Tốt nghiệp đại học, tôi làm việc tại một cơ quan Nhà nước, công việc ổn định, ngày 8 tiếng làm việc. Thế nhưng, niềm đam mê viết lách, muốn được trải lòng trên những con chữ… vẫn cháy bỏng trong tôi.
Mỗi đêm, tôi lại ngồi viết, từ những bài giới thiệu sách đến tản văn, đưa tin hoạt động của ngành… và gửi đến tờ báo tỉnh nhà- Báo Tây Ninh. Tác phẩm nào được đăng trên báo là cả đêm tôi không ngủ được vì vui sướng.
Tôi bắt đầu tìm hiểu, biết được Báo Tây Ninh vừa đăng tin tuyển dụng phóng viên nên quyết định từ bỏ công việc đã gắn bó gần 6 năm qua để theo đuổi đam mê. May mắn thay, tôi thi đậu và chính thức bước chân vào nghề báo.
Ngày 21 tháng 6 năm trước, ngang qua toà soạn, thấy các anh chị phóng viên chụp ảnh lưu niệm, tôi dừng xe lại bên góc đường, ngắm mọi người một lúc lâu và thầm ước mơ trở thành thành viên của “ngôi nhà chung” ấy. 21 tháng 6 năm nay, tôi đã đạt được ước nguyện của mình.
Hành trang tôi mang theo khi làm báo là một trái tim nhiệt huyết, sự dấn thân và niềm đam mê cháy bỏng. Nhưng thực tế khác xa những điều tôi nghĩ trước đây, làm báo rất vất vả và áp lực, phải bảo đảm đủ chỉ tiêu tin, bài, bài viết phải mang tính thời sự, chính xác, hấp dẫn độc giả, áp lực đối với những người làm nghề là không nhỏ. Ngoài chuyên môn, người làm báo cần có một sức khoẻ tốt và bản lĩnh.
Việc tác nghiệp đối với phóng viên nam đã khó khăn, với những phóng viên nữ càng vất vả hơn. Thời gian của phóng viên không tính bằng giờ hành chính như những công việc khác, có sự kiện- dù sáng sớm hay đêm khuya cũng phải có mặt.
Nghề báo không có ngày nghỉ, nhất là các dịp lễ, tết lại càng phải đi nhiều hơn. Phóng viên nữ còn phải chịu nhiều áp lực hơn đồng nghiệp nam vì ngoài chuyên môn, còn phải lo việc nhà, làm tròn nghĩa vụ người vợ, người mẹ.
Tác giả tác nghiệp tại Lễ hội văn hoá, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.
Mỗi cuối tuần tôi lại "đau đầu, nhức óc" vì tìm đề tài đăng ký, việc thức đến 2-3 giờ sáng để hoàn thành bài viết cho đúng hạn là... bình thường. Có đôi lúc xin lịch hẹn ở cơ sở để làm việc, nhưng đến nơi thì nhân vật từ chối trả lời phỏng vấn, có người miễn tiếp hoặc làm khó phóng viên. Có lần tôi bị “ăn chửi” khi đang tác nghiệp trong một chương trình, lý do khán giả đang xem mà tôi đứng lên chụp ảnh gây cản trở khiến họ không xem được.
Khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ tôi nản lòng, bởi một khi đã đam mê thì tất cả chỉ là thử thách. Tôi cố gắng trau dồi kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đồng nghiệp.
Trên bước đường làm báo, tôi không hề đơn độc, vì luôn có thế hệ đàn anh đi trước chia sẻ, giúp đỡ, từ đó tôi biết cách phát hiện đề tài, biết cách quay và dựng phim để làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh.
Nghề báo- nghề của lắm gian truân. Vì thế, tôi luôn nhắc nhở mình phải cố gắng giữ cho “mắt sáng, tâm trong và bút sắc”, phải biết vượt qua khó khăn cám dỗ để trưởng thành hơn, gắn bó lâu dài với nghề mà mình đã chọn.
Nhọc nhằn và vinh quang là những gì tôi cảm nhận được sau 1 năm gắn bó với ngôi nhà chung Báo Tây Ninh, thời gian đủ để tôi cảm nhận được một môi trường làm việc tốt, cảm nhận được tình cảm của lãnh đạo, Ban biên tập, những người chị, người anh đã nâng đỡ, dìu dắt tôi rất nhiều trên bước đường lớn khôn và trưởng thành trong nghề.
Ngày 21 tháng 6 này, tôi cũng có một niềm vui nho nhỏ khi được xướng tên trong Giải báo chí tỉnh Tây Ninh lần thứ 22. Đó là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa trên con đường mình đã chọn.
Hoàng Yến