Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp phụ huynh báo tin về việc học sinh bị tai nạn đang được cấp cứu, yêu cầu phải chuyển tiền nhanh để đóng viện phí.
Không ít người đã chuyển tới 200 - 300 triệu đồng cho các đối tượng xấu.
Nội dung các tin nhắn đối tượng lừa đảo gửi đến phụ huynh học sinh yêu cầu chuyển tiền
Và không chỉ ở TP.HCM, chiều 9/3, Sở GD&ĐT Long An xác nhận, một nữ phụ huynh ở huyện Đức Hòa bị người lạ gọi điện thoại tự xưng là giáo viên chủ nhiệm lớp con của chị.
Người này yêu cầu chuyển gấp 50 triệu đồng để làm thủ tục nhập viện cho con bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện.
Tuy nhiên, với ý thức cảnh giác cao, vị phụ huynh học sinh trên đã liên hệ với trường học để xác minh thông tin, sau đó đến công an địa phương để trình báo vụ việc.
Đáng nói, tình trạng trên xảy ra ở nhiều địa phương, không còn là hiện tượng đơn lẻ nữa. Đây là trò lừa đảo mới xuất hiện và khá tinh vi.
Đối tượng đã khai thác tối đa điểm yếu trong tâm lý của các bậc làm cha, làm mẹ khi nghe tin con bị tai nạn ở trường.
Trong tình huống này, đa phần phụ huynh nhanh chóng lâm vào tình trạng lo sợ, lúng túng, bất an, thậm chí hoảng loạn. Đây là thời điểm thiếu sáng suốt, thiếu tỉnh táo nhất mà đối tượng có thể lợi dụng để thao túng tâm lý, dẫn dụ nạn nhân.
Khi đối tượng đã gọi đúng số máy, đọc đúng tên phụ huynh và tên con, tên lớp, nạn nhân thường sẽ không còn nghi ngờ gì nữa.
Đối tượng tạo ra tình huống khẩn cấp, như cần tiền đóng viện phí nhập viện để giải phẫu ngay, không cho phép phụ huynh chần chừ, do dự, kiểm tra lại thông tin. Bởi thế, nhiều người đã dễ dàng chấp nhận làm theo các yêu cầu của đối tượng.
Ở đây, mấu chốt để thực hiện được trò lừa này, đối tượng phải có được số máy của nạn nhân, nắm rõ thông tin cá nhân, quan hệ của người đó với học sinh ở lớp.
Như vậy, chắc chắn danh sách học sinh cùng tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh đã bị lộ, lọt. Vậy thông tin có thể lộ, lọt từ đâu?
Rất có thể nó xuất phát từ những nguồn như nhà trường, ban phụ huynh hoặc cũng có thể trên các nhóm chat giữa phụ huynh với giáo viên; hoặc từ các lớp dạy thêm, học thêm bởi ở những nơi này thường cũng có danh sách học sinh, phụ huynh kèm số điện thoại.
Việc lộ, lọt có thể do vô tình hoặc cố ý. Và việc rà soát, điều tra sự việc cũng nên bắt đầu từ đây.
Khác với các trò lừa mạo danh đã từng xảy ra trên không gian mạng là không xác định trước nạn nhân, với thủ đoạn lần này, mục tiêu được đối tượng lừa đảo xác định trước, căn cứ theo thông tin cá nhân về họ mà chúng đã có được.
Để đề phòng, nhà trường và gia đình cần tăng cường liên lạc, trao đổi thông tin qua đường dây nóng, để phụ huynh học sinh có thể cập nhật tình hình của con ở trường. Khi lên lớp, điện thoại của giáo viên cũng luôn phải ở trạng thái thường trực kết nối.
Các lớp học, giáo viên và phụ huynh học sinh cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin, đề phòng bị hack điện thoại, hoặc vô tình lộ, lọt thông tin cá nhân, danh sách lớp học.
Phụ huynh học sinh cần cập nhật thường xuyên tình hình an ninh trật tự để biết các thủ đoạn phạm tội mới. Điển hình như trường hợp phụ huynh ở Long An vừa kể trên, nếu không đọc báo, có lẽ đã chuyển tiền cho đối tượng xấu ngay.
Tình huống nhận được cuộc gọi báo tin con bị tai nạn, cần hỏi rõ họ tên, chức vụ của người cung cấp thông tin. Sau đó, gọi điện cho nhà trường, hoặc giáo viên, hoặc cho con mình (nếu con có điện thoại) để kiểm tra, kiểm chứng thông tin.
Nếu không liên lạc được, phải trực tiếp hoặc nhờ người đến tận trường kiểm tra. Tuyệt đối không dễ dàng làm theo những yêu cầu của người lạ, cho dù có xưng danh là ai.
TS. Đào Trung Hiếu
Chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an)
Nguồn baogiaothong