Các đại biểu tham dự hội nghị.
Đến dự hội nghị có ông Hồ Thành Hiên- Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân- Chánh án TAND tỉnh, ông Phan Văn Ne- Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, ông Khưu Văn Hoà- Phó Cục trưởng Cục THA dân sự, đại diện lãnh đạo TAND cấp huyện, hoà giải viên 2 cấp.
Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án được Quốc hội khó XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2021. Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, TAND Tối cao ban hành các kế hoạch triển khai thi hành Luật, kèm theo Quyết định số 187/QĐ-TANDTC ngày 17.7.2020 của Chánh án TAND Tối cao.
Trong năm 2021, TAND hai cấp trong tỉnh tiếp nhận 9.236 đơn đủ điều kiện tiến hành hoà giải, đối thoại; đã chuyển sang hoà giải, đối thoại tại Toà án 2.538 đơn. Thông qua việc hoà giải, đối thoại có 249 vụ, việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện; 1.100 vụ, việc hoà giải thành (trong đó có 1.098 vụ, việc có yêu cầu Toà án ra quyết định công nhận kết quả hoà giải, đối thoại thành); tỷ lệ hoà giải, đối thoại thành đạt 43,34%. Việc công nhận kết quả hoà giải, đối thoại tại Toà án bảo đảm đúng quy định, không có trường hợp nào bị khiếu nại, kiến nghị.
Toàn tỉnh thành lập 10 trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án và bổ nhiệm 36 hoà giải viên. Đội ngũ hoà giải viên được tuyển chọn là những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác thực thi pháp luật.
Việc phân công thẩm phán phụ trách hoà giải, đối thoại; sự hỗ trợ của thẩm phán, thư ký đối với công tác hoà giải, đối thoại; chỉ định, lựa chọn hoà giải viên; trình tự, thủ tục hoà giải, đối thoại, ra quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành bảo đảm thi hành theo quy định pháp luật; việc theo dõi, vào sổ, lưu hồ sơ vụ việc bảo đảm theo biểu mẫu do TAND Tối cao ban hành.
Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân phát biểu tại hội nghị.
Do Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2021 nên trong quá trình thi hành TAND hai cấp gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, chưa có hướng dẫn thống nhất về mẫu Quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại tại Toà án; đa số việc khiếu kiện hành chính, người khởi kiện đồng ý đối thoại nhưng người bị kiện không đồng ý; cơ sở vật chất của một số TAND cấp huyện xuống cấp, chật hẹp, không có phòng làm việc riêng cho từng hoà giải viên.
Do không có con dấu riêng cho hoà giải viên, các văn bản gửi đương sự chỉ có chữ ký của hoà giải viên và đóng dấu treo của Toà án nơi hoà giải viên làm việc, tạo tâm lý không tin tưởng cho người dân khi nhận được thông báo của hoà giải viên…
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân đề nghị Chánh án TAND cấp huyện nâng cao trách nhiệm, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, các hoạt động triển khai Luật; khắc phục khó khăn, vướng mắc để việc thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án có hiệu quả; lãnh đạo, chỉ đạo việc chuyển kịp thời tất cả đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo đủ điều kiện sang hoà giải, đối thoại trước khi Toà án thụ lý vụ việc.
Tổng hợp, đề xuất bổ sung số lượng hoà giải viên của Toà án từng huyện gửi về TAND tỉnh theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 188/TANDTC-PC ngày 3.12.2020 của TAND Tối cao về việc triển khai Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; thực hiện việc bổ nhiệm sau khi được giao số lượng hòa giải viên theo quy định của Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC ngày 16.11.2020 của TAND tối cao quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm, cấp và thu hồi thẻ hoà giải viên…
Thiên Di