Nông dân trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh trên địa bàn xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu
Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất đã mang lại thu nhập cao cho các bên tham gia, góp phần nâng cao đời sống người dân; đồng thời tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với giá cả phù hợp. Tuy nhiên, nông dân trên địa bàn tỉnh phần lớn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ nên có tâm lý e ngại việc liên kết và áp dụng các mô hình sản xuất mới.
Còn nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ vẫn còn hạn chế, do quy mô liên kết sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, sản lượng không ổn định, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chủng loại sản xuất không đa dạng, người dân thường tập trung sản xuất một loại nông sản.
Năng lực của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng nên thị trường tiêu thụ còn thụ động.
Ông Xuân cho biết thêm, số lượng doanh nghiệp có tầm nhìn, năng lực về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và kinh nghiệm trong liên kết với nông dân còn hạn chế. Việc áp dụng các chính sách còn lúng túng trong quá trình thực hiện, chưa có nhiều thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các chính sách.
Chính vì vậy, khi tỉnh triển khai chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, đối tượng hưởng hỗ trợ chính sách là doanh nghiệp, theo quy định chính sách phải thực hiện chủ trương đầu tư nên một số doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu nhưng năng lực hạn chế, ngại thực hiện thủ tục chủ trương đầu tư. Một số doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện về quy mô, công suất phù hợp danh mục khuyến khích đầu tư theo quy định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có nhiều các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm nên rất khó định hướng cho người dân; thiếu các cơ sở chế biến nông sản nên vẫn còn tình trạng nông dân bị thương lái ép giá dẫn đến việc “được mùa mất giá”.
Ông Xuân cho biết, các hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ, thiếu sự cam kết giữa các chủ thể tham gia nên dễ bị phá vỡ, giá thị trường tăng hơn giá hợp đồng đã ký thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; và ngược lại, khi giá thị trường thấp hơn giá hợp đồng thì doanh nghiệp không thu mua sản phẩm của người sản xuất.
Đại diện một hợp tác xã nông nghiệp của huyện Châu Thành cho biết, trên địa bàn huyện đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh rau màu để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, hầu hết được tiêu thụ qua các thương lái, chợ, nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hoá, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài.
Sơ chế rau ăn lá tại một HTX trên địa bàn xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu
Các bên phải có trách nhiệm với hợp đồng
Qua khảo sát cho thấy, người đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp quan tâm nhất là đầu ra của sản phẩm, nhưng vẫn có một số đơn vị bao tiêu sản phẩm chậm thanh toán, bỏ giữa chừng gây thiệt hại cho người dân.
Trước đây, nhiều hộ dân đã ký hợp đồng bao tiêu nông sản với doanh nghiệp Tanifood, Lavifood… nhưng sau một thời gian thu mua các doanh nghiệp này thanh toán chậm hoặc giá thu mua thấp hơn giá cả thị trường, dẫn đến người dân không tiếp tục ký hợp đồng nữa mà tự tìm kiếm đầu ra. Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ việc kết nối, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Đại diện một hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành cho biết thêm, trong chuỗi sản xuất, vai trò của các HTX rất quan trọng, nhưng hiện nay các HTX đứng ra thu mua nông sản còn hạn chế khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi duy trì liên kết với người dân. Bên cạnh việc doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của người sản xuất thì người dân cũng không ít lần bội tín với doanh nghiệp, đôi khi cố tình vi phạm điều khoản trong hợp đồng để bán sản phẩm ra bên ngoài với giá cao.
Để đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, ông Xuân cho rằng, việc liên kết phải có hợp đồng thể hiện rõ lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia, làm căn cứ thực hiện và xử lý khi không thực hiện đúng hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng liên kết phải có ý thức, trách nhiệm, cam kết thực hiện đúng các nội dung của hợp đồng, bảo đảm lợi ích hài hoà của các bên.
Ngoài ra, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối phải có năng lực, tầm nhìn, thường xuyên theo dõi dự báo, cập nhật và nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hoá nông sản để chủ động có chiến lược, kế hoạch sản xuất phù hợp, đa dạng hoá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời dễ tiếp cận với các thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao.
Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, tăng quy mô sản xuất, áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi nhằm tránh tình trạng mất mùa được giá, được mùa mất giá.
Thu hoạch dưa lưới trên địa bàn huyện Gò Dầu.
Một doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn huyện Dương Minh Châu cho biết, muốn tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thì ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy nông dân liên kết với nhau và với doanh nghiệp. Hỗ trợ nông dân trong tổ chức lại sản xuất gắn với nhu cầu thị trường và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cũng như chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng phù hợp hơn để giảm chi phí, nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn cho sản phẩm.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ và giải quyết khó khăn đầu ra sản phẩm, Sở NN&PTNT hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng dự án phù hợp để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ liên kết và thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao.
Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong đầu tư sản xuất, cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp có thực hiện chuỗi liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp chế biến nông sản theo hướng chuyên sâu, bền vững.
Nhi Trần