Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương tính đến ngày 16/3 cho thấy, giá bán lẻ tại thị trường Singapore với xăng RON92 là 88,7 USD/thùng, RON95 là 93,04 USD/thùng, dầu diesel là 91,9 USD/thùng.
Mức giá này cao hơn nhiều so với bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá 1/3 đến 13/3 (xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 là 96,3 USD/thùng, xăng RON95 là 100,2 USD/thùng và dầu diesel là 103,1 USD/thùng).
Giá xăng trong nước được dự báo giảm trong kỳ điều hành ngày mai 21/3. (Ảnh minh họa)
Trên thị trường thế giới, đầu ngày 20/3, giá dầu Brent giao dịch ở mức 72,97 USD/thùng, giảm 1,73 USD, tương ứng giảm 2,32%; dầu WTI giao dịch mức 66,74 USD/thùng, giảm 1,61 USD, tương đương giảm 2,36%. Tính từ 13 - 17/3, giá dầu WTI đã giảm 13%, dầu Brent mất giá 11,9%, căn cứ các hợp đồng giao tháng trước.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày mai 21/3 sẽ giảm mạnh. Mức giảm cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc điều hành quỹ Bình ổn giá. "Giá xăng nhập và giá xăng dầu thế giới tuần qua có xu hướng đi xuống nên trong kỳ điều hành sắp tới, giá xăng dầu bán lẻ trong nước có thể giảm theo. Mức giảm sẽ phụ thuộc việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nếu cơ quan quản lý không tăng trích quỹ bình ổn giá, giá xăng có thể giảm sâu", vị này nói.
Tương tự, một ý kiến khác cũng cho rằng giá xăng dầu tại kỳ điều hành tới sẽ giảm. Mức giảm cao nhất có thể lên đến 1.000 đồng/lít nếu nhà điều hành không trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Ở kỳ điều hành giá ngày 13/3, liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng giá bán đồng loạt các mặt hàng. Cụ thể, giá xăng RON95 tăng 493 đồng/lít lên 23.818 đồng/lít, xăng E5 RON92 tăng 385 đồng/lít lên 22.806 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 247 đồng/lít lên 20.502 đồng/lít, dầu hỏa tăng 241 đồng/lít lên 20.715 đồng/lít, dầu mazut tăng 724 đồng/kg lên 15.279 đồng/kg.
Nhà điều hành trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut không trích lập. Đồng thời không chi quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu (như kỳ trước).
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành vừa qua chịu ảnh hưởng của các yếu tố như dữ liệu về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mang lại hy vọng về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ; việc Nga cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 3; nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng đẩy lãi suất điều hành lên cao hơn dự kiến để kiểm soát lạm phát…
"Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng", báo cáo của liên Bộ Công Thương - Tài chính nêu.
Nguồn VTC