Hôm nay, cùng với khối lớp 9 và lớp 12, gần 700.000 học sinh (HS) từ khối lớp 7 trở lên ở TP.HCM bắt đầu được đi học trực tiếp tại trường. Đặc biệt, với xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) sẽ bao gồm cả HS từ lớp 1 trở lên.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận 5) tham gia tập huấn nội quy, quy định phòng chống dịch COVID-19 chiều 3-1. Ảnh: SƠN HẢI
Học sinh có thể được học lệch ca, lệch giờ
Với kinh nghiệm sau ba tuần tổ chức dạy và học cho HS khối lớp 9 và lớp 12, các trường trung học tại TP.HCM đã chủ động và linh hoạt hơn trong việc chuẩn bị phương án đón HS, tổ chức dạy học cũng như đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.
Chiều 3-1, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức tập trung hơn 1.000 HS khối lớp 10 và lớp 11 để tập huấn nội quy, quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 khi tham gia học tại trường.
Hiệu trưởng Hoàng Sơn Hải cho biết trước đó một ngày, trường đã tổ chức tập huấn online cho toàn bộ phụ huynh của hai khối lớp. Trước khi đến lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ dặn dò lại kỹ cho từng em, khuyến khích mỗi em mang theo một túi nhỏ để trong cặp sách gồm khẩu trang, nước rửa tay khô để tiện sử dụng.
Đặc biệt, ông Hải cho hay do HS trường đông nên trường sẽ chia mỗi khối lớp học theo thứ tự chẵn và lẻ, lớp có số lẻ học trực tiếp buổi sáng và buổi chiều học online. Ngược lại, lớp số chẵn học trực tiếp buổi chiều và buổi sáng học online, để đảm bảo 50% HS mỗi buổi. Trong mỗi buổi học, các lớp học được bố trí so le với các phòng trống.
Trường cũng sẽ đón HS vào trường theo mỗi ca học, được phân giờ cách nhau 15 phút. Khi HS ra về, trường bố trí ba cầu thang, một cầu thang riêng dành cho HS có ca nhiễm di chuyển. Trường cũng chuẩn bị đầy đủ các phòng dự trữ, phòng cách ly và trang thiết bị y tế (bình ôxy, khẩu trang, máy đo Sp02, kit test…) để sẵn sàng ứng phó khi lớp nào có HS F0 hoặc có dấu hiệu nghi ngờ.
Tại Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5), với khoảng 900 HS của 40 lớp, trường sẽ ưu tiên cho HS lớp 12 học hai buổi để đảm bảo tăng cường kiến thức cho HS cuối cấp. Còn lớp 10 và 11 sẽ được bố trí học một buổi.
Tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, do lượng HS quá đông nên trường bố trí HS lớp 9 và một nửa số lớp 7 học buổi sáng, nửa số lớp 7 còn lại và khối 8 sẽ học buổi chiều. Dù vậy, mỗi lớp cũng phải thực hiện chia đôi lớp để đảm bảo số lượng 50% HS/lớp. Hai lớp của cùng một lớp sẽ được bố trí cạnh nhau. Mỗi tiết học giáo viên sẽ luân phiên dạy lớp này rồi truyền trực tiếp qua camera đặt ở phòng cạnh bên cho một nửa lớp được học cùng.
Với hơn 2.000 HS bắt đầu học trực tiếp tại trường từ ngày 4-1, Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Tân Bình) cũng sẽ bố trí cho khối HS cuối cấp là lớp 9 học buổi sáng, lớp 7 và 8 học buổi chiều. Các em sẽ ra vào ở hai cổng để đảm bảo phân luồng.
Một số trường bắt đầu tổ chức căn tin, bán trú
Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM, các cơ sở giáo dục được chủ động trong sắp xếp thời lượng dạy học trực tiếp nhưng tại cùng một thời điểm, số lượng HS học tập trực tiếp không được vượt quá 50% tổng số lượng HS của đơn vị.
Đối với trường có tổ chức dạy học cả ngày ở trường, phải thực hiện bán trú theo quy định an toàn phòng chống dịch, không được tổ chức giờ học trên lớp vượt quá tám tiết học trực tiếp/ngày.
Thời lượng dạy học trực tiếp được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện phòng học, đồng thời tuân thủ quy định giãn cách theo quy định của ngành y tế. Các cơ sở giáo dục vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc phối hợp giữa dạy học trực tiếp và dạy học trên Internet để dạy học hiệu quả.
Bên cạnh đảm bảo tổ chức lớp học sao cho phù hợp, một số trường cũng bắt đầu mở lại thêm các hoạt động căn tin, bán trú để đảm bảo thuận lợi nhất cho HS.
Cụ thể như Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết do trường rộng, HS chỉ 30 em/lớp nên cả ba khối lớp đều chỉ học một buổi. Trường sẽ mở lại căn tin tại trường nhưng thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch như nhân viên đã tiêm đủ vaccine, bố trí bàn, ghế theo giãn cách, chia lối để HS xếp hàng ra vào mua.
Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp) cũng dự kiến mở lại dịch vụ bán trú, căn tin để đảm bảo phục vụ nhu cầu khi HS đi học lại. Tuy nhiên, trường sẽ tuân thủ các quy định về nguồn gốc thực phẩm, vệ sinh sạch sẽ, giữ khoảng cách, khử khuẩn, nhân viên tiêm đủ vaccine…•
Trường hợp chưa thể kiểm tra trực tiếp: Chờ hướng dẫn
Về thực hiện kiểm tra định kỳ, Sở GD&ĐT lưu ý thời gian tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức và kiểm tra học kỳ 1 năm học 2021-2022 được thực hiện trực tiếp tại trường từ ngày 4 đến 22-1.
Hiệu trưởng các trường trung học được giao trách nhiệm tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho HS và tổ chức kiểm tra định kỳ đúng quy định.
Đối với HS khối 6 năm học 2021-2022 và HS thuộc các khối lớp khác, nếu vì lý do bất khả kháng không thể đến trường tham dự kiểm tra học kỳ trực tiếp trong khoảng thời gian này sẽ được kiểm tra sau khi quay lại trường học tập trực tiếp để được bổ sung kiến thức, khắc phục các hạn chế do học tập trên Internet kéo dài.
Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, HS khối 6 chưa thể đến trường học tập trực tiếp, sở sẽ xin ý kiến của Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn thực hiện kiểm tra học kỳ 1 năm học 2021-2022 cho HS.
Nguồn PLO