Thầy Sáu Long cùng học viên hoà tấu bản nhạc lễ.
Người nghệ sĩ già và cây đàn
Là một trong những nghệ nhân ưu tú có nhiều đóng góp cho nền văn hoá dân gian tỉnh nhà, đặc biệt là bộ môn nhạc lễ đạo Cao Đài Tây Ninh, ông Sáu Long (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Long, ngụ phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành) dành trọn cuộc đời cho việc giảng dạy nhạc lễ cho bao thế hệ học trò trong và ngoài tỉnh, hoàn toàn miễn phí.
Ông Sáu Long cho biết, người đạo Cao Đài không nhận tiền của học viên mà phải dạy bằng cái tâm mới đúng lẽ, phải đạo. Dịp hè này, lớp học của ông đông hơn ngày thường, người theo học đa phần ở lứa tuổi thanh thiếu nhi.
Cả cuộc đời ông Sáu Long chỉ mở lớp nhạc và dạy nhạc. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, ông vẫn tâm huyết với các lớp nhạc, chỉ mong góp một phần nhỏ trong việc phát huy những giá trị nghệ thuật của thế hệ đi trước. Thực tế, số lượng người chơi và hiểu về nhạc lễ hiện nay không nhiều. Để giới trẻ có thể hiểu, chơi được nhạc lễ là cả một quá trình dài, đòi hỏi họ phải đủ kiên nhẫn và thực sự đam mê.
Mặc dù đây là bộ môn kén người học, nhưng ông Sáu vẫn có những học trò kỳ cựu, gắn bó với bộ môn nhạc lễ, là thành viên của Ban nhạc lễ Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Đó có lẽ là niềm vui của người thầy giáo, người nghệ sĩ già với hành trình đưa văn hoá lễ nghi cổ truyền đến gần hơn với giới trẻ, không chỉ người theo đạo mà cả người ngoại đạo.
Em Trần Hoàng Lam, ngụ xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành là một trong số những học viên tìm đến thầy Sáu để học vì trót yêu quý bộ môn này. “Cha mẹ hay đưa em đi công việc gần nhà bác Sáu Long, có dịp nghe nhạc lễ một vài lần, cảm thấy thích nên em xin cha mẹ cho theo học. Thầy dạy rất dễ hiểu, nhưng thật sự mà nói đây là bộ môn rất khó học, phải yêu thích mới có thể theo đuổi đến cùng”- Hoàng Lam kể.
Là một trong những học viên nhỏ tuổi của lớp, em Bùi Tiến Phát, ngụ khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh chia sẻ: “Từ nhỏ em rất thích đờn ca tài tử, năm 9 tuổi, em tìm trên mạng và thấy lớp học của ông Sáu nên đăng ký. Em theo học được 3 năm và biết 3 loại nhạc cụ: đàn cò, đàn tranh, đàn kìm. Thời gian tới, em sẽ tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường, sử dụng đàn cho các bạn trong lớp thấy được cái hay của những loại nhạc cụ này, đồng thời nói cho các bạn hiểu thêm về ý nghĩa của những loại đàn”.
Niềm vui của trẻ em Khmer ở ấp Kà Ốt
Cuối tháng 6.2023, bà con dân tộc Khmer ở ấp Kà Ốt, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, đặc biệt là các em thiếu nhi nơi đây vui mừng, phấn khởi khi lớp học nhạc ngũ âm được triển khai giảng dạy. Kể về hành trình vực dậy âm nhạc dân gian của dân tộc Khmer tại ấp Kà Ốt, anh Sà Rết Ang- Trưởng ấp Kà Ốt cho biết, ngũ âm là “tinh hoa” âm nhạc, di sản quý báu của dân tộc Khmer. Theo truyền thống của đồng bào Khmer, trong tất cả các lễ lớn ở chùa và ngày tết như Sene Dolta, Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok hay lễ Dâng y, lễ Dâng bông... đều có mặt dàn nhạc ngũ âm.
Tuy nhiên nhiều năm qua, ấp Kà Ốt vắng bóng dàn nhạc ngũ âm do không có thế hệ kế thừa. Mỗi dịp lễ tết, người dân phải thuê dàn nhạc từ nơi khác đến, có khi không mời được vì họ cũng bận rộn chuẩn bị lễ tết.
Tháng 1.2022, Báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh trao tặng dàn nhạc ngũ âm và bộ trống Chhay Dăm cho cộng đồng người Khmer đang sinh sống tại ấp Kà Ốt. Đây là niềm vui khôn xiết của người dân Khmer nơi đây sau bao nhiêu năm vắng tiếng nhạc ngũ âm trong các lễ hội truyền thống.
Bắt tay vào hành trình vực dậy nhạc ngũ âm, người dân trong ấp cùng già làng tìm thầy về dạy nhạc cho các em nhỏ. Hè này, lớp học được khai giảng dưới sự giảng dạy của anh Trai Thol (SN 1991), quê quán ở tỉnh Tboung Khmum, Campuchia. Là một trong những nhạc công chuyên nghiệp, anh chia sẻ, đến Việt Nam giảng dạy cho các em thiếu nhi dân tộc mình về nhạc cụ truyền thống là niềm vinh hạnh của anh.
Anh Trai Thol (Campuchia) đến ấp Kà Ốt, xã Tân Đông dạy nhạc cho các em nhỏ.
Lớp học được chia thành 2 đội, mỗi đội 8 em học viên có độ tuổi từ 12 - 15 tuổi, đều là con em dân tộc Khmer tại ấp Kà Ốt. Các em được tạo điều kiện học tập trong suốt 3 tháng hè, mỗi ngày 2 buổi học, sáng và chiều. Sau 1 tháng học tập không ngừng nghỉ, các em thiếu nhi Khmer ấp Kà Ốt đã đánh thuần thục vài bản nhạc ngũ âm dành cho các dịp cúng chùa, cúng lễ...
Đặc biệt hơn, lớp học được giảng dạy tại Trung tâm Học tập cộng đồng ấp Kà Ốt, nằm trong khuôn viên chùa Kirisat Tray Men Chey- nơi sinh hoạt tâm linh của người dân nơi đây. Tiếng nhạc ngũ âm rộn ràng, làm sống dậy linh hồn của những lễ hội truyền thống dân tộc của người dân Khmer.
Các em nhỏ tham gia học nhạc ngũ âm được tiếp xúc và đàn lên những bản nhạc dân gian của dân tộc tự hào khi được kế thừa truyền thống quý báu của ông cha. Em Ang Chanh Reac Sa- học sinh lớp 7, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Ninh, học viên của lớp học nhạc ngũ âm cho biết, khi nghe thông báo về việc mở lớp dạy nhạc, em mạnh dạn đăng ký và chọn bộ cồng lớn Pét - Kuông - Thôn vì yêu thích tiếng cồng vừa trong trẻo, vừa mạnh mẽ.
“Học đánh cồng không khó, chỉ cần chú ý về nhịp và thứ tự cồng sẽ đánh được thuần thục. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của thầy và sự quan tâm của trưởng ấp cùng già làng, chúng em đã đàn được nhiều bản nhạc ngũ âm. Được dùng tiếng đàn để phục vụ cộng đồng người dân Khmer của mình là niềm tự hào của em và các bạn”- Ang Chanh Reac Sa chia sẻ.
Một bé gái người Khmer học sử dụng bộ chiêng
Ông Nách Chan, già làng của ấp Kà Ốt cho biết, dàn nhạc ngũ âm là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Khmer. Ông không giấu được sự xúc động khi tìm được thầy về dạy nhạc cho các em. Các cháu nhỏ được tạo điều kiện học tập, kế thừa văn hoá truyền thống dân tộc không chỉ là niềm vui của ông mà còn là niềm phấn khởi của người dân Khmer tại mảnh đất Kà Ốt.
Ngọc Bích - Hoàng Yến
(Còn tiếp)