Hình ảnh tàu thăm dò Sao Hỏa Chúc Dung đáp xuống bề mặt Sao Hỏa ngày 22-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN Khí hậu có liên quan đáng kể đến vấn đề liệu có tồn tại...
Hình ảnh tàu thăm dò Sao Hỏa Chúc Dung đáp xuống bề mặt Sao Hỏa ngày 22-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Khí hậu có liên quan đáng kể đến vấn đề liệu có tồn tại sự sống trên một hành tinh nào đó hay không và Sao Hỏa là hành tinh tương đồng Trái Đất nhất trong hệ Mặt Trời. Theo đó, giới khoa học tin rằng việc nghiên cứu về sự tiến hóa của khí hậu trên Sao Hỏa có thể cung cấp những tài liệu tham khảo quan trọng cho tương lai của Trái Đất.
Tạp chí Nature ngày 6-7 dẫn kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đài quan sát Thiên văn quốc gia Trung Quốc (NAOC), Viện Địa chất và Địa vật lý cùng Viện Nghiên cứu Cao nguyên Tây Tạng thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc phối hợp thực hiện cùng các đồng nghiệp tại Đại học Brown (Mỹ), cho thấy các hoạt động trầm tích do gió thổi tạo thành quá trình địa chất quan trọng nhất trên Sao Hỏa kể từ cuối thời kỳ Amazonian, lưu dấu các đặc điểm của môi trường khí hậu và quá trình biến đổi khí hậu trên Sao Hỏa hiện đại.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng camera độ phân giải cao của tàu vũ trụ Thiên Vấn-1, cùng camera địa hình và đa phổ của xe tự hành Chúc Dung, máy phân tích thành phần bề mặt và dụng cụ đo khí tượng để thu thập dữ liệu từ bề mặt Sao Hỏa. Họ phân tích các hướng gió và tuổi thực của các mẫu vật lấy từ cồn cát ở phía Nam đồng bằng Utopian của Sao Hỏa, gần bãi đáp của Chúc Dung, bằng cách nghiên cứu cấu trúc bề mặt của chúng và phân bố tần suất kích thước miệng hố va chạm.
Nhà khoa học Li Chunlai thuộc NAOC - trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết phát hiện của họ cho thấy khu vực này có thể đã trải qua sự thay đổi khí hậu được đánh dấu bằng sự điều chuyển hướng gió cách đây khoảng 400.000 năm, trùng với thời điểm kết thúc kỷ Băng hà trên Sao Hỏa.
Theo chuyên gia này, hướng gió trong khu vực đã thay đổi gần 70 độ từ Đông Bắc sang Tây Bắc, làm xói mòn cồn cát nói trên theo chiều dọc. Nhóm nghiên cứu cũng nhận định rằng sự thay đổi khí hậu phát sinh từ sự thay đổi độ xiên của Sao Hỏa.
Báo cáo nghiên cứu khẳng định điều này giúp giới khoa học hiểu thêm về quá trình tiến hóa khí hậu trên Sao Hỏa và có thể cung cấp tài liệu tham khảo cho các dự đoán về biến đổi khí hậu ở Trái Đất trong tương lai.
Theo Baotintuc.vn