Thành phố cổ của nền văn minh Maya, với tuổi đời khoảng 2.000 năm, vừa được các nhà khoa học phát hiện dưới lòng đất tại một khu rừng nhiệt đới ở Guatemala, NDTV đưa tin.
Hình ảnh thành phố cổ thuộc nền văn minh Maya vừa được các nhà khảo cổ học phát hiện tại miền Bắc Guatemala. Ảnh: Cambridge.
Các nhà nghiên cứu phát hiện một di tích Maya cổ nằm dưới lòng đất khi đang khảo sát khu vực rừng nhiệt đới ở phía Bắc Guatemala từ trên không.
Theo Metro, thành phố vừa được phát hiện nằm gần biên giới giữa Guatemala và Mexico, có diện tích lên tới 1.683 km2 và được biết đến với cái tên Mirador-Calakmul Karst Basin.
Các nhà khảo cổ học ước tính thành phố này tồn tại từ 2.000 năm trước với khoảng 1.000 khu dân cư và được kết nối bởi 177 km đường di chuyển.
Các nhà khoa học từ nhiều trường đại học ở Mỹ, hợp tác với chính phủ Pháp và Guatemala, đã sử dụng công nghệ LiDAR - quét địa hình tia hồng ngoại và đo khoảng cách - để tìm ra thành phố cổ này.
Khi khảo sát thành phố, các nhà khoa học cũng phát hiện các kiến trúc lớn và kim tự tháp tại một số khu định cư. Họ cho biết những tòa nhà này có thể phục vụ cho công việc, giải trí hoặc là trung tâm hành chính. Các khu định cư cũng có sân bóng và cơ sở vật chất để chơi một số môn thể thao.
Trong nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Ancient Mesoamerica, các nhà khoa học khẳng định việc sử dụng công nghệ LiDAR trong quá trình nghiên cứu "nhằm thể hiện mối liên hệ giữa tính phức tạp trong hệ thống cơ sở hạ tầng và mức độ phát triển về kinh tế, chính trị và xã hội tại khu vực này từ hàng nghìn năm trước".
Nguồn Zing