thị trấn Trảng Bàng…

Cô Nguyễn Thị Xuân (áo bà ba đen) kể về việc cắm cờ giải phóng đầu tiên ở Gia Bình cho đoàn viên, thanh niên trong toạ đàm “Thời hoa đỏ” năm 2022.

Cô Tám Lý là thợ may, tổ chức may cờ tại nhà. Mỗi ngày đi học về, trong cặp các cô lúc nào cũng có vải xanh, vải đỏ, vải vàng, mua một lần không được nhiều, mỗi lần chỉ được vài thước để vào trong cặp.

Việc may cờ được thực hiện cả ban ngày và ban đêm, những lúc may cờ, đoàn viên trong liên chi đoàn ở bên ngoài canh gác, có lính nguỵ đến thì ra ám hiệu để cô Tám Lý lấy quần áo khác ra may nguỵ trang. Cờ may xong được giấu trong thùng đại liên và chôn ở đồng ớt gần nhà. Suốt những năm 1968-1975, nhà cô Tám Lý và cô Út Phong là cơ sở may cờ cung cấp cho Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng.

Trong các năm 1973-1975, không đủ cờ cung cấp cho cả huyện Trảng Bàng, cô Út Phong vận động Hoà thượng Thích Chơn Nghĩa tham gia cách mạng và xây dựng cơ sở may cờ giải phóng trong hội phật tử chùa Phước Lâm (Trảng Bàng).

Vải may cờ mua của bà Tư Rảnh (chị ruột của Hoà thượng Thích Chơn Nghĩa), những lần mua vải khó khăn, được sự hỗ trợ của Hoà thượng Thích Chơn Nghĩa, các cô lấy cờ Phật giáo cắt ra lấy vải xanh, vải đỏ, vải vàng để may cờ giải phóng.

Hằng đêm, liên chi đoàn của các cô đi treo cờ giải phóng ở nhà dân và khắp đường phố. Một buổi tối của năm 1969, các cô Tám Lý, Út Phong, Thu Kiều và chú Hoà (bí danh là Sơn) quyết định đi treo cờ ở chợ Gia Huỳnh.

Vừa tới Lộc Du, chưa đến Gia Huỳnh, cô Phong nghe tiếng súng, lúc này, chú Hoà lách người qua bảo cô Phong quay lại phía sau thì bị lính bảo an của nguỵ phát hiện, bắn chết. Các cô đành rút về phía sau rồi chạy qua lò rèn về nhà ở Gia Lộc.

Thi thể của chú Hoà bị địch đem ra để trước dinh Quận trưởng Trảng Bàng. Trong túi áo của chú Hoà còn có tấm thẻ học sinh nên sáng hôm sau, lính đến bao vây Trường Thanh Khiết, lúc đó cô Phong và cô Kiều đang trong lớp học nhưng rất bình tĩnh ứng phó, may mắn không bị phát hiện. Ngày hôm đó, cô Tám Lý bắt mấy con gà, mượn cớ đem ra chợ bán với mục đích tìm chú Hoà, mới tin chú đã hy sinh.

“Năm 1973, cô đi học về ngang dinh Quận trưởng, thấy ở trước dinh có đám đất thì bàn với cô Tám Lý treo cờ ở đó để địch biết rằng Việt cộng vẫn đang hoạt động trong lòng thị trấn Trảng Bàng. Đêm đó, cô Tám Lý chặt cây trúc cao 5m, cô Hân cuốn lá cờ để trong người, cô Tám Lý lấy xe đạp chở cô Hân và cầm theo hai con gà.

Ra đến dinh quận, trời còn mờ tối, cô Hân lấy lá cờ ra cắm trên đám đất rồi hai cô chạy xuống ngã tư bán gà. Sáng hôm sau, đài phát thanh giải phóng loan tin “Cờ mặt trận tung bay giữa lòng thị trấn giữa ban ngày trước dinh Quận trưởng Ngô”- cô Út Phong chia sẻ.

Cô Võ Thị Phong (bên trái) và cô Võ Thị Lý tại nhà riêng.

Cô Nguyễn Thị Xuân (Hai Xuân, sinh năm 1951, nữ du kích xã Gia Bình, Trảng Bàng) cũng từng may cờ giải phóng. Vải may cờ do các chú bộ đội đưa cho cô và đã được cắt sẵn.

Khoảng 15 giờ ngày 29.4.1975, sau khi kiểm tra đồn Xóm Sóc và hạ cờ của quân địch, cô Xuân mượn xe đạp chạy theo, xác định lực lượng địch đã rút đến ngã tư Gia Bình, cô chạy tắt lên đầu chợ Gia Bình đi thẳng vào trong đồn, bỏ xe đạp nhảy xuống lô cốt ôm cây súng bắn ba phát thì nhân dân ở đó nói “Việt cộng về, về tới rồi, bắn ba phát để ám hiệu”.

Tề xã ở ấp Chánh rút đến sau thánh thất Cao Đài Gia Bình, hô “Việt Cộng về quá trời rồi”, thế là cô Xuân bắn thêm vài phát súng nữa, rồi mới vào từng phòng ở đồn địch kiểm tra. Khi đi ra ngoài ty cảnh sát, thấy địch đã bỏ chạy hết, cô Xuân hạ cờ quân địch và treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên, lúc đó khoảng 16 giờ, lá cờ giải phóng này cũng do chính cô may.

Cô Nguyễn Thị Đành tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi với nhiệm vụ giao liên cho Binh vận, thị trấn Trảng Bàng và Đoàn 22 của Sài Gòn hoạt động tại Trảng Bàng. Bên cạnh đó, cô còn may cờ giải phóng và đồ bộ đội từ năm 1955 cho đến ngày giải phóng.

Khi nhận được lệnh may cờ, cô Đành ra chợ Trảng Bàng mua vải ở tiệm của ông Chín Mẹo. Việc đi mua vải màu xanh, màu đỏ, màu vàng rất nguy hiểm, một người con của ông Chín Mẹo đi lính- biết cô mua vải may cờ giải phóng nhưng vẫn hỗ trợ đưa cô về qua khỏi tua ở đầu cầu ấp Bình Tranh.

Cô Đành chia sẻ, nhiệm vụ may cờ giải phóng hết sức thiêng liêng, phải tuyệt đối bí mật. Những học trò học may của cô ngày trước và kể cả gia đình đều không biết cô làm nhiệm vụ này, mãi cho đến ngày giải phóng gia đình mới biết. 

48 năm kể từ ngày 29.4.1975, cô Nguyễn Thị Đành mới may lại lá cờ giải phóng tặng cho tuổi trẻ Trảng Bàng trong chương trình trà đàm “Câu chuyện ngày giải phóng”, cô rất vui vì thế hệ trẻ quan tâm đến lịch sử, từng đường kim mũi chỉ may cờ được cô thực hiện cẩn thận, dù cô đã 83 tuổi.

Các cô đã ở tuổi U80, U90 nhưng nhắc lại những câu chuyện ngày giải phóng, nhất là việc may cờ của hơn 48 năm trước, các cô đều nhớ rất rõ từng chi tiết, ngỡ như sự việc vừa mới hôm qua. Các cô hạnh phúc vì đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, và cũng không khỏi bùi ngùi, xúc động khi nhớ về những người đồng đội đã hy sinh ở tuổi còn rất trẻ. Các cô luôn mong muốn rằng thế hệ trẻ hôm nay phải ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp để không phụ công ơn của cha anh ngày trước đổ máu xương để có được hoà bình.

Phí Thành Phát

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp