Trước Điện Bà năm 1920, người ngồi ghế là sư tổ Tâm Hoà
Danh tiếng nhất ở núi Bà ư? Trước tiên phải kể đến sư tổ Đạo Trung, tự Thiện Hiếu. Nhiều sách sử cũng như các nghiên cứu về Phật giáo Nam bộ đều cho rằng, ông là người đầu tiên đến tu hành ở núi Bà Đen. Trong danh sách “liệt vị tổ sư khai sơn hoá đạo núi Điện Bà” (sách Ngọn đuốc cửa thiền Phan Thúc Duy, 1957), sư tổ Đạo Trung được xếp vào đời thứ 36 dòng tu Tế thượng chánh tông.
Tác giả trẻ Phí Thành Phát cho biết: “Trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (Nguyễn Lang, Nxb Phương Đông, 2012) có đoạn: “Đạo Trung sau 31 năm trú trì tại Linh Sơn, giao sơn môn này cho đệ tử là Tánh Thiền và về khai sơn chùa Long Hưng ở Thủ Dầu Một. Đó là vào năm 1794…”.
Vậy là ngài Đạo Trung đã đến, mở đầu công cuộc hoá đạo của Phật giáo tại núi Bà vào năm 1763. Ngài còn có tên tục, gọi là Tổ Bưng Đỉa. Là do có câu chuyện truyền tụng, rằng trong những năm lưu dân đi mở đất phương Nam, có nơi là bưng hoang toàn đỉa lúc nhúc chen nhau sinh sống, khiến nông dân không thể khai hoá thành ruộng rẫy. Thế là ngài đến, tụng niệm trì chú cho đến khi con đỉa chúa màu trắng phải hiện hình. Nó bỏ đi, kéo theo lũ đỉa hoang lúc nhúc. Đến lúc ấy thì mới có thể cải tạo bưng hoang thành ruộng lúa.
Sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh (Sài Gòn, 1973) có kể đến 2 truyền thuyết về sự tích Linh Sơn thánh mẫu núi Bà. Thuyết thứ nhất là về nàng Lý Thị Thiên Hương quê ở Trảng Bàng đem lòng yêu chàng Lê Sĩ Triệt cùng quê, nhưng lại bị một tên con quan địa phương chú ý muốn bắt về làm thiếp.
Sau khi Lê Sĩ Triệt đầu quân cho Võ Tánh, một tướng của chúa Nguyễn- Gia Long; thì nàng bị bọn gia nô của con quan đến vây bắt khi nàng lên cúng Phật trên núi: “Nàng nhào xuống hố tử tiết không ai hay. Ba hôm sau Lý Thị Thiên Hương mới báo mộng cho vị hoà thượng trụ trì trên núi Tây Ninh… Hoà thượng theo lời mách bảo, tìm gặp xác đem chôn cất…”.
Vị hoà thượng ấy, không ai khác chính là sư tổ Đạo Trung - Thiện Hiếu. Một số vị sư tu hành lâu năm ở núi, như Hoà thượng Thích Niệm Thới, Thượng toạ Thích Niệm Thắng… tin rằng, dù ở 2 cõi dương, âm cách biệt, nhưng chính sư tổ Đạo Trung là người thầy giúp Thiên Hương tu trì nên “chính quả”, trở thành Thánh mẫu núi Linh Sơn.
Hai vị tổ tiếp theo, đời thứ 39 là Tánh Thiền, tự Quảng Thông và đời thứ 40 là Hải Hiệp - Từ Tạng. Nhưng không có những ghi chép về sự tích của các ngài. Đến vị tổ thứ 41 là Thanh Thọ - Phước Chí, trụ trì trong các năm từ 1871 đến 1880 thì có nhiều sự kiện được ghi lại. Như ngài từng làm “Thủ tạ chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân)…
Ngày 8.2.1871 năm Nhâm Thân khánh thành chùa Phước Lâm, lên Điện bà xây hang Điện năm 1872…” (Ngọn đuốc cửa thiền, 1957). Thanh Thọ - Phước Chí hẳn là một bậc tu hành “Đạo cao, đức trọng” nên ngài từng được suy tôn làm Chủ kỳ, giữ chức Yết Ma trong Đàn truyền giới (nay là Đại giới đàn) vào tháng 5.1875, khi thiền sư Tiên giác Hải Tịnh - người được coi là “đi đầu trong công cuộc chấn chỉnh nghi lễ ứng phú Nam bộ lúc bấy giờ” lên núi Bà, mở đàn truyền giới tại chùa Linh Sơn Tiên thạch (tạp chí Văn hoá Phật giáo ngày 15.4.2021).
Tuy vậy, thành tựu quan trọng nhất của tổ Thanh Thọ là đào luyện được những đệ tử xuất sắc. Đấy là các nhà sư: Trừng Tùng, tự Chơn Thoại, sau kế vị thầy làm trụ trì chùa núi Linh Sơn từ năm 1880 đến 1910. Hai người đệ tử khác, là Trừng Lực- về Trảng Bàng xây dựng chùa Phước Lưu và Trừng Long- về Gò Dầu xây dựng chùa Thanh Lâm, những năm đầu thế kỷ 20; người thứ ba là Trừng Tâm, chính là người đã làm nên kỳ tích ở núi Bà Đen.
Sau khi tụng kinh Kim Cang đúng 100 ngày đã khiến cho tảng đá lớn nứt đôi, dang ra thành một lối đi từ chùa Bà sang chùa Hang mà dân gian thường gọi là Ông Đá Nứt. Theo một tấm bia đá trên mộ ngài, đục đá thành chữ Hán có nội dung: “Tế thượng chánh tông, tứ thập nhị thế, huý Trừng Tâm- Thượng Phước hạ Kỳ, hiệu Huệ Mạng Kim Tiên- Tổ sư”.
Nghĩa rằng ngài cũng được tôn là tổ sư đời thứ 42 dòng Tế thượng chánh tông của Phật giáo núi Bà Đen. Sư tổ Trừng Tùng là người đầu tiên xây dựng kiên cố ngôi chùa Phật (Linh Sơn Tiên Thạch) và một toà giảng đường bằng gỗ sao.
Một vị sư tổ danh tiếng khác ở núi chính là sư tổ Tâm Hoà, tự Chánh Khâm, tổ đời thứ 43 trụ trì các năm từ 1919 đến 1937. Ngài là người có công trong việc xếp đá làm đường từ chùa Trung lên núi trong suốt 2 năm tu ở chùa Trung, có sự giúp sức của một Hoa kiều tên là Huỳnh Tẩy, sống ở Long An. Ngài cũng là người có công xây dựng chùa tổ và nhà tổ toàn bằng đá núi vào các năm từ 1922 đến năm 1937.
Chiến tranh, những ngôi ấy đã sập đổ nhưng một vài cột đá còn lại đã được Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa tận dụng trong khi xây lại chùa Bà, chùa tổ vào những năm 1996 đến 2000. Chính là Ni trưởng, cũng đã xây lên bên cạnh chùa Linh Sơn Phước Trung một ngôi giảng đường tráng lệ mang tên thầy tổ Tâm Hoà.
Đến năm 2004, Ni trưởng lại cho dựng tấm bia đá trước nhà tổ, ghi danh 11 vị tổ sư, từ vị đầu tiên là Thiệt Diệu - Liễu Quán cho đến vị sau cùng là tổ Quảng Hằng - Huệ Phương. Những vị sau thì mọi người đã biết; còn 3 vị đầu tiên là các vị tổ đời thứ 35, 36 và 37 thì vẫn chưa thấy sách sử nào ở Tây Ninh ghi rõ. Một nghiên cứu gần đây của Phí Thành Phát cho biết vị tổ đời thứ 35 ghi trên bia là Thiệt Diệu - Liễu Quán.
Ngày sinh chưa rõ, nhưng ông mất năm 1743. Ngài là tổ khai sơn chùa Thiên Thai, Thiền tông ở Huế: “Tăng đồ, tín đồ miền Trung và miền Nam hiện nay hầu hết là thuộc dòng Lâm Tế mà người có công khai hoá hơn hết chính là hoà thượng Thiệt Diệu…”.
Tuy vậy, tác giả kết luận, ngài không phải là tổ sư của chùa Linh Sơn Tiên Thạch. Cũng theo tác giả thì vị tổ thứ 37 khắc trên bia là Đại Quang - Chí Thiền chỉ là bổn sư (thầy) của tổ Đạo Trung, mà không phải là một trong những vị sư tổ của chùa núi Bà Đen.
Thế còn vị tổ đời thứ 36: Tế giác - Quảng Châu? Theo nghiên cứu (đã dẫn) của Đại đức Thích Tâm Giác thì ngài có “pháp danh Hải Tịnh, huý Tiên Giác… Còn có pháp hiệu Tế Giác - Quảng Châu thuộc đời thứ 36 thiền phái Lâm tế chánh tông”.
Ngài sinh năm 1788 ở thôn Bình Hoà, tổng Bình Thuận Đạo, huyện Kiến An, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Năm 1822, thiền sư được phong làm Tăng cang chùa Thiên Mụ (Huế). Ngài về Nam bộ năm 1844, đến năm 1850, Nguyễn Tri Phương vào nhậm chức Kinh lược sứ ở lục tỉnh Nam kỳ, tiến hành chủ trương lập thêm đồn điền, làng ấp, đặc biệt là ở vùng phủ Tây Ninh và 2 tỉnh An Giang, Hà Tiên.
Quan Kinh lược có lời mời hoà thượng chùa Khải Tường nên “đến nơi ấy lấy lòng từ bi cứu giúp người đời dứt ác làm lành”. Đáp lời, “Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh đến phủ Tây Ninh tu sửa chùa núi Linh Sơn, chùa Thái Bình, chùa An Cư, rồi đến An Giang, Hà Tiên hoằng pháp” (bài đd). Đến năm 1875 thì ngài trở lại Linh Sơn Tiên Thạch mở đàn truyền giới, do ngài làm Đường đầu.
Cho dù tổ Tiên Giác - Hải Tịnh có công lớn với Phật giáo Nam bộ- nói như Hoà thượng Thích Lệ Trang thì “Tất cả vùng lục tỉnh ngày nay, 90% đều là đệ tử môn hạ của Tổ”, nhưng chưa rõ vì sao trong danh sách liệt vị tổ khai sơn hoá đạo núi Bà, thì Tế Giác - Quảng Châu ở đời thứ 36; tổ Đạo Trung - Thiện Hiếu lại ở đời thứ 38, trong khi Đạo Trung đã đến tu ở núi trước khi Tế Giác đến đây tới cả trăm năm.
Trần Vũ