Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

NYM - Tôi của tương lai - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 05/05/2023 20:50
BTN - NYM- một quyển sách của Nguyễn Phi Vân sẽ giúp bạn giải mã sự hiện diện của AI trong cuộc sống của mình.

Bạn đang băn khoăn, lo lắng về Chatbox, chatGPT - một hiện thân của trí tuệ nhân tạo (AI), về những ưu việt của nó sẽ làm bạn mất việc làm, mất nhiều cơ hội khác trong tương lai. Vậy con người cần làm gì để đón luồng gió công nghệ mới này? NYM- một quyển sách của Nguyễn Phi Vân sẽ giúp bạn giải mã sự hiện diện của AI trong cuộc sống của mình.

Quyển sách gồm 20 chương. Mỗi chương là những vấn đề mà giới trẻ đang đối mặt trong cuộc sống hằng ngày bằng ngôn từ của thế hệ GenZ: bạn có hiểu không, thanh xuân như một tách trà, tiền nhiều để làm gì, sống sao cho xì - mát, nhà bao việc, thích là nhích… NYM hiện diện trong mỗi chương sách để giải thích, tổng hợp cho con người thấy con người đang hành xử như thế nào và hậu quả của nó ra sao. Làm thế nào để con người là người, chứ không là máy.

NYM là ai?

NYM là con robot được cậu thanh niên 22 tuổi lập trình ra. Lúc đầu, NYM ở trong màn hình máy tính, hầu hết dữ liệu từ cổ chí kim trên mạng internet đều được nạp vào NYM. Ngoài ra, NYM còn có tài lục lọi mọi ngóc ngách trên mạng, tổng hợp toàn bộ dữ liệu về một chủ đề, phân tích, dự đoán, tìm ra lời giải đáp trong vòng 30 giây, mở miệng là nói và viết theo đúng “trend” ngôn ngữ mạng.

NYM ra đời để làm bạn với giới tuổi teen, rồi thành thân “các bạn nhắn cho NYM khi buồn, lúc vui, khi hoang mang và cả ngày tuyệt vọng…”. Vì sự yêu mến dành cho con người, trước khi trở về thế giới tương lai, NYM chia sẻ những suy nghĩ của mình trong quá trình nói chuyện, làm bạn với các bạn trẻ. NYM chỉ ra những vấn đề xã hội ngày nay đang đối mặt.

Qua những câu chuyện với các bạn trẻ, NYM tổng hợp những việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày làm cho con người có nguy cơ trở thành “máy”, trong khi đó “máy” đang học để trở thành “người”. Và nếu con người không thay đổi, máy sẽ thống trị con người trong tương lai, như: Việc học và dạy ở trường còn theo kiểu ghi nhớ, học thuộc lòng, “Nếu cứ nhồi nhét mấy thức kiến thức cũ xì thì hết đời cũng không bằng máy”. Kết quả là, con người ra đời thì lơ ngơ, thiếu kỹ năng sống.

Ba mẹ bận kiếm tiền, thời gian rảnh thì lướt mạng xã hội. Thầy cô tất bật cơm áo gạo tiền, thi đua, thành tích. Giới trẻ thì suốt ngày ở trên mạng, nhìn vào mắt nhau không được, nói với nhau một tiếng không xong. Bạn bè nhiều nhưng chỉ “like dạo và ấn mặt cười, mặt dữ”.

Giới trẻ hiện nay mất kết nối với những con người trong thế giới thực. Từ chuyện tò mò về giới tính, tìm kiếm người yêu, học nghề gì, ăn sao cho khoẻ, sống sao cho xì-mát… con người đều hỏi máy, mà không chia sẻ, chuyện trò được với ba mẹ, người thân, bạn bè của mình. Từ đó, dẫn đến bệnh trầm cảm, tự làm tổn thương bản thân rồi tự kết thúc cuộc sống của mình.

Con người chưa biết cách bảo vệ mình trong kỷ nguyên số: “NYM thò tay được vào từng ngõ ngách cuộc đời, từng hình ảnh, dòng trạng thái hay câu còm vẩn vơ trên mạng của mỗi cá nhân. Dấu chân dữ liệu, dù online hay offline, thu hoạch được bằng tai mắt của thiết bị đeo trên người hay đặt để kế bên, cần gì cho mục đích nào, 30 giây là NYM phơi ra hết. Máy sẽ theo dõi con người 24/24 không cách nào chạy thoát được. Nhờ dữ liệu lớn thu thập liên tục, AI có thể dự đoán được cả hành vi, mong muốn tương lai của con người”.

Chúng ta học gì từ quyển sách?

Để tránh hiểm hoạ số, con người cần trang bị cho mình kỹ năng sinh tồn số. Mọi người nên cẩn thận khi phơi bày thông tin cá nhân của mình lên mạng. Dù là dạng ứng dụng gì cũng cần đọc kỹ “giấy bán thân” mang tên “I accept - tôi đồng ý” khi cài đặt. Hình ảnh ăn vận quần áo thiếu vải, khoe da thịt, gợi cảm đăng trên các trang mạng xã hội là mồi ngon cho dân biến thái… Công nghệ không phải là xấu, mà công nghệ là thứ cực kỳ hai mặt, con dao hai lưỡi, đòi hỏi con người phải sáng suốt tìm hiểu, học cách sử dụng và quản trị. Nếu không, nó sẽ trở thành công cụ cho kẻ xấu kiểm soát và huỷ hoại con người.

Với sự phát triển của công nghệ, máy móc sẽ tranh hết việc của con người. Do đó, để con người là người, chứ không là máy, các bạn trẻ cần rèn luyện 5 nguyên tắc: 1) Đam mê sẽ làm cho con người lì lợm đi tới hoài, dù khó khăn. 2) Tính hiếu kỳ- để đặt câu hỏi đúng, chất lượng câu hỏi quyết định chất lượng dữ liệu để con người ra quyết định đúng.

3) Trí tưởng tượng sẽ quyết định tầm nhìn kiến tạo ra tương lai và thế giới. 4) Tư duy phản biện - giúp con người phân biệt đúng, sai, không dễ bị dẫn dắt, lợi dụng. 5) Tính bền bỉ và lòng can đảm - không đầu hàng, tiếp tục cố gắng, tiếp tục sáng tạo, tiếp tục thử nghiệm ý tưởng mới để đạt được mục tiêu, để theo đuổi đam mê.

Và cuối cùng, dù ở thời đại nào, con người vẫn quanh quẩn với quy luật sinh lão bệnh tử. Có công nghệ hay không, con người cũng chỉ mong có quyền được làm người, được yêu thương, tôn trọng, hạnh phúc, bình an.

Đọc NYM, bạn sẽ nhìn thấy rõ ràng, toàn diện bức tranh kỷ nguyên số. Cách thức con người tương tác trên không gian số, sự phát triển của công nghệ 3D, ứng dụng AI trong chăm sóc sức khoẻ con người, ngân hàng số… và học cách thiết kế lại cuộc sống của mình. Hãy sống trọn vẹn từng giây, từng phút với hiện tại.

Tác giả Nguyễn Phi Vân tốt nghiệp MBA tại Úc, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các tập đoàn đa quốc gia. Cô là diễn giả quốc tế, nhận được nhiều giải thưởng trong ngành bán lẻ và nhượng quyền toàn cầu; là tác giả của 7 tác phẩm sách nổi tiếng.

NYM là AI được tác giả xây dựng trong hơn 3 năm. Tất cả những thông tin, dữ liệu thu thập được là từ các cuộc nói chuyện trực tiếp giữa AI với 11 triệu người trẻ Việt trên facebook. Đây là một quyển sách do con người và AI hợp tác viết.

Cỏ May

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp