Ông Ngô Văn Hoàng bật khóc khi nói về trường hợp em mình - Ngô Văn Thể.
Loạt bài này viết về những trường hợp quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh, có người có giấy báo tử nhưng vẫn chưa được công nhận liệt sĩ, dù đất nước “đã qua, thuở âm u bóng giặc/ Trắng khăn tang, tàn lụi cỏ cây/ Đã qua, nỗi đêm Nam ngày Bắc/ Giữa quê hương mà như kiếp đi đày”!
Người lính này rời quê hương lên đường đi đánh giặc năm 18 tuổi. Ngày được tin quân tình nguyện Việt Nam từ Campuchia về nước, mẹ anh đã ra đứng đầu ngõ ngóng trông con. Nhưng, người lính cuối cùng xuống xe không phải là con của bà.
Chiến tranh kết thúc, người mẹ ấy ngày ngày vẫn nhắc tên con, bà mong con từng ngày, cho đến khi về với tổ tiên vẫn chưa được thấy người con trai yêu dấu của mình. Hơn 40 năm kể từ ngày anh lên đường, không ai biết anh đang ở đâu, còn sống hay đã chết…
Ba anh em ruột tham gia quân tình nguyện
Một ngày cuối tháng 12 của năm 1980, thanh niên Ngô Văn Thể (nhà ở thị trấn huyện Châu Thành) nói với người cha về ý nguyện được đi bộ đội, bởi lúc này mặt trận biên giới Tây Nam chưa yên tiếng súng. Biết ý định của con, người cha đã khuyên anh trước mắt cứ ở nhà, bởi vì hai người con trai của ông đang trong quân đội. Nhưng cuối cùng, Thể vẫn lên đường.
Khi mới nhập ngũ, anh Thể được huấn luyện tạị một đơn vị có tên gọi E19, thuộc Tỉnh đội Đồng Nai. Sau thời gian huấn luyện, khoảng đầu năm 1981, anh lên đường sang chiến trường Campuchia, được biên chế vào Cục Kỹ thuật, mặt trận 479 của Sư đoàn 302.
Khoảng tháng 10.1981, anh Ngô Văn Toàn, anh trai của anh Thể sang công tác tại Campuchia. Tại đây, hai anh em họ tình cờ gặp nhau ở một địa điểm của tỉnh Siem Reap. Cuộc hội ngộ bất ngờ của hai anh em (anh Toàn không biết em trai mình đi bộ đội- PV) chỉ kéo dài trong vài tiếng đồng hồ và họ chia tay ngay trong buổi sáng hôm ấy. Anh trai của anh Thể trở về Việt Nam. Trước khi chia tay, anh Thể nhờ anh trai đem về biếu mẹ hai khúc vải katê. Trước khi anh Toàn lên xe, Thể có nhắn rằng: “Anh nói gia đình yên tâm, em mạnh khoẻ. Khi nào hoàn thành nghĩa vụ thì em về”.
Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp, toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam về nước. Được tin này, gia đình anh Thể đếm từng ngày từng giờ để đón con trai trở về. Nhưng chờ mãi, chờ mãi, ông bà vẫn không thấy con! Người mẹ ấy vẫn nuôi hy vọng: biết đâu còn một chuyến xe cuối chở bộ đội về và con mình sẽ có mặt trên chuyến xe ấy.
Nhưng đến năm 1990, con trai bà vẫn bặt vô âm tín. Riêng người cha của anh, ông Ngô Văn Trần, với kinh nghiệm của một người từng trải, ông linh cảm được có điều gì không hay đã đến với con mình. Từ đó trở đi, ông Trần đã hàng chục, thậm chí hàng trăm lần gõ cửa các cơ quan có liên quan để tìm tung tích của con nhưng không ai biết được thông tin gì về anh Thể.
Hàng loạt câu hỏi được gia đình đặt ra: nếu Thể hy sinh thì hy sinh trong hoàn cảnh nào, sao không có giấy báo tử? Hay anh rơi vào tay giặc? Đầu hàng? Vượt biên? Những câu hỏi ấy khiến cho cả gia đình anh, đặc biệt là hai bậc sinh thành không một ngày được yên ổn.
Năm 1995, ông Ngô Văn Trần qua đời. Mười lăm năm sau, năm 2010, mẹ của anh Thể- bà Nguyễn Thị Lâm cũng qua đời. Người nhà kể lại, trước khi mất, bà vẫn nhắc tên anh Thể và nói với những người con còn lại: “Mấy anh em mày coi thằng Thể ở đâu kiếm nó về". Nói xong, bà ngưng thở, nhưng mắt không nhắm!
Chưa được công nhận liệt sĩ
Di ảnh quân nhân Ngô Văn Thể (chụp năm 2011).
Trong suốt mấy chục năm qua, anh em của anh Ngô Văn Thể đã gửi đơn đến rất nhiều nơi nhờ giúp đỡ, tìm tung tích của anh nhưng chưa tìm thấy một manh mối nào. Quyết tìm cho bằng được tung tích của người thân, gia đình của anh Thể tiếp tục gửi đơn đến nhiều nơi. Mục đích trước tiên của cả nhà là xoá đi được câu hỏi cứ ám ảnh các thành viên trong gia đình: Anh Thể có bỏ hàng ngũ hay không?
Rất may mắn, tháng 6.2006, Phòng Bảo vệ an ninh của Cục Chính trị Quân khu 7 có công văn gửi một số cơ quan có liên quan. Nội dung công văn ghi: qua công tác thẩm tra, rà soát danh sách quân nhân đào ngũ, vượt biên, bị địch bắt và đầu hàng địch tại chiến trường Campuchia từ năm 1979-1989 không có tên của quân nhân Ngô Văn Thể. Như vậy, khả năng anh Thể bị “lung lay” tạm thời đã được loại trừ.
Sau khi có được văn bản trả lời của Phòng Bảo vệ an ninh Quân khu 7 về việc xác minh quân nhân mất tin mất tích, tháng 1.2010, gia đình anh Toàn gửi đơn đến Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đề nghị tiếp tục giúp đỡ để làm sáng tỏ số phận của anh Thể. Ngay sau đó, lá đơn này được gửi đến Chính uỷ Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Tháng 7.2010, Phòng Chính sách Quân khu 7 có văn bản trả lời ông Ngô Văn Toàn (anh trai của anh Thể).
Theo tinh thần của công văn này, quân nhân Ngô Văn Thể tạm thời chưa được công nhận liệt sĩ, bởi vì thiếu quá nhiều điều kiện, trong đó quan trọng nhất là không có giấy báo tử. Hiện tại, trường hợp của quân nhân Ngô Văn Thể được xem là mất tin, mất tích.
Nói về số phận của người em trai, ông Ngô Văn Toàn (lúc còn sống) bộc lộ: Gia đình chờ tin tức của em trai gần nửa thế kỷ. “Ba mẹ tôi mỏi mòn chờ đợi con trai cho đến khi mất vẫn chưa được gặp lại nó. Tôi nghĩ, nếu em tôi chết vì nghĩa lớn, vì đất nước thì cần phải công nhận để linh hồn nó được siêu thoát, dưới suối vàng cha mẹ tôi cũng đỡ “day dứt”.
Điều quan trọng là cho đến hôm nay (thời điểm 2011) các cơ quan chức năng không xác định được em tôi làm điều sai trái với Tổ quốc thì cần phải hành động thật cụ thể để trường hợp của em tôi được minh định rõ ràng.
Chúng tôi đã chờ tin tức của em suốt 10, 20 năm và thậm chí 30 năm nhưng không thể chờ lâu hơn được nữa! Mấy chục năm nay, gia đình không dám làm đám giỗ cho em trai, vì biết còn hay mất mà làm đám giỗ (mặc dù trong thâm tâm, ai cũng nghĩ rằng chú ấy không còn nữa)!".
Ông Ngô Văn Toàn (lúc còn sống) bên chồng hồ sơ về người em trai.
Ngày 21.7.2023, trao đổi về thân phận của người em trai, ông Ngô Văn Hoàng (cũng là người tham gia quân tình nguyện Việt Nam) cho biết, gần đây, ông tiếp tục gõ cửa một số nơi nhưng chưa nhận được thông tin phản hồi.
“Ba anh em ruột chúng tôi tham gia quân tình nguyện giúp nước bạn Campuchia, chú Toàn đã mất vì bạo bệnh, tôi năm nay gần 70 tuổi. Tôi không đòi hỏi quyền lợi vật chất, chỉ mong cơ quan có thẩm quyền xem xét sớm làm sáng tỏ trường hợp của em tôi- Ngô Văn Thể- để gia đình yên lòng. Hồ sơ, đơn từ của gia đình tôi đã nặng đến vài ba ký rồi”- ông Hoàng vừa nói vừa bật khóc.
Việt Đông - Hoàng Yến
(còn tiếp)
Năm 2011, ông Bùi Văn Nhân, thương binh hạng 3/4, ngụ thị trấn huyện Châu Thành cho biết: trong thời gian chiến đấu ở Campuchia, đơn vị của ông và đơn vị của anh Thể chỉ cách nhau khoảng… 700m. Ông Nhân ở Cục Hậu cần, anh Thể ở Cục Kỹ thuật. Là đồng hương, láng giềng với nhau nên hai người trò chuyện với nhau rất nhiều. Được khoảng 3 tháng, ông Nhân được điều chuyển từ đơn vị hậu cần sang bộ phận tham mưu và đóng quân ở sát quần thể Angkor. Tháng 6.1983, trong một trận đánh, ông Nhân bị thương và được đưa về nước chữa trị. Kể từ đó, hai người hoàn toàn mất liên lạc với nhau. Theo nhận định của ông Nhân, rất có anh Thể cùng đồng đội đã hy sinh, không còn ai sống sót, nên xem như bị mất tích.