Các cửa khẩu quốc tế là một lợi thế lớn của Tây Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh liên kết, hội nhập.
Vùng “đầu tàu” của cả nước…
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh trọng điểm phía Nam, những năm qua, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.
Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu ngân sách Nhà nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước.
Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn ở Khu công nghiệp Phước Đông. Ảnh minh hoạ
Đông Nam bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.
Tỷ lệ đô thị hoá của vùng đạt 67%, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước. Lĩnh vực văn hoá, xã hội đạt một số kết quả quan trọng. Nhiều giá trị di sản văn hoá được bảo tồn, phát huy.
Công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách an sinh xã hội, đổi mới giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhất cả nước. Lĩnh vực y tế chuyên sâu có những thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới.
… nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức lớn
Tuy nhiên, vùng Đông Nam bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như đề ra. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách Nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng.
Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý.
Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh công lập chậm được khắc phục; năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng các tình huống dịch bệnh bất thường.
Phát triển nhà ở xã hội- nhất là nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải chậm được cải thiện. Khoảng cách giàu - nghèo chậm được thu hẹp. Liên kết nội vùng và liên vùng chưa hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thủ tướng xem không gian quy hoạch thành phố mới Bình Dương tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng hôm 26.11 tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do: Nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng chưa đầy đủ; một số chỉ tiêu đề ra mức khá cao trong khi huy động và sử dụng nguồn lực còn hạn chế; phân bổ nguồn lực còn thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn và cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân quyền chưa tạo được sự chủ động cho các địa phương. Các quy hoạch chất lượng chưa cao, thiếu liên kết, không đồng bộ, thậm chí xung đột, chồng chéo; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ cao còn thấp.
Năng lực quản lý của bộ máy còn hạn chế; năng lực cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở về quản trị xã hội, xử lý tình huống bất thường chưa đáp ứng được yêu cầu; chỉ đạo, điều hành ở một số nơi còn sai sót, vi phạm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sáng 27.11.
Tăng cường đổi mới liên kết vùng
Trước thực trạng trên, Bộ Chính trị thống nhất quan điểm: vùng Đông Nam bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đông Nam bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
Phát triển vùng Đông Nam bộ phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông. Huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hoà với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch và quản lý phát triển vùng. Tăng cường đổi mới liên kết vùng trên cơ sở xây dựng cơ chế liên kết và điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các vùng khác và các nước tiểu vùng sông Mekong, ASEAN và thế giới. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của từng địa phương và tổ chức điều phối vùng. Thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao, tạo đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.
An Khang
(còn tiếp)