BTNO - Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 34; Điều 37; Điều 296; Điều 317 BLTTHS năm 2015 thì “Điều tra viên” là người tiến hành tố tụng. “Những người khác” là bất kỳ người nào không phải là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng mà có thể trình bày được các vấn đề liên quan đến vụ án.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh chuyển đến Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với nội dung như sau: Điều 296 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định trong quá trình xét xử, khi thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, những người khác đến phiên toà để trình bày các vấn đề có liên quan đến vụ án, nhưng chưa quy định cụ thể về tư cách tham gia tố tụng; quyền và nghĩa vụ của nhóm người này. Thực tế, khi Toà án triệu tập nhưng họ không đến, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, đề nghị quy định cụ thể tư cách tham gia tố tụng của nhóm người này.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả lời như sau: Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 34; Điều 37; Điều 296; Điều 317 BLTTHS năm 2015 thì “Điều tra viên” là người tiến hành tố tụng. “Những người khác” là bất kỳ người nào không phải là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng mà có thể trình bày được các vấn đề liên quan đến vụ án. Trong giai đoạn xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử triệu tập Điều tra viên, những người khác đến phiên toà để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
Tuy nhiên, theo Điều 251, Điều 296 và điểm b, khoản 1, Điều 297 BLTTHS năm 2015, việc vắng mặt của Điều tra viên và những người khác không phải là căn cứ để tạm ngừng phiên toà hay hoãn phiên toà. Điều tra viên được triệu tập tham gia phiên toà với tư cách là người đã thụ lý, giải quyết vụ án, những người khác được triệu tập tham gia phiên toà với tư cách là người cung cấp thông tin, tình tiết và nội dung mà họ biết liên quan đến vụ án.
Thực tiễn xét xử thấy việc chưa quy định cụ thể tư cách tham gia tố tụng của Điều tra viên, những người khác đến phiên toà là khó khăn, vướng mắc. Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục nghiên cứu để kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015.
Ngọc Diêu – Tâm Phạm