Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã yêu nghề báo. Khi đó, với tôi, nghề báo chỉ đơn giản là “được đi đây đi đó”, vừa làm vừa chơi, nhẹ nhàng, sung sướng. Đến khi theo nghề, qua công việc, tôi càng hiểu nghề báo đầy đủ, sâu sắc hơn.
8 năm gắn bó với nghề chưa phải là dài, nhưng những kỷ niệm buồn vui trong nghề báo khó mà kể hết. Vui khi nhìn thấy nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của những nhân vật đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình và đồng nghiệp; và đau đớn, bất lực khi chứng kiến sự mất mát mà người dân phải chịu trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 năm 2021.
Năm 2021, Dương Minh Châu là địa phương đầu tiên của tỉnh Tây Ninh phải phong toả khi các ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Cả hệ thống chính trị, người dân cùng chung tay chống dịch.
Là phóng viên của Báo Tây Ninh sinh sống tại huyện Dương Minh Châu, do có tiền sử sốc phản vệ độ 2 nên tôi chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19, vì vậy tôi không khỏi lo lắng khi tác nghiệp trong tâm dịch.
Nhưng trách nhiệm với nghề và nghĩ đến các anh chị đồng nghiệp Báo Tây Ninh đang dấn thân để hoàn thành công việc ở những địa bàn khác, tôi xốc lại tinh thần, bắt đầu những chuyến tác nghiệp, đưa thông tin đến độc giả.
Khoác lên người bộ đồ bảo hộ, tôi theo chân lực lượng chống dịch đi truy vết, vào khu điều trị F0, đến các khu phong toả trao cho người dân những món quà mạnh thường quân ủng hộ… Tôi vui với người dân khi khu vực được “màu xanh”, khi người dân được tiêm những mũi vaccine đầu tiên; và cũng đau hơn khi nhân vật của mình trở nặng trong khu điều trị, rồi qua đời.
Tác giả (bên trái) và đồng nghiệp trong một buổi tác nghiệp.
Nghề báo không chỉ có phóng viên xông pha thực địa, đằng sau bút danh của phóng viên cụ thể, là công sức của cả một ê-kíp, với công việc thầm lặng của rất nhiều người. Những biên tập viên “mài ngọc” cho các bài viết; nhận bài, ảnh rồi lại dành hàng giờ đồng hồ tìm kiếm tư liệu, bổ sung thông tin nền cho phóng viên, rồi đọc chính tả, sửa ngữ pháp, chọn ảnh, dàn trang…
Tất cả đều yêu cầu sự cẩn trọng, chính xác, để cung cấp cho độc giả những bài báo chất lượng, tin tức kịp thời, chính xác. Do đó, nghề báo không cho phép tồn tại những khái niệm “hình như” hay “nghe nói”, mà mỗi thông tin đưa ra đều phải có cơ sở, căn cứ, xuất phát từ quá trình khảo sát thực tế và trên cơ sở tiếp cận đa chiều.
Năm 2022, tình trạng "sốt đất" diễn ra ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Ban biên tập Báo Tây Ninh phân công phóng viên theo dõi thực hiện. Để có cái nhìn công tâm, khách quan, từ 3 giờ sáng, tôi đã theo người dân đến bốc số thứ tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dành hơn nửa tháng để thu thập thông tin. Báo xuất bản đã nhận được phản hồi tích cực từ nhân dân; chính quyền địa phương cũng nhanh chóng khắc phục tồn tại, hạn chế để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Với mỗi nhà báo, khi đã chọn nghề luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động. Chuyện nghề và những kỷ niệm với nghề không cách nào kể hết.
Vui có, buồn có, nhưng chúng tôi- những người cầm bút luôn cảm thấy vinh dự, tự hào và sẽ luôn nỗ lực phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm hay, chất lượng, góp một phần công sức nhỏ trong việc dựng xây xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Vũ Nguyệt