Quang cảnh Hội thảo
Chiều 17/6, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị- những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng là thành viên Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 khoá XIII, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đại diện các bộ, ban, ngành; Thường trực các tỉnh, thành ủy phía Bắc.
Đồng bộ giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội thảo.
Khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà; vai trò và hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng được nâng cao. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định, mang đến những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 35 năm Đổi mới, đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao vị thế và uy tín của Đảng.
Cho rằng, mặc dù có nhiều sự chuyển biến tích cực và quan trọng, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn chậm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới là một nội dung quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế. Đòi hỏi này hoàn toàn phù hợp với tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới.
Phát biểu chào mừng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia ở cả 3 Miền Bắc - Trung - Nam là nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng, cách làm khoa học, kỹ lưỡng, bài bản của Đảng ta về công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị.
Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, với truyền thống 92 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc, gương mẫu quán triệt, triển khai nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả, đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) đi vào cuộc sống thực tiễn tại Thủ đô.
Qua tổng kết, Đảng bộ Hà Nội đã khẳng định việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu nổi bật, mang lại hiệu quả to lớn, góp phần quan trọng, có tính quyết định đối với những kết quả, thành tựu phát triển của Thủ đô trong các giai đoạn vừa qua.
Đặc biệt, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là cơ sở chính trị, chủ trương, định hướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh, TP phía Bắc phát triển nhanh, bền vững và toàn diện với mục tiêu, định hướng, tầm nhìn trung, dài hạn.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo.
Đảng bộ thành phố Hà Nội thể hiện quyết tâm chính trị cao trong đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương đã nêu. Sớm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương cho biết, xuất phát từ tính chất, tầm quan trọng của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới, Hội thảo có nhiệm vụ nhận diện vấn đề, phân tích, đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và tổng kết bài học kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 NQ/TW ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Trong đó, cần làm rõ những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình, nhiệm vụ mới; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong giới hạn phạm vi Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương đề nghị các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý tập trung đi sâu thảo luận, trao đổi, tiếp tục góp phần làm sáng tỏ một số nội dung quan trọng mà Ban Chỉ đạo Đề án rất cần và mong muốn được lắng nghe, tiếp thu như: Những vấn đề lý luận về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đánh giá những ưu điểm, kết quả và hạn chế, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, dự báo những nhân tố tác động, những yêu cầu mới đặt ra đối với phương thức lãnh đạo của Đảng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong tình hình mới.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương phát biểu đề dẫn tại hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh: Qua hội thảo, các đại biểu phát huy trí tuệ, trách nhiệm cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận, thực tiễn đang đặt ra như đã nêu trên. Đề xuất được nhiều kiến nghị, giải pháp mới, có tính đột phá, giúp Ban Chỉ đạo có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc hơn khi xác định các nội dung đưa vào Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10/2022 để Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới”.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải xuất phát từ cán bộ
Gần 60 tham luận được trình bày và gửi tới hội thảo của các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan ở Trung ương và các đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy địa phương khu vực phía Bắc; các đồng chí là chuyên gia, nhà khoa học... đã tập trung phân tích, khẳng định và đề ra những giải pháp nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Nhấn mạnh vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), Đảng bộ Thành phố đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, xác định là một trong những yếu tố hàng đầu, quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, là chìa khóa cho sự ổn định và phát triển.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tham luận tại hội thảo
Từ thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Đảng bộ Hà Nội rút ra 4 bài học kinh nghiệm, đề xuất 5 vấn đề trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đáng chú ý, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải trên cơ sở nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; trong việc thực hiện quyền lực của nhân dân để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, tránh khuynh hướng cấp ủy buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay; chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền cùng cấp, coi đây là khâu quan trọng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng...
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan, một trong những nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo quan trọng nhất là ban hành nghị quyết. Cách đây 20 năm Vĩnh Phúc còn là tỉnh nghèo, khi đó, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế lấy công nghiệp làm trọng tâm và nền tảng để phát triển. Nhờ đó, sau hơn 10 năm thực hiện, tỉnh đã tự cân đối ngân sách và có phần đóng góp cho trung ương. Kinh nghiệm của tỉnh là khi ban hành nghị quyết phải lựa chọn những vấn đề khó, vấn đề mới; mọi chủ trương, chính sách phải xác định rõ “dân là gốc”, người dân phải được thụ hưởng thành quả.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải xuất phát từ con người cán bộ; muốn vậy phải đánh giá chính xác, lựa chọn đúng cán bộ; phải quan tâm xây dựng cơ chế, môi trường để cán bộ yên tâm cống hiến, hết lòng hết sức vì nhiệm vụ.
Cũng xuất phát từ quan điểm tương tự, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng đề nghị phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; trong đó, đối với các chức danh không gắn với cấp ủy nên tổ chức thi tuyển hoặc mở rộng quy hoạch.
Quan trọng nhất là cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh
Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, xuyên suốt quá trình lịch sử, Đảng ta đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng; qua đó đã khẳng định được hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo đối với hệ thống chính trị.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội thảo.
Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân giành lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa...”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, cho đến bây giờ lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.
Tổng hợp các ý kiến tham luận tại hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đã rút ra nhiều ý kiến hay, vấn đề cụ thể để đề xuất với Trung ương.
Đó là đổi mới phương thức lãnh đạo phải cụ thể hóa, tối ưu hóa để hiện thực hóa tốt nhất các chủ trương, đường lối của Đảng. Trong quá trình đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận tạo hiệu ứng mạnh mẽ để tổ chức thực hiện, nhất là trước những việc khó.
Trong quá trình lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế làm việc; phát huy vai trò của người đứng đầu cũng như tính tới việc cho phép người đứng đầu có thêm một số thẩm quyền.
Để đổi mới phương thức lãnh đạo, quan trọng nhất là cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh. Công tác đánh giá cán bộ phải được thực hiện một cách chính xác để lựa chọn đúng cán bộ; đồng thời phải tạo dựng khuôn khổ pháp lý, quy định để cán bộ không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực...
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải hiển diện trong chỉ đạo hằng ngày của từng tổ chức Đảng, từng cấp ủy; cụ thể hóa bằng phong cách làm việc, lề lối làm việc ngày càng hiện đại...
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến…/.
Nguồn dangcongsan