Ông Trần Văn Mách (bên trái) bên chiếc máy cuộn rơm.
Không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, ông Trần Văn Mách (sinh năm 1965) còn là một Trưởng Ban công tác Mặt trận năng động và nhiệt tình trong các hoạt động xã hội khác. Dù tham gia nhiều công tác xã hội, nhưng người nông dân siêng năng, cần cù và giỏi giang ấy luôn hoàn thành tốt công việc của mình.
Vừa qua, UBND huyện Gò Dầu đã biểu dương và trao giấy công nhận về “Gương điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước năm 2023” cho ông Trần Văn Mách- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Phước Hoà, xã Phước Thạnh.
Trước đó, cuối năm 2021, ông Trần Văn Mách được Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2021. Ngoài ra, ông Mách còn đảm nhiệm các công việc khác, như: Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh; Tổ trưởng tổ dân cư tự quản; Trưởng ban nhạc họ đạo Cao Đài xã Phước Thạnh; Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất bắp giống...
Chúng tôi đến tổ dân cư tự quản số 5, ấp Phước Hoà thăm gia đình ông Mách. Đó là ngôi nhà tường khang trang nằm gần đường liên xã. Sân nhà khá bề bộn với các loại xe máy cày gắn rơ-moóc, xe máy cày gắn máy cuộn rơm và các loại máy móc khác.
Ông Mách sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng nông thôn xã Phước Thạnh. Năm 1983, ông tham gia nghĩa vụ quân sự, ở đơn vị Lữ đoàn 22 Thiết giáp, thuộc Quân đoàn IV. Năm 1986, ông được xuất ngũ về địa phương. Năm 1988, ông lập gia đình. Lúc mới ra riêng, cuộc sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Làm thuê vất vả, thu nhập lại thấp, vợ chồng ông chuyển qua nghề mua bán mít. Hằng ngày, vợ chồng tìm mua mít rồi chở qua biên giới Việt Nam - Campuchia bán. Sau, gia đình ông đắp lò làm nghề tráng bánh tráng. Nhờ siêng năng cần kiệm, vợ chồng ông Mách dần ổn định cuộc sống.
Có vốn tích luỹ, gia đình ông mua được một mẫu ruộng và 8 công (8.000m2) đất đồng. Có đất, ông trồng lúa, lập vườn nhãn, chanh... Từ đó thu nhập của gia đình ngày càng nâng cao, tiền tích luỹ tăng dần. Nhận thấy nhu cầu vận chuyển hàng hoá của bà con trong vùng ngày càng cao, mà đường sá ở nông thôn phù hợp với loại máy kéo (máy cày gắn rơ-moóc) hơn xe vận tải, vợ chồng ông Mách quyết định sắm máy cày gắn rơ-moóc đi kéo thuê.
Có một chiếc máy kéo không đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển hàng hoá cho người dân địa phương, ông sắm thêm một chiếc nữa. Hiện nay, gia đình ông Mách sở hữu 3 chiếc máy cày gắn rơ-moóc đi kéo thuê, một chiếc máy cày gắn dụng cụ cuộn rơm (gọi là máy cuộn rơm- loại máy quấn rơm trên đồng ruộng, sau khi nông dân thu hoạch lúa) và một máy móc đất. Có đến 5 chiếc máy các loại, mà nhà chỉ có 3 lao động chính (ông Mách và hai người con trai), nên ông phải thuê thêm người làm, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động trong ấp.
Với 8 công đất vườn, hiện nay, ông trồng tre mạnh tông lấy măng và trồng dừa xiêm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Ông Trần Văn Mách (bên trái) trao đổi về cách trồng tre.
Không chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình, ông Mách còn nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con nông dân địa phương phát triển sản xuất. Trong năm 2023, ông đứng ra vận động thành lập Tổ liên kết sản xuất bắp giống, do ông làm Tổ trưởng. Tổ có 7 hộ tham gia, với diện tích gieo trồng 15 ha. Tổ ký hợp đồng với công ty ổn định khâu đầu ra sản phẩm, giúp nông dân an tâm sản xuất.
Cuộc sống từng bước ổn định, ông Mách bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Là bộ đội xuất ngũ, năm 1999, ông Mách sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh ở địa phương, sau đó được phân công làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Phước Hoà. Ông rất nhiệt tình giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi khi hội viên “kẹt” vốn sản xuất, ông sẵn sàng cho mượn vốn không tính lãi. Chi hội Cựu chiến binh do ông làm Chi hội trưởng tích cực hoàn thành tốt các cuộc vận động, phong trào do Hội cấp trên tổ chức, phát động. Bên cạnh đó, Tổ tự quản số 5 do ông Mách làm Tổ trưởng được xếp loại xuất sắc.
Cũng phải kể thêm, người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi này rất đam mê đờn ca tài tử. Ông chơi tốt hai loại nhạc cụ là đàn guitar và đàn cò, rất nhiệt tình tham gia các phong trào văn nghệ quần chúng địa phương. Năm 2020, ông làm Trưởng ban nhạc của họ đạo Cao Đài xã Phước Thạnh. Mỗi khi trong xã có người qua phần, hay các đám tiệc nghi lễ cần đến ban nhạc của họ đạo, là ông sẵn sàng gác việc nhà, cùng ban nhạc đi làm công quả. Ông cũng đang lập danh sách chuẩn bị thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử Hội Người cao tuổi xã Phước Thạnh.
Ông Mách đảm nhận vai trò Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Phước Hoà từ năm 2019. Theo nhận xét của ông Nguyễn Hữu Khuyến- Chủ tịch UBMTTQVN xã Phước Thạnh, từ khi làm Trưởng Ban công tác Mặt trận đến nay, các phong trào, cuộc vận động của các cấp Mặt trận Tổ quốc, của chính quyền địa phương được ông Mách nhiệt tình hưởng ứng, gương mẫu thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông nêu cao tinh thần học tập, không ngừng nâng cao nhận thức trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là tìm hiểu các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhằm áp dụng vào thực tế ở địa phương, mang lại hiệu cao nhất. Ông quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương.
Ông còn phối hợp với các ngành chức năng triển khai trong cộng đồng dân cư về bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông tích cực vận động, toàn ấp Phước Hoà có 245 hộ đăng ký thực hiện, đạt tỷ lệ 100%.
Thông qua các buổi họp nhân dân ở tổ dân cư tự quản và các buổi tiếp xúc cử tri, ông Mách mạnh dạn góp ý xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể những vấn đề trong quản lý điều hành. Ban công tác Mặt trận ấp Phước Hoà do ông Mách làm Trưởng ban thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Ban công tác Mặt trận ấp cùng chính quyền, đoàn thể vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn. Trong năm 2022, trên địa bàn ấp đã thực hiện cứng hoá, bê tông hoá 2 tuyến đường có chiều dài 900 mét, tổng trị giá 108 triệu đồng và nạo vét 200 mét kênh mương; thực hiện các tuyến đường trong khu dân cư không có rác thải; trồng cây xanh không để đất trống, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
D.H - Kha Phương