Ảnh minh hoạ: Đ.H.T
Ngoan nhà nghèo, không đẹp, tự chấm dưới trung bình. Ba mất sớm, một mình má Ngoan bươn chải đủ nghề cố gắng cho hai chị em Ngoan ai cũng học xong trung học phổ thông. Biết gia đình khó khăn, sức học bình thường, không mơ ước xa xôi nên chị gái Ngoan đi làm công nhân cho xong.
Riêng Ngoan, nghĩ mình không đủ sức thi đại học, nên ấp ủ học nghề- mà nhất định phải học ở Sài Gòn. Cái tên Sài Gòn đủ hấp dẫn để Ngoan mơ màng ngày này qua ngày khác. Ngoan đã ngồi gói kẹo mướn và may đồ chục ròng rã chuẩn bị tiền ăn học trong hai năm.
Ngoan tiện tặn không mua sắm, không chưng diện và không luôn với tiệm quán. Lãnh tiền tuần, Ngoan định chơi hụi kiếm thêm đồng lời nhưng sợ bể hụi. Quần áo chị gái chê, quăng ra, Ngoan lượm. Thấy gì đẹp quá, thích quá, thì mượn hoặc xin.
Mấy bộ đồ thun mặc lâu ngày lưng quần rộng quỵt, đáy thòng tới gối mà Ngoan chưa chịu bỏ thì đủ biết Ngoan chắt chiu cho ước mơ đến cháy lòng. Ngoan chắt mót quá nên có luôn biệt danh “Bà trùm”. Bà Tư hàng xóm qua chơi quở: “Chời ơi! Bây con gái con đứa mà hổng biết sửa soạn coi cho nó ngộ, già xém bằng má bây rồi, ế chết con ơi…”.
Thấy Ngoan ham học, chị gái biểu Ngoan cứ đi học, thiếu tiền chút đỉnh thì cho mượn, học về đi làm kiếm tiền trả lại, chờ đủ biết chừng nào, già quá khó học mất thời gian. Ngoan dài giọng: “Mất gì đâu…! Ông Ba Bang ở xã sắp về hưu mà giờ còn đi học chữ kìa. Đừng lo! Có điều đừng ai kêu tui hùn hạp làm gì hết, để tui đủ tiền đi học là thương tui rồi”.
Vậy là Ngoan được ăn chung để tiền riêng. Ngoan miệt mài làm quên ngày quên tháng. Nhắm chừng đủ vốn lận lưng, Ngoan nghỉ làm. Tra được một trường dạy nghề không phải thi đầu vào, chỉ xét học bạ. Đó là lập trình viên, chuyên ngành công nghệ thông tin, nghe thôi là thấy mới mẻ, sang trọng, khi tuổi Ngoan vừa tròn hai mươi hai.
Ngoan lớn tuổi nhất phòng trọ và cũng là người hiền lành ngơ ngáo nhất trong số bốn người ở ghép. Ngoan học chậm hơn mấy em vì những câu lệnh trong chương trình toàn tiếng Anh. Ngoan than thở: Mình không lường được môn học gì tiếng nước ngoài nhiều hơn tiếng Việt.
Ngoan lạ lẫm mọi thứ. Khổ sở nhất là Ngoan chậm thích nghi với sự đông đúc ồn ào từ sáng cho đến tối. Nếu không vì chút sĩ diện, Ngoan đã bỏ về. Ngoan không chuẩn bị tiền cho học thêm Anh văn và cũng không có tiền mua laptop thực hành, đành phải xin học ké với nhỏ em cùng phòng với điều kiện phải dọn dẹp vệ sinh thay nhỏ theo lịch mà phòng đã xếp.
Thỉnh thoảng, Ngoan cũng nổi điên khi mấy nhỏ viện cớ mắc học bày bừa tùm lum và cái cách mà đứa nhỏ cho Ngoan mượn laptop kiểu ban ơn. Có lúc kiềm không được, Ngoan liếc xéo mắt trắng dã, lầm bầm: “Làm phước cũng cho tử tế chớ!”. Cả phòng cười rần. Ngoan tẽn tò.
Ngoan mất nhiều thời gian tới trường bằng việc đi bộ ngoằn ngoèo tới trạm xe bus và luôn gật gà vì thiếu ngủ, bởi Ngoan chỉ được dùng laptop khi nhỏ em buông ra quá khuya. Làm gì Ngoan cũng chậm một nhịp so với bạn học.
Ngoài tiền học phí, tiền trọ, tiền ăn, Ngoan còn phải đối mặt với những khoản tiền mà theo Ngoan, nó lãng nhách như tiền quà sinh nhật của đám bạn học choai choai. Tụi nhỏ thương quý mời mà Ngoan kiếm cớ không đi hoài cũng kỳ.
Sao giờ người ta bày đặt quá. Nhà Ngoan từ trên xuống dưới ngoài đám thôi nôi ra thì không biết và cũng không muốn biết đến tiệc sinh nhật của người nào. Rồi tiền ăn mừng thi qua môn. Má ơi! Học dở thi lần ba mới đậu, mừng quá thì ăn mừng xả xui... mà cái này thì chấp nhận được.
Năm học cuối, Ngoan ăn mì gói nhiều hơn ăn cơm. Có lúc mua giỏ cá nục hấp có bốn con nhỏ xíu, tính bỏ đầu cá chiên đỡ tốn dầu, qua ngày không có gì ăn, Ngoan đành lục thùng rác tìm bọc đầu cá kho lại ăn cơm chan nước mắt.
Ngoan nản lòng vì cơ cực. Ngoan thừa nhận mình chọn sai nghề. Những đêm khuya học bài muộn với cái bụng đói, Ngoan tự thương mình. Nằm đêm, nhớ má một mình nuôi hai chị em Ngoan mà không hề than vãn, cả đời chưa biết ánh sáng kinh đô, mà thương má, thương luôn những người mẹ một mình nuôi con và quyết không bỏ cuộc. Ngoan nắn nót viết “Không gì không thể” to đùng dán ngay đầu giường để nhắc mình. Và câu này trở thành câu cửa miệng của cả phòng khi gặp khó khăn hay rắc rối gì cần giải quyết.
Ngoan tìm việc làm thêm. Một ngày, Ngoan có hai tiếng đồng hồ chạy bàn cho căn-tin của trường, được ăn cơm miễn phí một bữa và hai mươi lăm ngàn đồng cũng đủ tiền tiêu vặt. Ngày tám tháng ba hay lễ tình nhân, Ngoan theo mấy em đi bán bông kiếm thêm chút đỉnh. Lây lất rồi cũng qua. Ngoan trở về quê với tấm bằng tốt nghiệp loại trung bình. Mừng hết biết!
Mọi việc không như Ngoan tính. Ngoan xin việc không được. Họ đòi bằng tốt nghiệp loại khá trở lên. Chỗ chê lớn tuổi, chỗ chê già, nơi chê xấu. Nói nào ngay, họ đâu có chê bai hay chỉ trỏ gì đâu, nhưng cái cách nhìn lên nhìn xuống biểu về nhà chờ là đủ hiểu.
Niềm hớn hở khi nhận bằng lúc trở về tàn nhanh như củi dừa. Cũng biết thời buổi tìm việc khó khăn, làm gì cũng phải có quen biết hay bao thơ lót tay, nhưng Ngoan không muốn. Mà dù muốn cũng không biết “đi đêm” đường nào.
Khó quá bỏ qua! Mấy năm ở Sài Gòn, gặp người tứ xứ, kiểu gì cũng thấy. Có cơ cực gì mà Ngoan chưa từng trải. Ngoan bắt đầu hiểu ra sắc đẹp cũng là một phần của cuộc sống. Ngoan bắt đầu chú ý tới cách ăn mặc, dọn mình kỹ hơn và tiếp tục may đồ chục kiếm tiền xăm cặp chân mày phá tướng tìm vận may.
Ngoan nộp hồ sơ vô một trung tâm ngoại ngữ đăng ký suất nhân viên vi tính rồi tình tang chờ đợi. Những ngày tháng dài ở nhà, đi chợ mỗi sáng với Ngoan là niềm vui. Ngoan thảnh thơi xách giỏ đi lòng vòng chợ coi người ta mua bán. Chợ quê nhỏ xíu họp mau tan mau. Ngoan thường rà rê tới chỗ mấy bà già bán mớ rau, cây trái nhà trồng rẻ mà ngon. Chợ quê dễ chịu, dễ sống.
Ngoan thích thằng nhỏ giữ xe tên Nhóc đầu chợ Bàu Năng. Con nhà ai mà hiền lành tử tế. Lần nào đi chợ gởi xe cũng vui vẻ, xởi lởi, nhiệt tình. Nhóc là người đầu tiên khen Ngoan dễ thương dễ mến. Ngoan khều Nhóc: “Mày khen chị thiệt lòng hôn, nói chị mừng coi”. Nhóc tươi rói: “Dạ, chị dễ thương thiệt! Chị hiền…”.
Vậy là Ngoan siêng đi chợ và nấn ná ở bãi giữ xe tám chuyện với Nhóc lâu hơn. Nhóc mồ côi cha mẹ ở với ông nội già tám mươi tuổi có chút lảng tai. Nhà Nhóc ở cuối xóm lò mì. Nguồn nước ô nhiễm. Quanh năm nghe mùi thúi lẫn chua do nước mì xả chảy tràn lan cỏ dại mọc không nổi. Chịu mùi không thấu, chờ thưa kiện lâu, nhiều nhà bỏ đi, vì vậy nhà Nhóc trơ vơ không có hàng xóm.
Ngoan ghé nhà Nhóc chơi cho biết cái mùi chịu không nổi đó. Ngoan đâm ra quý thằng nhỏ ít học, lễ phép và có hiếu. Ngoan kiếm cớ chạy tới chạy lui nói nhà có quày chuối chín nhanh quá ăn không kịp. Khi thì dái mít, khế chua, me non đập giập trộn mắm đường cay le lưỡi, mũi dãi lòng thòng vui thấu trời thấu đất khi nghe Nhóc nhắc nhớ. Bữa rủ nhau về nhà Nhóc đổ bánh khọt ăn vì nghe ông nội Nhóc thèm. Nhóc cởi trần ngồi xay bột. Ngoan nhìn tấm thân gầy gò của Nhóc tự dưng đỏ mặt. Trời ơi, nghĩ gì vậy không biết.
Nhóc nói thấy Ngoan giống má nó. Ngoan hỏi nó giống mặt mũi hay tính tình thì nó nói không biết. Tại nghĩ vậy thôi. Vì từ nào chưa ai vá quần vá áo giùm nó, chưa ai biểu nó bỏ hút thuốc giữ gìn sức khoẻ.
Chưa ai biểu nó ráng làm để dành tiền cưới vợ, ấm nhà ấm cửa, có người phụ chăm ông nội. Cũng chưa ai khen nó nấu ăn ngon, sau này vợ con nhờ phải biết. Nhóc cảm động. Kêu Ngoan làm má nuôi nó đi. Nhờ Ngoan coi trong dòng họ có ai không chê nó nghèo, thất học, mà tánh dễ thương như chị làm mai cho nó.
Trời ơi! Mình sao mà cái thằng bự chảng vầy muốn làm con của mình. Ngoan te tái bỏ về, nói bữa nay sao nước mì dậy mùi thúi dữ. Ra tới đầu ngõ, Ngoan rờ mặt chép miệng, mình già thiệt ha. Tự dưng thấy ghét ông trời hôm nay nắng gì mà gắt quá.
Ngoan tính không đi chợ. Loay hoay một hồi rồi cũng xách giỏ ra xe. Thấy Ngoan, Nhóc ghẹo: “Đổi xe honda đi chị ơi, thời này ai đi xe đạp nữa, cái xe này nó già hơn em”. Người gì ăn nói vô duyên. Ngoan hờn chữ già: “Kệ tui! Không phải tui không có tiền mua xe mới, mà tui thương cái xe này, sướng khổ có nhau, nó chung tình giống tui…”. Ngoan ngoe nguẩy đi trong ánh nhìn lờ mờ hiểu ra can cớ của Nhóc.
Nhóc rủ Ngoan đi hội chợ. Bàn tay Ngoan ấm mềm nằm im trong tay Nhóc sau một hồi vặn vẹo. Ngoan ngại ngùng muốn giật tay lại mà tiếc. Ngoan dáo dác sợ gặp người quen. Chừng yên tâm, Ngoan bẽn lẽn đi theo Nhóc. Sau này nhớ lại, Ngoan thấy giây phút ấy là lãng mạn nhất.
Ngang qua chỗ bán dép, cái loa ra rả: “Mua một, tặng một, mại vô… mại vô…”. Nhóc nhìn Ngoan dò hỏi. Ngoan bậm môi kêu thầm: “Trời ơi thằng nhỏ này khờ, hổng lẽ chờ tui nói thích”. Treo bọc dép cũ tòn ten lên xe, Nhóc chạy một tay, tay kia nắm chặt tay Ngoan đạp xe hồ hởi. Người gì mà thiệt thà quá, ai biểu đạp xe chi nhanh quá mau tới nhà rồi còn đâu.
Ngoan bắt chuyện: “Mệt hông?”. “Em mạnh như trâu… cái xe đạp này thấy cũ mà đạp nhẹ re hà. Em thích cái xe và bà chủ nó luôn rồi đó nha…”. Tiếng cười rổn rảng của Nhóc lọt thỏm vô trái tim đang đập liên hồi kỳ trận của Ngoan. Cũng phải dợm mấy lần, Ngoan áp mình vào lưng áo đẫm mồ hôi của Nhóc. Hai người vừa có cuộc hẹn hò đầu tiên.
Không hứa hẹn. Không tỏ tình lãng mạn sến sẩm. Ngoan và Nhóc va vào nhau cuồng nhiệt. Ngày đầu thay đổi xưng hô, Ngoan mắc cỡ: “Lát trưa Đây lại nhà Đó nấu bánh canh chay ăn nhen”. Ngoan cố rửa chén nhẹ chút để nhóng tai nghe ông già lảng tai nói chuyện với Nhóc: “Coi bộ nhỏ đó lớn tuổi hơn con bộn à Nhóc”. Nhóc muốn biết chính xác Ngoan lớn hơn mình nhiêu tuổi. Nhưng khi gặp nhau, Nhóc thấy không cần thiết. Nhiêu cũng được. Nghe nói tình yêu không phân biệt tuổi tác. Lỡ hỏi ra lớn hơn nhiều quá thì biết làm sao.
Ngoan may mắn được nhận vào thử việc tại trung tâm ngoại ngữ Anh Việt do người cũ chuyển đi. Việc chính của Ngoan là nhân viên vi tính kiêm văn thư và trực điện thoại. Ngoan làm việc với lòng say mê bù vào những ngày chờ đợi.
Ngặt nỗi, việc chuyên môn Ngoan làm không mấy chạy, mà những việc linh tinh không tên thì hoàn thành xuất sắc không chê vào đâu được. Ngoan tỉ mỉ lau chùi dọn dẹp phòng làm việc sạch bóng. Cỏ khô, hoa dại Ngoan hái dọc đường tạo điểm nhấn khác biệt giữa phòng Ngoan và các phòng ban khác.
Người ta đánh giá chuyên môn Ngoan không được giỏi như mong đợi, nhưng ai cũng thừa nhận Ngoan siêng năng chăm chỉ và thiệt thà. Một đầu lương mà Ngoan làm ba việc. Ai cũng ưa, nhiều người thích. Hợp đồng chính thức được ký. Nhóc là người đem vận may tới cho Ngoan. Ngoan chắc vậy.
Má Ngoan đuổi Nhóc ra khỏi nhà. Bà khóc té lên té xuống làm cả nhà phát hoảng. Nói vô không được, can gián cũng không xong. Mọi lời nói lúc này tưởng chừng không bên này đau thì bên kia cũng ngậm đắng. Từng câu từng chữ đứt quãng của má khiến Ngoan muốn chết: “Cho mày ăn học nhiều mà mày ngu. Để cho thằng con nít dụ dỗ… cái đồ hư thân mất nết...”. Ngoan cũng không biết ai dụ ai, chỉ biết lúc hai người ư ử vừa xong thì đời Ngoan không thể thiếu người đàn ông này.
Đám thú phạt diễn ra lặng lẽ, nhanh chóng. Điều làm cho nhà Ngoan bớt buồn tủi nhờ vào ông nội của Nhóc. Ông già đứng khép nép hai tay xoa vào nhau, giọng run run chậm rãi. Rằng, xin thương thằng nhỏ mồ côi, thiếu thốn tình thương của cha của mẹ.
Nhỏ xíu mà cực khổ kiếm ăn, gánh thêm một ông già bệnh tật. Rằng, nhà gái nuôi dạy được đứa con ngoan, tử tế, giỏi giang, nết na đằm thắm, ý tứ trong ngoài. Đó là duyên số nên mới khiến hai đứa nhỏ tự tìm tới nhau. Ông thò tay vô túi áo lấy ra cái túi rút để lên bàn, kéo dây đổ ra một đôi bông mù u, một cọng dây chuyền và một cái lắc tay cẩn đá cẩm thạch vàng hai mươi bốn.
Ông xin nạp mớ trang sức của bà nội Nhóc ông đã cất giữ mấy chục năm qua để dành cưới vợ cho thằng nhỏ. Dù nhà gái có thiệt thòi vì không được làm đám cưới, không được đưa dâu, nhưng hoàn cảnh nó vậy, ông xin được đem dâu về để đứa nhỏ trong bụng có đủ cha đủ mẹ. Ông cũng xin nhà gái coi Nhóc như con cái trong nhà dạy dỗ thêm vì thằng nhỏ có lớn mà chưa có khôn.
Mọi người trong trung tâm ngoại ngữ để ý thấy Ngoan lúc này làm việc chậm chạp, mặt mày xanh xao. Ngoan muốn đợi ông giám đốc đi công tác nước ngoài về sẽ thú thiệt mọi thứ. Đi làm, Ngoan mặc cái áo sơ mi rộng thùng thình để che cái bụng lùm lùm.
Việc làm ở đây, Ngoan không chỉ quý vì đồng lương căn bản khá tốt mà còn vì sự tử tế. Ngoan coi chỗ làm là nhà. Mọi người càng thương yêu, Ngoan càng áy náy. Biết giấu thêm cũng không được, Ngoan quyết tâm tìm dịp khai thiệt nhưng không thành. Nhớ hoài lần đầu Ngoan để Nhóc chở tới trước trung tâm, gặp anh bảo vệ thân thiện chạy ra đon đả: “Em trai em hả?”. Ngoan cười méo miệng: “Ở nhà em út rồi, đây là…”. Nhìn gương mặt non tơ bối rối đỏ lựng của chồng cố quay xe đi thiệt lẹ, Ngoan thở dài cười trừ.
Tới giờ mà Ngoan vẫn chưa biết Nhóc thương mình chỗ nào. Ngoan cũng vậy, cũng không biết tại sao thằng nhóc này hấp dẫn mình nhiều đến vậy. Nhưng có một điều Ngoan biết, Nhóc và Ngoan là mối tình đầu của nhau. Ngoan và Nhóc cần được yêu thương. Những tối nằm bên nhau rờ rẫm đứa con trong bụng là trai hay gái, Ngoan không kiềm được cơn yêu của chồng.
Một tối. Ông nội kêu Ngoan to nhỏ: “Thằng Nhóc lóng rày mê chơi điện tử. Bây đi làm là nó ra quán ngồi miết ở ngoải. Hồi đó mê chơi mà bỏ học. Sắp làm cha rồi mà không biết lo gì hết, bây coi mà nói nó nhen”. Ngoan thấy lo! Lo chồng sa đà, lo không biết có làm giấy khai sinh được không vì Nhóc mười chín tuổi, chưa đủ tuổi kết hôn.
Nhóc bắt đầu thể hiện trách nhiệm làm chồng làm cha bằng cách nhận lời ra chợ sớm hơn để phụ dọn bàn ghế và nhóm bếp cho quán hủ tiếu dì Tư kiếm thêm chút đỉnh và được ăn tô hủ tiếu ú ụ không tốn tiền. Giữ xe tới vãn chợ, Nhóc về nhà nấu cơm giặt giũ cho vợ và nội. Rảnh rỗi phải cho chồng giải trí chút đỉnh. Chồng không cờ bạc, gái gú, rượu chè là mừng rồi. Không sao! Ngoan nghĩ vậy.
Chuyện tới phải tới. Mấy em cùng phòng trố mắt không dám hỏi sợ làm đau một “single mom”. Anh bảo vệ được dịp khoa chân múa tay nói chắc như đinh đóng cột rằng hàng ngày chỉ có một đứa con nít thường mặc quần lửng đưa rước Ngoan mà thôi; và Ngoan là đề tài râm ran cho đến khi được mời lên làm việc.
Từ phòng giám đốc trung tâm bước ra, Ngoan nghe nhẹ nhõm trong lòng và thầm cảm ơn ông. Phải! Chuyện bầu bí là chuyện riêng tư của nhà Ngoan, miễn sao Ngoan làm tốt chuyên môn của mình và không ảnh hưởng gì tới trung tâm. Được dịp trút cạn nỗi lòng, Ngoan nhớ lại cái giật mình không kịp gượng của ông giám đốc khi nghe Ngoan lớn hơn chồng mười hai tuổi, đúng một con giáp và chồng chưa đủ tuổi kết hôn.
Ngoan mắc cỡ: “Trời ơi! Chú đừng nhìn con vậy. Con ngại! Mà sao đàn ông lớn tuổi hơn vợ thì được, còn vợ lớn tuổi hơn chồng thì bị dòm ngó. Không công bằng!”. Ông à ừ một hồi rồi nói một cách suy tư: “Tôi thì không có ý gì đâu. Chỉ lo cô bị thiệt thòi về sau…”.
Ngoan bắt đầu thiệt thòi không chờ về sau. Từ ngày về chung một nhà, có Ngoan chăm sóc, Nhóc trắng trẻo đẹp trai hẳn ra. Ngoan bắt đầu ngại khi đi gần chồng. Giờ có một sự chênh lệch quá lớn dù Ngoan đã lường trước nhưng không ngờ được.
Có lúc Ngoan bỏ thí cho Nhóc làm lụng cực khổ, ăn mặc tèng xí, cù bơ cù bấc cho mày già, cho mày xấu để rút bớt khoảng cách tỷ như chị em chứ đừng má con. Nhìn người đàn bà trong kiếng có hai gò má nám đen lấm tấm mụn, cặp mắt một mí giờ còn một nét mỏng, nước da tai tái bùm bụp khiến Ngoan chán mình.
Bao nhiêu chất bổ dưỡng vào mẹ chứ không vào con làm Ngoan sồ ra can không nổi. Ai trong tấm kiếng kia? Liệu mình giữ chân Nhóc được bao lâu? Tới lúc nào Nhóc chán mình? Nghĩ thôi cũng không dám nghĩ. Nhớ câu nói đùa “Chị làm má em đi” lúc trước của Nhóc cứ nhoi nhói trong lòng Ngoan.
Mà thiệt, mình còn chán mình thì biểu sao chồng không chán? Chán mới ra quán cày game cho tới khuya rồi về ngủ chổng vó. Nhóc hay vô tư kéo Ngoan đứng đo chiều cao và nhan sắc trước kiếng: “Chị giờ gần giống má em rồi đó, tút lại đi nha…”. “Ý chê tui già chứ gì? Tại ai mà tui như vầy?”. Mắt Ngoan rân rấn nước. Biết mình giỡn quá trớn, Nhóc vỗ về: “Già mấy em cũng thương”.
Nhóc phụng phịu khi bị giữ lại nhà, dằn dỗi nói chị vầy em mất cơ hội làm bá chủ võ lâm. Ngoan thương chồng cũng ở điểm này. Người gì mà thiệt thà quá làm đau lòng người. Ngoan tự vỗ về, có khi làm cha, người ấy khắc lớn. Vuốt những sợi tóc khô ráp dậy mùi của Nhóc, Ngoan lần tay cạy những mụt mụn cám trên cánh mũi phập phồng của chồng mà trước đây Nhóc rất thích. Ngoan rụt rè: “Game hấp dẫn hơn vợ con nữa hả chồng?”. Nhóc nhổm dậy:“Chị hỏi gì kỳ…”.
Rồi xoay lưng ôm rịt cái gối ôm ý cho Ngoan biết mình giận. Ngoan lại nhượng bộ. Một giao kèo được móc ngoéo phải về nhà trước mười giờ đêm. Sau những lần nhượng bộ, Ngoan được cưng chiều theo cách riêng của chồng. Ngoan sẽ sàng hoà vào những nhịp buông lơi mà dợn người hạnh phúc.
Yêu nhau đến vậy có chuyện gì mà không qua được. Ngoan nhớ lần đầu không còn con gái cũng nơi này nhưng cuồng nhiệt hơn nhiều, giờ có con phải khác. Ngoan âu yếm nhìn người đàn ông trong bộ dạng con nít này mà nghĩ cách để người ấy lớn. Ngoan thì thầm: “Chồng sắp làm ba rồi hen, tập kêu ông xã bà xã đi, chị chị em em hoài mơi mốt con cười”.
Ngoan nhìn đồng hồ mới chín giờ rưỡi. Bên ngoài, gió đưa đẩy mấy tàu dừa ràn rạt. Ba mươi phút nữa chồng về. Ngoan ôm cái bụng lạch bạch vô giường nằm. Còn hơn nửa tháng nữa mới tới ngày, nhưng đứa nhỏ này muốn chui ra sớm. Ngoan bấm điện thoại, chuông reo inh ỏi sát bên. Ngoan thở dài! Chồng bỏ điện thoại ở nhà để khỏi bị kêu réo. Ngoan mở nhạc nghe cho đỡ sốt ruột. Từng lời buồn thấm đẫm: “... Buồn làm chi em ơi, hết duyên phận cũng lỡ làng. Tiếc một đời xơ xác, ngỡ ngàng chuyện tình trái ngang. Ai gieo bao phũ phàng, cho hoa kia úa tàn. Thương số kiếp bẽ bàng, rồi cứ trách mình quá vội vàng…”.
Ngoan nhắm mắt hỏi mình có vội vàng không? Không vội sao được, con mình phải có ba chứ. Ngoan tự do thở dài không sợ ai buồn lúc này, có chăng thằng cu trong bụng. Ngoan không muốn con sanh ra có gương mặt buồn bởi tâm trạng người mẹ. Thằng cu này quậy chắc cỡ ba nó.
Đưa tay lần theo những cơn gò dữ dội nhô lên sụp xuống, Ngoan xách cái túi đầy đủ đồ cho chuyến vượt cạn để ngay ngạch cửa. Trời ba mươi tối đen, nghe nói sanh con ngày này đứa nhỏ tối dạ. Còn hai mươi lăm phút nữa, Ngoan rên rỉ: “Ráng chút xíu ba về tới rồi!”. Ngoan gập người nghiến răng trèo trẹo để kiềm tiếng khóc muốn bung ra. Nước mắt Ngoan đổ dài bởi những cơn đau thúc giục.
Ngoan ước lúc này có má bên cạnh. Cũng đã lâu Ngoan không về nhà dù sát bên. Ngoan không muốn nhà lo lắng thêm vì những đồn thổi chồng Ngoan lóng rày ham chơi bất chấp. Ngoan cũng không muốn nghe và thấy chị mình nóng ruột chì chiết, nhúng trề ai biểu ham trẻ? Ngoan có ham thiệt hôn? Ngoan cũng không biết. Những bài viết lần đầu làm mẹ Ngoan đã đọc đi đọc lại nhiều lần đến thuộc lòng giờ tự dưng biến mất.
Giờ làm gì? Ngoan lần vào nhà tắm rửa ráy thay đồ sạch sẽ, chuẩn bị sẵn chờ Nhóc về chở ra trạm xá. À! Phải ăn chút gì để có sức rặn. Ngoan bước đi trong nhà tưởng đang đi trên con đường đất trước nhà đầy ổ gà ổ voi khiến bước thấp bước cao chòng chành nghiêng ngả. Bới chén cơm nguội chan nước cá kho nghe mặn đắng. Nuốt vào lòng cơn sợ hãi khi mơ hồ nghe một âm thanh nửa có nửa không dưới bụng. Ngoan thảng thốt sao mình đái dầm “Nội ơi…!”. Ngoan kêu to rồi bật khóc.
Ngoan vỡ ối. Ông nội đỡ Ngoan nằm xuống chiếc chiếu trải vội trên nền nhà. Ông giục Ngoan điện thoại cho Nhóc, Ngoan chênh chao cho biết không thể liên lạc. Ông hoảng hốt nhìn đồng hồ đi tới đi lui lầm bầm: “Ông không thể cõng con ra trạm xá được, kêu xe cấp cứu xa quá chắc gì kịp. Cái thằng bất nhơn, vợ bầu bì chửa đẻ mà không biết lo, kỳ này nó về ông chặt chưn nó cho con coi”. Trong cơn co thắt, Ngoan nghe ông nội kể đã từng đỡ đẻ cho heo. Má ơi! Hồi đó, nhà Ngoan cũng có nuôi heo, chị Hai của Ngoan đã thò cánh tay nhỏ xíu vô mình heo nái lôi ra những chú heo con cứng đầu. Ngoan bấu vào cánh tay xương xẩu nhăn nheo mà ngày thường hay nhắc: “Nội coi chừng đó nghen, già loãng xương, té nhẹ cũng gãy” để làm điểm tựa. Ngoan lại nghe ông kêu hít một hơi thiệt dài bắt trớn rặn cái một cho lẹ vì ông đã thấy cái đầu đứa nhỏ thụt ló. Ngoan nhớ má Ngoan chắt lưỡi khi cầm con heo con nhỏ xíu bị ngộp mềm oặt trên tay. Đứa nhỏ có ngộp không? Mùi nhang trầm và tiếng van vái lầm rầm của nội giống như lúc má Ngoan đốt nhang vái tứ phương cầu ông chuồng bà chuồng cho con nái đẻ mau, mẹ tròn con vuông. Ngoan nghe thấy giọng đầy nước mắt run rẩy như sắp hết hơi: “Ráng thêm chút nữa đi con, thằng nhỏ ngộp”. Ngoan cong mình, tay bẻ nát mép chiếu lấy hơi, rồi nghe người mình trôi tuột. Tiếng nội thở phào: “Con giỏi lắm! Giống y chang thằng cha nó, dài ngoằn”. Ông cóm róm bợ đứa nhỏ oe oe để lên ngực Ngoan nói cho nó lấy hơi mẹ. Rồi tất tả xuống bếp.
Tiếng ho khúc khắc của ông nội chìm trong khói bếp làm Ngoan khóc. Lòng thầm biết ơn ông mỗi khi thấy Ngoan buồn, ông thường an ủi: “Thằng Nhóc không phải đứa xấu, nó thiệt thòi khi không có cha có mẹ khi cần. Con tìm cái tốt của nó mà xài, nó già đầu chứ tánh còn con nít, có con rồi tự khắc biết lo”. Nếu không có ông thì mẹ con Ngoan ra sao? Liệu ông còn thời gian chứng kiến cháu cố khôn lớn?
Đưa tay đón đứa nhỏ sạch sẽ trở lại, Ngoan lí nhí cảm ơn. Đúng lúc tiếng chuông đồng hồ báo hiệu mười giờ. Hai ông cháu nhìn nhau. Thằng Nhóc mê chơi không giữ đúng lời hứa. Ông tủm tỉm cười: “Đặt thằng nhỏ tên Thằng Mười Giờ nghe con, để cho cha nó kêu hằng ngày nhớ cử, đặt tên nhà xấu xấu cho dễ nuôi, còn tên trong giấy bây muốn đặt tên gì cũng được. Chưa đủ tuổi làm hôn thú không biết xã có cho khai sanh thằng nhỏ hôn đây?”.
Ôm đứa nhỏ mềm xèo, nhỏ xíu, áp vào ngực bú những giọt sữa đầu tiên. Miệng Thằng Mười Giờ mê miết làm đau rát đầu vú đang căng tức. Ngoan mở bài hát yêu thích, tiếng hát cao vút của ca sĩ nghe não lòng: “Buồn làm chi em ơi, xót xa xin gởi lên trời. Chờ ngày mưa thôi rơi, mang nỗi sầu lìa xa tầm với. Đời còn bao tương lai, lỡ sai vẫn kịp quay lại. Dù thời gian phôi phai, xin gói vào một tiếng thở dài...”.
Ngoan nhắm mắt xoa bụng, cố nén tủi thân theo tiếng thở dài và những cơn trở mình của dạ con lâm râm khó chịu. Mình hối hận? Phải! Đã từng hối hận! Hối hận xong rồi làm gì? Có khi vì này mà người ta chia tay nhau. Có khi vì này mà người ta phải nuôi con một mình. Đứa bé lận môi mút lấy mút để theo bản năng dù dòng sữa chưa kịp về. Đồng hồ binh bong mười hai tiếng. Một ngày mới bắt đầu. Ngoan còn có sự chọn lựa nào hơn. Mân mê những ngón tay thon dài đỏ hồng như tay con gái của thằng Mười Giờ, Ngoan thì thầm: “Cha con hư lắm, lát về má con mình phải trị tội cha con. Giờ phe mình có tới ba người, con lớn nhanh để bảo vệ má và ông cố”. Ngoài kia, tiếng xe đạp lọc cọc quen thuộc về tới trước nhà.
H.N