Đại biểu tham quan các gian hàng tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức vào tháng 5.2023
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách, kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hằng năm và cả giai đoạn. Đồng thời phối hợp các ngành, đơn vị liên quan triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy quá trình hình thành các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2721/KH-UBND ngày 3.11.2020 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh giai đoạn 2020-2025; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Từ năm 2021 đến nay, Sở KH&CN phối hợp Tỉnh đoàn, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức hội thảo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hội thảo khoa học và công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ; phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố, Hội Nông dân các huyện tổ chức hội thảo truyền thông, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ… qua đó, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; tăng cường vai trò kết nối và hiệu quả trong việc thực hiện hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Đơn vị tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2022-2023”; phối hợp tổ chức sự kiện Ngày hội “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2023. Bên cạnh đó, để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN đã trình UBND tỉnh chủ trương xây dựng dự án khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, hiện đang khảo sát các nội dung liên quan để chuẩn bị trình báo cáo chủ trương đầu tư dự án.
Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá, nhìn chung, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh còn ở mức sơ khai, các thành phần cơ bản của hệ sinh thái còn thiếu và yếu, chưa đủ cơ sở để tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Cụ thể, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo còn phân tán, chưa hình thành được khu tập trung, đầu mối để kết nối các nguồn lực địa phương, nguồn lực của vùng, quốc gia để hỗ trợ, ươm tạo cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh chưa có khu hỗ trợ kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, các chủ thể OCOP kiểm tra, thử nghiệm, sản xuất thử nghiệm… xúc tiến, quảng bá sản phẩm.
Bên cạnh đó, thiếu nguồn nhân lực về quản lý, đội ngũ tư vấn, chuyên gia; chưa có viện, trường đại học để tạo sự gắn kết hoạt động đào tạo - nghiên cứu và thị trường; chưa huy động được nguồn lực như các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, hợp tác cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương.
Nhận thức của người dân về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn thấp, chưa đầy đủ. Sự quan tâm, tìm hiểu, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo rất hạn chế. Các dự án được Tỉnh đoàn hỗ trợ chưa mang nhiều yếu tố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (dự án được hình thành trên cơ sở khai thác công nghệ, khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh) nên sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, bền vững trên thị trường. Ngoài ra, nhiều sản phẩm được ưa chuộng nhưng hàm lượng khoa học và công nghệ trong giá trị sản phẩm còn thấp, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm còn đơn điệu, thiếu sức bật, khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Trong thời gian tới, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp và vai trò, vị trí, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… từng bước định hướng để hình thành và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; tiếp tục thông tin, tuyên truyền, triển khai có hiệu quả “Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp tỉnh” tìm kiếm các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng thương mại hoá, đưa sản phẩm ra thị trường, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Mặt khác, nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: kết nối, liên kết và hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh theo chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có của vùng, miền, địa phương nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm của tỉnh.
Ngoài ra, Sở KH&CN phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp với các địa phương khác; thúc đẩy hoạt động hợp tác, kết nối với các tỉnh/thành có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu.
Giang Hà
Nhằm tìm kiếm, lựa chọn, tôn vinh và ươm tạo các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng tại địa phương, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh năm 2022-2023.
Đối với các ý tưởng, dự án đạt từ giải nhì trở lên, cơ quan thường trực cuộc thi đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đặt hàng thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định); 2 ý tưởng, dự án đạt các giải nhất, nhì được giới thiệu tham gia Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; các hồ sơ đạt giải cuộc thi được ưu tiên xét chọn hỗ trợ theo Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 7.2.2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.