Sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu trong một đợt xúc tiến thương mại.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh Tây Ninh đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), tạo những bước chuyển quan trọng để tiến tới xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, với lợi thế về nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phấn đấu trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Làn gió mới từ Chương trình OCOP
Năm 2018, Chương trình OCOP được triển khai trên phạm vi toàn quốc, riêng tại Tây Ninh tuy chỉ mới bắt đầu thực hiện từ năm 2020, nhưng tỉnh đã nhanh chóng tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm cho thấy việc nhận thức về việc thực hiện chương trình ngày càng tích cực hơn. Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, ngành và các chủ thể, tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng tốt, được thị trường đón nhận, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Bàu Đồn, huyện Gò Dầu đi vào hoạt động năm 2019 với 27 thành viên, sản xuất cây ăn trái chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết với công ty bao tiêu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường đầu ra. Sau nhiều nỗ lực, vừa qua HTX đã được UBND tỉnh đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cho sản phẩm trái sầu riêng và được cấp 3 mã số vùng trồng.
Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc HTX cho biết: “Việc được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao và 3 mã vùng trồng giúp cho HTX ký được hợp đồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc và ký hợp đồng thu mua với các đơn vị khác giá ổn định hơn. Hiện nay, thu nhập trung bình của mỗi thành viên HTX khoảng 800 triệu/ha/năm. Hy vọng với việc được công nhận OCOP 4 sao và cấp mã số vùng trồng cũng sẽ mở ra hướng xuất khẩu sầu riêng của HTX đi các nước khác trong tương lai”.
Để triển khai thực hiện chương trình OCOP, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát thực trạng sản phẩm hiện có tại các địa phương. Đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm từ làng nghề, ngành nghề truyền thống, như: bánh tráng, muối ớt, mãng cầu, mật ong, dưa lưới...
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Phần lớn các doanh nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP đã ghi nhận các tín hiệu tốt sau khi được gắn sao thì lượng hàng tiêu thụ được nhiều hơn. Bước đầu tôi cho rằng nó đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, về lâu dài chúng tôi sẽ tiếp tục tìm ra các chính sách để hỗ trợ những sản phẩm này phát triển tốt hơn cả về số lượng lẫn chất lượng”.
Có thể nhận thấy, các sản phẩm OCOP của tỉnh hiện nay đa số xuất phát từ các làng nghề, ngành nghề nông thôn, đây không chỉ là một khu vực sản xuất có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra thu nhập, việc làm cho người dân nông thôn mà còn mang trong đó những giá trị, nét đẹp văn hoá truyền thống đậm bản sắc dân tộc.
Chính vì vậy, việc chuẩn hoá các sản phẩm từ ngành nghề, làng nghề nông thôn thành sản phẩm OCOP được xem là giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống, vừa duy trì sinh kế, vừa giải quyết hiệu quả bài toán thị trường; hướng đến mục tiêu cốt lõi là gia tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người dân khu vực nông thôn.
Người dân xã Bàu Đồn chăm sóc đường hoa thuộc ấp 1, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.
Để nông thôn trở thành “nơi đáng sống”
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là một trong những chương trình lớn, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và xác định là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững và ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; tạo tiền đề hiện thực hoá khát vọng hùng cường, hạnh phúc của dân tộc.
Do đó, thời gian qua Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xác định, xây dựng NTM là cơ hội tập trung mọi nguồn lực để phát triển khu vực nông thôn, tạo tiền đề quan trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao - lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và tinh thần hưởng ứng tham gia tích cực của nhân dân đã làm cho Chương trình đạt nhiều thành tựu: đường, điện - trường - trạm được đầu tư nâng cấp, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, văn hoá và môi trường nông thôn chuyển biến tích cực.
Ông Hồ Minh Công, ngụ ấp 1, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu vui mừng khi địa phương thực hiện xây dựng NTM, nhiều tuyến đường của xã được nâng cấp, hình thành các tuyến đường hoa xanh - sạch - đẹp và thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hoá.
Ông Công cho biết: “Tôi thấy chương trình đem lại lợi ích thiết thực cho người dân ở đây như đường giao thông, điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế đều phát huy tốt, người dân ở đây sống rất hạnh phúc, vui vẻ. Đường sá thì thuận tiện cho nhân dân chuyên chở nông sản, phát triển kinh tế nông thôn”.
Tỉnh đề ra mục tiêu trong năm 2023 đưa huyện Bến Cầu đạt chuẩn huyện NTM; duy trì 61/71 xã đã đạt chuẩn NTM; 17 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tăng thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên 65 triệu đồng/người/năm; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 0,5%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 90%; môi trường được bảo vệ và cải thiện, tỷ lệ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 30%.
Vũ Nguyệt