1 Bữa, tình cờ đọc trên trang facebook của một bạn trẻ quê xứ Trảng một “xì ta tớt” lạ lạ, dễ thương. Bạn giới thiệu món tàu hủ non của gánh hàng rong Lê Nguyên, mới khai trương hồi trung tuần tháng năm, gần Bệnh viện Trảng Bàng. Tạm gọi tên quán là Ở đây, vì cái bảng giới thiệu ghi hai chữ Ở ĐÂY thiệt lớn.
Ở ĐÂY có tàu hủ non của gánh hàng rong Lê Nguyên.
Tuổi mười sáu/ Tàu hủ non rao bán/ Hơn sáu mươi/ Tàu hủ vẫn chưa già…
Tàu hủ non, già sao được mà già. Cái đáng nói là món tàu hủ non “gia truyền” này đã được lưu truyền từ đời mẹ sang đời con. Sáu mươi năm lẻ, những ai từng ăn món tàu hủ non nước đường thơm lựng mùi gừng từ gánh tàu hủ của cô thiếu nữ bán ở góc chợ Gia Huỳnh xưa, rồi đến xe tàu hủ của người đàn bà tóc nhuộm màu thời gian ở gốc cây da Lộc Du… vẫn không thôi tấm tắc bởi chén tàu hủ hiện thời vẫn còn nguyên phong vị cũ.
Bạn trẻ dí dỏm cho hay ai ghé tiệm ăn tàu hủ còn được khuyến mại… nghe đọc thơ. Những vần thơ được chắt chiu từ cuộc đời, thơm ngọt như… chén đậu non, nóng hổi mùi thương yêu, tình thế sự!
Hứng chí, tôi lót tót ghé quán theo lời rủ rê nhiệt tình của anh bạn trẻ, chủ cái “xì ta tớt” đầy kích thích đó. Mười hai giờ trưa, chủ quán lăng xăng, trán ướt mồ hôi, nói bữa nay nấu nhiều hơn hôm trước do đông khách quá. Khách xưa, khách nay.
Khách già rủ bạn cũ. Khách trẻ tò mò check-in coi thử có ngon như lời đồn đại không mà hổm nay facebook sốt phừng phừng! Mở cửa là 14 giờ, nhưng mới 13 giờ đã có từng tốp người ghé hỏi mua đem về.
Có mấy bà chị sồn sồn ngang tuổi chủ quán, tấp vô ngồi ghế, nói cười rổn rảng: “Bà bán đã nha bà! Hổm nay mở “phây” lên toàn thấy gánh tàu hủ của bà không à! Thời buổi này, buôn bán phải rần rần trên mạng vậy mới đắt và… vui nữa!”.
Nắng trưa chang chát trên đầu dường như không ngăn được khách “ghé qua”. Có cô gái nói hai ba hôm trước có tới mà… hết mất, nay tranh thủ đi sớm. Có ông thầy giáo già của chủ quán cũng tranh thủ ghé thăm và mua ủng hộ học trò cũ.
Bà chủ vừa dọn hàng, vừa bán. Mấy cậu trai trẻ trong phòng tập gym gần đó xúm dọn bàn ghế ra phụ bà. Chén tàu hủ trắng tươi núng nính chan nước đường vàng óng ánh, sóng sánh miếng cốt dừa, điểm thêm miếng gừng thơm lựng… đặt trước mặt mỗi người làm cho thực khách thấy mát bụng đã con mắt, quên đi cái nóng gần bốn chục độ ngoài trời kia.
Lại một vài bạn trẻ tranh thủ chụp hình từ chén tàu hủ tới cái cối đá xay bột, cái nia đậu vàng óng trong nắng trưa… để cúng “thần facebook”, tạo nên một khung cảnh chộn rộn dễ thương. Thiệt sự, đó giờ chưa thấy ăn tàu hủ chỗ nào vui như chỗ này. Hèn chi…
2 Cả cuộc đời bà, dường như gắn liền với đôi quang gánh. Thời trẻ, bà nổi tiếng nhứt xứ Gia Huỳnh, không phải vì gương mặt ưa nhìn, dáng vóc mảnh mai… mà nổi tiếng vì là cô học trò ham học mà cực khổ nhất trường.
Tám, chín tuổi đã theo chân mẹ ra chợ bán hàng. Mười lăm, mười sáu tuổi đã một mình một gánh. Gánh tàu hủ không chỉ là cuộc mưu sinh, mà là cái gánh khát vọng “đạp bằng thiên hạ”. Cô học trò vừa học, vừa bán hàng rong, vừa… làm thơ. Ai mà biết, cái khẩu khí của nàng năm mười sáu tuổi, nó lớn cỡ nào:
Hoa súng nở, ngỡ đất cười
Mặt cô hàng gánh rạng ngời như hoa
Trời bao la, đất bao la
Càn khôn một gánh sơn hà thênh thang
(thơ Lê Nguyên)
Cô thiếu nữ từng ôm mộng làm cô giáo. Cũng đã từng miệt mài khổ luyện thi cho được vào Trường cao đẳng Sư phạm, khoa Văn. Ngày đó, con gái xứ Trảng học hành đàng hoàng đã không dễ. Thi đậu vào Sư phạm Văn là cả một trời kiêu hãnh.
Rủi thay, số phận trêu đùa. Một căn bệnh nặng đã khiến cô không thể theo hết con đường nghiên bút. Chữa lành bệnh, lại không còn đủ điều kiện trở lại trường, cô đành tiếp tục quảy gánh trên vai, ruổi rong trên đường cơm áo, lo cho hết gia đình lớn rồi đến gia đình nhỏ của mình. Thoắt chốc mà mái tóc pha sương theo bốn lần mười sáu tuổi.
Cũng ít ai biết được, trong những năm tháng cơ cực nhất, từ thuở thiếu thời đến lúc thành bà ngoại sắp nhỏ, người đàn bà ấy vẫn thản nhiên… làm thơ. Bà coi thơ là một phần cuộc sống của mình. Bà ghi chép lại tất cả những diễn biến cuộc sống, biến nó thành một thứ tài sản tinh thần dành lại cho đời sau.
3 GÁNH GIÓ được ra đời trong hoàn cảnh như thế.
Tập thơ mỏng nhẹ như gió, nhưng nặng trĩu ký ức thời gian. Thơ Lê Nguyên không trau chuốt cầu kỳ, viết như không viết, nhẹ nhàng dẫn dụ người đọc vào một vùng trời bình yên, rất bình yên.
Vài bó rau lang buổi sớm mơi
Tám mươi hai tuổi suốt một đời
Từ thuở trẻ trung bà ngồi chợ
Đến giờ ai biết nỗi đầy vơi
(Những bó rau của ngoại)
Thậm chí, khi cuộc người không được như ý, nỗi niềm đó cũng được trải vào thơ rất nhẹ nhàng: Gió ở sau đầu gióng/ Gió ở trước mặt sông/ Đời như không như có/ Gánh gió có như không (Gánh gió).
Ngày xưa mơ đội đá vá trời/ Đan gầu tát biển núi dời non xây/ Bây giờ tóc bạc như mây/ Đưa tay nối lại làm dây thả diều (Ngày ấy, bây giờ).
Gánh gió đã “gánh” tất tần tật ký ức của một đời người, trong một vùng đất hẹp, nhưng đầy đặn tình yêu và rải tình yêu ấy lên từng người đọc. Phải có một nghị lực phi thường và tình yêu đậm đà với nàng thơ, mới có thể bền bỉ viết, mới có thể thuyết phục người đọc bằng sự rung động chân thành của mình với cuộc sống.
Thật ra, đây đã là tập thơ thứ ba của bà. Trước đó, tập thơ Bóng khói (NXB Hội Nhà văn - 2019) đã vinh dự được nhận Giải thưởng Xuân Hồng năm 2020.
Khi ngồi gõ những dòng chữ này, trước mắt tôi vẫn hiển hiện đậm nét nụ cười sáng bừng gương mặt đầy mồ hôi của bà. Vẫn còn nghe tiếng cười sảng khoái hẹn ngày mai gặp lại “chị sẽ cho ăn tàu hủ mệt nghỉ. Nhớ nhen, bữa mai sẽ ngon hơn bữa nay!”.
Tin rằng, bà đã và sẽ tiếp thêm năng lượng cho rất nhiều người như tôi, không phải bằng… chén tàu hủ thông thường! Không tin thì bạn cứ ghé tiệm Ở đây một lần, ăn tàu hủ và lắng lòng nghe vài câu thơ ai đó đọc, rất bâng quơ…
Cẩm Giang