Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định, Đông Nam bộ là vùng có tiềm năng khác biệt. Những thành quả phát triển của vùng đã góp phần quan trọng vào thành quả phát triển chung của quá trình hơn 35 năm đổi mới đất nước; đặc biệt sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khu vực Đông Nam bộ đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phục hồi phát triển kinh tế- xã hội của cả nước.
Thủ tướng ghi nhận những ý kiến tham luận phát biểu tại hội nghị đa dạng, phong phú, nội dung toàn diện; trong Chương trình hành động Nghị quyết 24-NQ/TW cũng đã nêu rất rõ.
Để vùng Đông Nam bộ phát triển xứng với tiềm năng, thế mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra “5 mâu thuẫn, 6 thách thức” của vùng.
Cụ thể, Đông Nam bộ có tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; việc kết nối hạ tầng chiến lược chưa đồng bộ, đầy đủ, toàn diện; việc huy động nguồn lực chủ yếu phụ thuộc vào Nhà nước; các cơ chế hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là nội lực chưa phát huy.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm thế mạnh của Tây Ninh.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa ngang tầm vai trò, vị trí và lợi thế của vùng. Phát triển văn hoá chưa theo kịp chính trị, kinh tế và xã hội, chưa ngang tầm, tương xứng.
“Thách thức lớn nhất ở đây chính là phát triển chưa bền vững, trong đó có phát triển đô thị; tắc nghẽn giao thông; tác động bởi chống biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; phân hoá giàu nghèo và vấn đề an sinh xã hội”– Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chương trình hành động nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng nói riêng và của Đông Nam bộ nói chung, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Với quan điểm là phát triển nhanh, hài hoà, tổng thể nhưng phải bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, gợi mở về 3 vấn đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới” của vùng Đông Nam bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD.
Theo Thủ tướng, “Tư duy mới” là phải tư duy tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc, chân trời cửa biển, dựa vào nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hoá và tinh thần đoàn kết dân tộc để có những sản phẩm trí tuệ, năng lực, bản lĩnh.
Nội lực kết hợp với ngoại lực là vốn, thể chế, tạo nguồn nhân lực, khoa học quản lý để phát triển. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng phải tích cực chủ động hội nhập sâu rộng thực chất và hiệu quả; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể để xây dựng chính sách và thực hiện chính sách.
Về “Đột phá mới”, theo Thủ tướng, đó chính là cách thức, phương thức huy động nguồn lực. “Chúng ta có nguồn lực của đất nước, nguồn lực của nhân dân, nguồn lực từ nước ngoài… Tuy nhiên, những gì chúng ta có, so với thế giới còn thấp và trong quá trình chuyển đổi phát triển kinh tế phải huy động bằng nhiều phương thức. Đó là: cơ chế chính sách đột phá, ổn định, phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, cụ thể, rõ ràng, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Các địa phương, doanh nghiệp phải làm rõ vấn đề này”- Thủ tướng yêu cầu.
Vùng Đông Nam bộ phải lấy giáo dục, đào tạo, tăng năng suất lao động, đổi mới khoa học công nghệ, phong trào lập nghiệp trở thành xu thế; phát huy tối đa yếu tố trí tuệ, năng lực, đạo đức, phẩm chất của con người Việt Nam.
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường; các cấp, các ngành cần đơn giản hoá thủ tục hành chính; có chính sách ổn định, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, thị trường…
Tập trung vào thực hiện an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện nhà ở xã hội cho người dân thu nhập thấp, công nhân lao động; chăm lo tốt cho người có công với cách mạng, với đất nước.
Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu tham quan nơi trưng bày triển lãm của Thành phố Hồ Chí Minh.
Về “Giá trị mới”, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đó là mang lại chất lượng tăng trưởng nhanh hơn, đóng góp cao hơn. Thu nhập bình quân đầu người phải cao hơn, tương xứng với các nước trong khu vực và quốc tế.
Phấn đấu chỉ số phát triển con người cao hơn, ngang tầm với các nước trong khu vực phát triển. Hạ tầng kết nối vùng, kết nối quốc tế phải tốt nhất cả nước.
Khắc phục những hậu quả liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; chuyển đổi số, phát triển xanh bền vững.
Với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu: “Đã hứa là phải làm, đã cam kết phải thực hiện và phải hiệu quả trên tinh thần cần bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; lợi ích hài hoà, khó khăn, rủi ro thì cùng chia sẻ”.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Tân Nhiên. Ảnh minh họa, Vũ Nguyệt
Về kiến nghị xây dựng trung tâm tài chính để huy động nguồn lực của vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong thời gian tới.
Về kiến nghị thành lập Quỹ phát triển hạ tầng, Thủ tướng ủng hộ và giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu thực hiện.
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:
Hữu Thiện