Kiến nghị trên được ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nêu tại phiên họp giám sát về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều 14/8.
Trong kết quả giám sát, ông Vinh chỉ rõ giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới tăng 2 - 4 lần so với giá sách giáo khoa chương trình cũ trở thành gánh nặng cho một bộ phận nhân dân.
Cụ thể, với Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá 179.000 - 194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000 đồng/cuốn. Trong khi đó, bộ sách giáo khoa lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát chiều 14/8.
Các bộ sách giáo khoa lớp 2 mới có giá 179.000-186.000 đồng/bộ, khoảng 18.000 đồng/cuốn, trong khi bộ cũ có giá 53.000 đồng.
Bộ sách lớp 3 có giá 177.000 - 183.000 đồng (bộ hiện hành giá 58.000 đồng).
Bộ sách lớp 7 giá gần 210.000 đồng, cao hơn 80.000 đồng so với sách cũ.
Sách lớp 10 giá 246.000 - 301.000 đồng một bộ tùy tổ hợp môn học, cao hơn bộ cũ 80.000 - 140.000 đồng. Các mức này chưa bao gồm sách tiếng Anh.
"Việc tăng giá sách gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách", ông Vinh nêu rõ.
Theo kết luận của đoàn giám sát, mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa mới, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Đặc biệt, giá sách giáo khoa môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần.
Liên quan chi phí phát hành sách giáo khoa, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, đoàn giám sát đánh giá mức phí chiết khấu còn rất cao. Theo đó, với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%.
Riêng năm học 2022 - 2023 chiết khấu sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Theo ông Vinh, thông qua kết quả thanh kiểm tra, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra/điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với Chính phủ, đoàn giám sát kiến nghị chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhất là công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục, công tác in, phát hành sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới của các nhà xuất bản. Đặc biệt, đoàn giám sát kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xác định dấu hiệu vi phạm xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa.
Toàn cảnh phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/8.
Trong báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban cũng chỉ rõ việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều lúng túng.
Việc Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa của nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước...
Tiến độ biên soạn, thẩm định, in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Công tác thực nghiệm sách giáo khoa chưa được coi trọng đúng mức, chưa bảo đảm cả chiều rộng và chiều sâu.
Việc thẩm định đối với một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới chất lượng một số sách giáo khoa chưa bảo đảm, nhất là sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, khoa học tự nhiên lớp 6, lịch sử lớp 11.
Việc tổ chức tập huấn sử dụng và nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa ở cơ sở giáo dục còn hình thức; việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian...
Nguồn VTC News