Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Phật giáo đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh 

Chủ nhật - 20/03/2022 10:34
BTNO - Quá trình khai sơn tạo tự và phát triển của Phật giáo Tây Ninh ghi đậm dấu ấn của tinh thần hoà nhập, dấn thân, gắn bó giữa đạo và đời, đồng hành cùng dân tộc, cùng sự phát triển của tỉnh. Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều nhà sư đã cởi áo cà sa, cầm vũ khí đánh giặc, có người đã anh dũng ngã xuống. Trong thời bình, Phật giáo tỉnh luôn phát huy vai trò thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng, ni, phật tử và các tín đồ Phật giáo tỉnh nhà tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng phát triển.

Các tín đồ, phật tử người Khmer vào chùa cúng dường cho các sư sãi chùa Kà Ốt, thực hành hạnh từ bi, góp phần xây dựng nhà chùa. (Ảnh: Phương Thuý).

DẤU ẤN PHẬT GIÁO TRÊN ĐẤT TÂY NINH

Theo Hoà thượng Thích Niệm Thới- Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh, Phật giáo có mặt tại Tây Ninh ở thế kỷ XIX, trong quá trình khai hoang mở đất lập làng, các nhà sư ở phương Nam đã mang đạo Phật hoằng hoá trên vùng đất mới. Nửa đầu thế kỷ XIX, khu vực Trảng Bàng, Gò Dầu, thành phố Tây Ninh, nhiều ngôi chùa được thành lập, lưu dấu bước chân du hoá của các vị tăng từ nhiều nơi đến, đặc biệt là vùng Sài Gòn - Gia Định. Chùa Huỳnh Long, Hội Phước là hai ngôi cổ tự được thành lập rất sớm tại Trảng Bàng. Cùng việc khai sơn chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen đã làm nền móng cho sự phát triển của Phật giáo trên đất Tây Ninh. Phật giáo là tôn giáo hoà vào tín ngưỡng của dân tộc trở thành gốc rễ văn hoá của đồng bào vùng Đông Nam bộ.

Hiện nay, trên địa bàn Tây Ninh có 145 ngôi chùa, trong đó có 5 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh và quốc gia gồm: chùa Cao Sơn, Khedol, Phước Lưu, Phước Lâm, Bửu Long cùng nhiều ngôi chùa còn gìn giữ kiến trúc cổ có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, quần thể 5 ngôi chùa trên núi Bà Đen do Giáo hội tỉnh quản lý, thắng tích này góp phần tạo dựng nên nét đặc biệt của Phật giáo tỉnh Tây Ninh. Sau khi Giáo hội tỉnh thành lập (năm 1989), trải qua 6 nhiệm kỳ, kế thừa từ chư tôn túc tiền bối, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh hướng dẫn tăng, ni, phật tử sinh hoạt tu học, hành đạo ổn định.

Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các ban, ngành liên quan của tỉnh luôn hỗ trợ cho các hoạt động Phật sự. Đại đức Thích Thiện Thức- Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: “Chẳng những được tự do tín ngưỡng, mà Nhà nước còn hỗ trợ rất nhiều về quản lý, bảo đảm an ninh trật tự cũng như tu sửa, xây dựng kiến tạo mới các chùa. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, được sự chấp thuận của UBND tỉnh công nhận cho thành lập mới 18 cơ sở tôn giáo, trong đó Trảng Bàng 7 chùa, Gò Dầu 2 chùa, Tân Châu 4 chùa, Châu Thành 4 chùa và Dương Minh Châu 1 chùa. Tính đến nay, ước tính toàn tỉnh có khoảng 100.000 tín đồ. Tây Ninh đã thành lập được Trường trung cấp Phật học từ năm 2018. Đây là một trong số 35 trường Phật học trên cả nước, trong đó khoá I (2018-2022) đã có 102 tăng, ni sinh tốt nghiệp, đạt tiêu chuẩn quy định của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương. Việc tỉnh cho thành lập cơ sở đào tạo đã giúp tăng, ni trên địa bàn tỉnh được đào tạo bài bản, chuyên sâu kiến thức Phật học và ngoại điển (kiến thức pháp luật, lịch sử Việt Nam), hành chánh, hiến chương Giáo hội. Bên cạnh đó, trong các khoá hạ hằng năm (tập trung tăng, ni về tu học 3 tháng), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh duy trì việc mời đại diện Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), UBMTTQVN tỉnh thỉnh giảng, tuyên truyền cho tăng, ni về tình hình pháp luật, Luật Tín ngưỡng tôn giáo…”.

Theo đánh giá của GHPGVN tỉnh, trong nhiệm kỳ 2017-2022, được sự quan tâm, hướng dẫn của lãnh đạo Nhà nước các cấp, cũng như sự chỉ đạo của Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN giúp đỡ, mọi hoạt động Phật sự diễn ra đúng theo Hiến chương, nội quy tăng sự và đúng quy định pháp luật về hoạt động tôn giáo. Hoạt động của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố từng bước ổn định. Ban Trị sự 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và các chùa được đổi khuôn dấu tròn mới; trên 90% các cơ sở Phật giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổ chức thành công Đại Giới Đàn, Đại lễ Phật Đản, Vu Lan báo hiếu…Trong nhiệm kỳ qua, công tác từ thiện đã tăng lên vượt bậc và nhiều hoạt động Phật sự khác đạt hiệu quả cao, củng cố niềm tin vào đường hướng mà GHPGVN đã đề ra “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Công tác từ thiện của các chùa, tự viện trên địa bàn tỉnh thực hiện góp phần cùng địa phương thực hiện tốt an sinh xã hội. (Ảnh do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cung cấp).

NHIỀU HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN

Đại đức Thích Thiện Thức- Phó trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký GHPGVN tỉnh cho biết thêm: Phật giáo tỉnh đồng hành cùng dân tộc được thể hiện từ thuở sơ khai khi chưa thành lập Giáo hội. Cụ thể là ở các chùa, tự viện trên địa bàn tỉnh, các vị trụ trì sống tốt đạo, đẹp đời, dạy các tín đồ, phật tử thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức con người và tham gia các hoạt động an sinh xã hội với các cấp chính quyền. Từ khi thành lập Giáo hội (năm 1989) đến nay, tinh thần đạo pháp dân tộc cũng như thế. Đức Phật dạy người xuất gia, tu sĩ Phật giáo phải hiểu “tứ trọng ân”: cha mẹ, thầy tổ, Tổ quốc và đồng bào. Phật giáo trở thành một tôn giáo xuyên suốt đồng hành cùng dân tộc dựng nước, giữ nước. Trong chiến tranh, các chùa, tự viện đã trở thành nơi nuôi cán bộ cách mạng, nhiều nhà sư cầm súng chiến đấu, có người đã anh dũng ngã xuống; trong thời bình, tham gia tích cực các hoạt động từ thiện, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo tốt an sinh xã hội.

Thực hiện phương châm “Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”, trong 5 năm qua, Ban từ thiện xã hội đã vận động các tự viện, tăng, ni, phật tử, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ tiền, hiện vật để góp phần chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đồng bào gặp thiên tai, các gia đình nghèo, neo đơn, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương. Tăng, ni, phật tử trên địa bàn tỉnh đóng góp tiền, hiện vật, nhu yếu phẩm cho tuyến đầu chống dịch, các bếp ăn tình thương, hỗ trợ khu cách ly và ủng hộ mua vaccine phòng Covid-19 trên 165,4 tỷ đồng, trong đó đóng góp quỹ vaccine trên 9,4 tỷ đồng. Ngoài ra, ban từ thiện xã hội còn vận động các cơ sở thờ tự tổ chức duy trì các bếp cơm từ thiện nhằm chia sẻ gánh nặng cho các bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn như bếp cơm từ thiện hệ thống các chùa núi Bà tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; bếp cơm từ thiện Văn phòng Ban Trị sự, bếp cơm từ thiện chùa Tứ Phước, chùa Từ Vân, tịnh xá Ngọc Thạnh… Trên địa bàn tỉnh có những chùa khám bệnh, phát thuốc từ thiện như phòng thuốc chùa Phước Minh (huyện Dương Minh Châu), trại dưỡng lão và nuôi trẻ mồ côi chùa Cẩm Phong (huyện Gò Dầu), chùa Tứ Phước (huyện Châu Thành) nuôi các cụ già không nơi nương tựa; tịnh xá Ngọc Thuận (huyện Gò Dầu) nuôi dưỡng trẻ em không nơi nương tựa... Mỗi phật tử, tín đồ đến với đạo Phật đều bằng niềm tin, mong muốn được học và thực hành lời Phật dạy để sống thiện hơn, đẹp hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tặng quà Giáo hội PGVN tỉnh nhân dịp Tết. (Ảnh: Phương Thuý)

Tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của đạo Phật, tinh thần yêu nước, yêu mến chúng sinh, sát cánh cùng cộng đồng, đồng hành cùng dân tộc và cùng sự phát triển của tỉnh, Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà tiếp tục phát triển vững mạnh hơn trong thời gian tới. Các thế hệ tăng, ni- nhất là đội ngũ tăng, ni trẻ không ngừng trau dồi giới đức, trau dồi nội ngoại điển, mạnh dạn dấn thân hành đạo, phụng sự cho đời cho đạo như mong muốn của các chư vị tiền bối.

Phương Thuý

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp