Người dân đi bộ, tập thể dục trong khuôn viên Toà thánh.
Từ đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân có những thay đổi, trong đó, phương thức mua hàng trực tuyến được nhiều người sử dụng. Trước đây, chị Nguyễn Cẩm Tú (thị xã Hoà Thành) thường xuyên mua sắm tại chợ hay siêu thị, từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị chuyển sang mua hàng trực tuyến.
Đến nay, các chợ truyền thống hoạt động lại, việc đi lại, mua sắm cũng không còn hạn chế, chị vẫn duy trì thói quen này. Chị Tú nói: “Tôi thường lên danh sách các món hàng cần thiết để mua đủ dùng cho gia đình trong tuần.
Tôi thấy việc đặt hàng online rất tiện lợi, chỉ có thời gian chờ giao hàng lâu hơn so với đi mua sắm trực tiếp, nhưng hầu hết món hàng tôi đặt đều không gấp nên cứ thư thả chờ cửa hàng giao”.
Các đơn vị kinh doanh ngành hàng tiêu dùng đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, số lượng tiểu thương kinh doanh online nhiều hơn, cung ứng đa dạng các mặt hàng hơn. “Tôi đặt online chủ yếu là nhu yếu phẩm, ít khi đặt những mặt hàng tươi sống vì không có sự lựa chọn trực tiếp nên khó bảo đảm về chất lượng”, chị Tú chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, việc chi tiêu trong thời điểm hiện nay có nhiều thay đổi, đa phần người dân tiêu xài tiết kiệm, dè sẻn hơn. Dịch bệnh khiến thu nhập từ việc kinh doanh cửa hàng quần áo bị giảm sút, để cắt giảm chi phí, chị Trần Thị Uyên (thị xã Hoà Thành) đưa ra nhiều cách tiết kiệm trong sinh hoạt hằng ngày.
“Có nhiều cách để chúng ta tiết kiệm, như hạn chế sử dụng các thiết bị điện không cần thiết, giảm bớt việc mua sắm những thứ linh tinh. Ở nhà, tôi còn tận dụng một số đồ dùng cũ, tự trồng rau xanh và làm đồ ăn vặt trong gia đình, vừa tiện lợi, vừa an toàn, bảo đảm vệ sinh”- chị Uyên chia sẻ.
Dịch bệnh Covid-19 làm giảm đáng kể các thói quen tụ tập, la cà, cà phê, nhậu nhẹt, vì người dân lo lắng trước rủi ro lây nhiễm khi đến những nơi đông đúc. Nhiều người dần thích nghi với cuộc sống trong mùa dịch; cha mẹ có thêm thời gian chăm sóc con cái, thay đổi trong thói quen sinh hoạt, chú trọng hơn vào việc chăm sóc sức khoẻ, qua đó tăng sự gắn kết giữa thành viên trong gia đình.
Chị Trần Thị Bích Phượng (công tác trong ngành Giáo dục) cho biết, công việc quản lý tại trường mầm non của chị khá bận rộn, chồng đi làm suốt ngày nên thời gian cả gia đình quây quần bên nhau khá hạn chế.
Từ lúc thực hiện giãn cách xã hội, các hàng quán dừng hoạt động kể cả bán mang về, công việc của chị Phượng bị ảnh hưởng rất nhiều, đổi lại, chị có thời gian cho gia đình hơn. Bữa ăn hằng ngày được chị bày biện tươm tất.
Chị cũng dành thời gian chăm chút nhà cửa hơn. Chị Phượng chia sẻ: “Trải qua đợt dịch lần này, tôi nhận ra nhiều giá trị của cuộc sống, nhất là những khoảnh khắc gia đình quây quần bên nhau”.
Bên cạnh việc thay đổi những sinh hoạt trong gia đình, nhiều người tiếp tục duy trì thói quen tập luyện thể thao tại nhà, hay chuyển sang các bộ môn nâng cao thể lực thay vì đến phòng gym để “tút tát” lại vóc dáng. Trên mạng xã hội, các kênh hướng dẫn tập luyện thể dục thu hút sự quan tâm của cộng đồng nhiều hơn.
Anh Nguyễn Long- người sáng lập kênh SixPM Fitness cho biết, từ khi dịch bùng phát, lượt xem trên kênh của anh tăng lên, do nhiều người quan tâm tìm hiểu đến việc tập luyện thể dục tại nhà. Nếu biết kết hợp các phương pháp, luyện tập dựa vào trọng lượng cơ thể hay những thiết bị có sẵn, hiệu quả của việc tập luyện tại nhà hoàn toàn không thua kém so với việc đến phòng gym.
Trước đây, anh Trần Minh Phúc (TP. Tây Ninh) thường xuyên đến phòng gym vào các buổi chiều, hiện tại, anh chuyển sang luyện tập tại nhà với các bài tập đơn giản như: nhảy dây, hít đất, gập bụng... “Dù dịch bệnh cơ bản được khống chế, nhiều dịch vụ đã hoạt động trở lại, trong đó có phòng gym, nhưng tôi vẫn ái ngại khi đến những nơi đông người. Vì vậy, tôi quyết định vẫn luyện tập các bài tập tại nhà và chạy bộ hay đạp xe vào buổi tối để nâng cao thể lực”, anh Phúc nói.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống, nhưng ở khía cạnh nào đó cũng khiến chúng ta thay đổi nhận thức, từ bỏ những thói quen chưa lành mạnh; đồng thời có ý thức hơn trong cuộc sống, nhất là quan tâm đến sức khoẻ bản thân, gia đình.
Hoà Khang