Tám mươi tuổi, trông ba thật khắc khổ và già yếu hơn hẳn so với những người cùng tuổi trong xóm, có lẽ vì tuổi thơ cơ cực và một quãng đời gian lao.
Quê tôi xứ Trảng. Ngày đó, ba tôi là một đứa trẻ quê, sống cùng ông bà nội với nghề làm nông, quanh năm làm lụng ngoài đồng. Lớn một chút, ba lên chiến khu, xin vào Tiểu đoàn 14. Trong khoảng thời gian đó, ba gặp mẹ- một chiến sĩ Hậu cần, nhờ giao liên về móc liên lạc, đưa bà nội lên chứng kiến lễ tuyên bố giản đơn ở giữa rừng. “Túp lều tranh” của ba mẹ, nay dựng, mai bỏ mỗi lần đơn vị dời cứ, gian khổ trăm bề nhưng tràn đầy yêu thương. Đó là những năm tháng khó phai mờ trong tâm trí ba tôi.
Giải phóng, mẹ là bệnh binh, phải giải ngũ để lo cho gia đình. Ba tôi cũng là thương binh, tiếp tục học hành và công tác ở Phòng Thanh tra huyện. Thời bao cấp, nỗi lo cơm áo gạo tiền càng oằn nặng khi lần lượt sáu chị em tôi ra đời. Hết giờ làm, ba tôi phải lao động cật lực, làm thuê, làm mướn; tối lại ngồi còng lưng đan lát với mẹ, vẫn thiếu trước hụt sau.
Khi bầu trời trong mắt chúng tôi ngày càng xanh hơn cũng là lúc tóc ba tôi dần điểm bạc. Chúng tôi lớn dần theo năm tháng, trưởng thành và lần lượt rời xa vòng tay ba mẹ, đi lập nghiệp ở phương xa. Mỗi người một nẻo. Mẹ cũng đã rời xa ba, về một thế giới khác, thật xa xôi. Ba tôi ngày càng già yếu, hiu quạnh…
Chiều chủ nhật nên khu lưu bệnh dành cho cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cũng trở nên vắng vẻ. Ba ngồi thẫn thờ trên ghế ngoài hành lang, mắt xa xăm.
Nhớ hôm nhập viện, ba gặp lại đồng đội - nhớ nhớ, quên quên, sau vài câu hỏi thăm mới dần nhận ra nhau - mừng mừng, tủi tủi. Hoà bình đã non nửa thế kỷ, cuộc sống như những vòng xoáy, đẩy họ rời xa nhau.
Đêm đó, họ trò chuyện đến khuya, hồi ức về những ngày đạn lửa mù trời bỗng nhiên sáng bừng trên mỗi gương mặt, lấp lánh những giọt nước mắt lăn dài… Họ như được tiếp thêm sinh lực, một lần nữa được cùng ăn, cùng ở như ngày ở rừng, í ới gọi nhau khi đến bữa, quây quần, tíu tít như một gia đình. Ai cũng phấn chấn, khoẻ lên gấp bội phần.
“Bữa tiệc nào rồi cũng tàn”, những người đồng đội lần lượt xuất viện, bịn rịn, quyến luyến, bắt tay mà không nỡ buông. Những ngày sau đó, ba buồn, không ngó ngàng đến chuyện ăn, chuyện uống thuốc, dù anh chị em tôi và các bác sĩ hết lời khuyên. Như nhớ ra điều gì, anh tôi bắt đầu gợi chuyện để ba kể về những ngày tháng xưa cũ ở chiến trường. Đôi mắt ba sáng rực lên, sắc mặt tươi tỉnh, nhìn anh tôi cười- nụ cười chứa đựng niềm hân hoan đến lạ.
Bệnh ba tôi trở nặng. Những ngày tháng cuối đời, ba nói chuyện suốt, nhưng không phải với anh chị em tôi- mà với những hình bóng đồng đội lẩn khuất ở đâu đó, trong thinh không. Ba cứ nghĩ tôi là bạn chiến đấu thuở nào, nhờ xin phép Tiểu đoàn trưởng cho nghỉ ngơi vài ngày, hết bệnh ông sẽ nhanh chóng đi tìm đơn vị ngay. Tôi dạ cho ba yên tâm, nước mắt tràn ra, tim thắt lại, đau nhói.
Ba tôi ra đi vào một buổi chiều hanh hao đầu tháng hai, nụ cười vẫn đọng trên môi. Có lẽ, khi đó, mẹ tôi và những chiến binh oai hùng năm xưa đang vẫy tay gọi ông, về với những cánh rừng.
Nơi đó, có “túp lều tranh” ven suối.
Nơi đó, có những đầu súng, chếch mũi chờ trăng lên…
Tín Chi