Quang cảnh hội nghị.
Năm 2021, Sở KH&CN cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ về công tác tham mưu UBND tỉnh. Hoạt động quản lý đề tài, dự án chặt chẽ, đúng quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng được thực hiện nghiêm túc. Ngành đã hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá cho 15 cơ sở/doanh nghiệp; cấp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bà Đen” dùng cho sản phẩm quả mãng cầu; hỗ trợ kinh phí cho 4 cơ sở tham gia chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 với tổng số tiền 19,6 triệu đồng.
Đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngành thực hiện thông tin, tuyên truyền nội dung kế hoạch triển khai các hoạt động “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” đến người dân, doanh nghiệp; phối hợp Tỉnh đoàn, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh”.
Bên cạnh đó, thực hiện các nội dung dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020”; triển khai kế hoạch xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Trong năm 2021, có 83 đơn vị thực hiện công bố HTQLCL phù hợp theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Tính đến nay, toàn tỉnh có 130/130 đơn vị đã thực hiện công bố HTQLCL phù hợp theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.
Ngành đã nghiên cứu thử nghiệm các sản phẩm từ dịch trích ly vỏ, hạt mãng cầu như kem dưỡng ẩm, dung dịch rửa rau củ, gel rửa tay, chế phẩm EM... Đồng thời, chuyển giao các mô hình: trồng nấm, aquaponic, xử lý rác sinh hoạt hữu cơ hộ gia đình, tưới tự động tiết kiệm nước… cho các tổ chức, đơn vị, hội, đoàn thể có liên quan. Ngoài ra, Sở KH&CN đã ký kết hợp tác với 3 đơn vị: Công ty Cổ phần NATANI, Công ty TNHH Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công, Nông trại sạch Cần Thơ nhằm trao đổi, chuyển giao ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đời sống, thực hiện mục tiêu phát triển thị trường KH&CN.
Trong năm 2021, có 8/9 huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện 28 lượt chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Các mô hình KH&CN được chuyển giao đều nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, chính quyền địa phương; đáp ứng nhu cầu thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, đặc biệt là khu vực biên giới (số xã biên giới được chuyển giao mô hình chiếm 38,5%); góp phần phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới (số xã nông thôn mới được chuyển giao mô hình chiếm 73%).
Năm 2022, ngành KH&CN chú trọng công tác quản lý, sử dụng và phát triển 3 thương hiệu đặc sản của tỉnh; tập trung đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN, các kết quả nghiên cứu vào sản xuất đời sống; nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về KH&CN.
Ngoài ra, ngành tiếp tục triển khai các kế hoạch về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030...
Giang Hà