Giờ học môn tiếng Anh bằng hình thức trực tuyến.
CHỜ GIÁO VIÊN TRỞ VỀ TỪ... XÍ NGHIỆP (!?)
“Chúng tôi đã gia hạn thời gian nhận hồ sơ hai lần nhưng cuối cùng chỉ nhận được vỏn vẹn tổng cộng 17 bộ hồ sơ, trong khi nhu cầu cần tuyển cho năm học này là hơn 130 người, bao gồm cả giáo viên, nhân viên. Trong tổng chỉ tiêu, đa số là giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non. Thế nhưng, đến giờ này, chúng tôi chỉ nhận được vỏn vẹn 2 bộ hồ sơ đăng ký tuyển dụng vào làm giáo viên mầm non” - đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Dầu thông tin.
Ở bậc học phổ thông, số hồ sơ nộp vào huyện Gò Dầu cũng không bao nhiêu. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện bình luận, việc thừa thiếu giáo viên hiện nay không thể chạy theo giải pháp tình thế, thay vào đó cần có giải pháp dài hạn. “Tiện đây, tôi mạnh dạn đề xuất, nên chăng nhà nước cần xem xét lại chính sách đào tạo giáo viên. Cụ thể, đối với ngành đào tạo giáo viên, không nên thực hiện theo kiểu xã hội hoá như những ngành nghề khác. Thay vào đó, việc đào tạo giáo viên chỉ giao cho các trường sư phạm theo hình thức độc quyền và đào tạo có địa chỉ. Ngành giáo dục rất dễ tính toán nhu cầu nhân lực trong thời gian ít nhất 5 năm, vì khi học sinh vào lớp 1, thậm chí mới ở bậc học mầm non, đều đã có thống kê số học sinh. Từ số liệu học sinh, hoàn toàn tính được số giáo viên cho giai đoạn đó. Khi trường sư phạm đào tạo xong, trả về địa phương và địa phương bố trí việc làm ngay, tức ra đi từ đâu trở về từ đó. Cam kết thực hiện đúng chính sách ra trường có việc làm, được bố trí nhiệm sở ngay, học sinh phổ thông sẽ theo học sư phạm mà không cần quá nhiều chính sách hỗ trợ tài chính như hiện nay” - lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện phân tích.
Một ý kiến khác cho rằng, một số quy định hiện nay trong tuyển dụng giáo viên có vẻ như không thật sự khoa học và chưa phù hợp thực tế. “Khi đăng ký tuyển dụng giáo viên thì phải đăng ký theo vị trí việc làm cho từng trường, ví vụ trường A thiếu giáo viên nào tuyển giáo viên đó, tương tự trường B cũng vậy. Điều này dẫn đến một điều đã được chứng minh trong mấy năm qua, đó là nhiều ứng viên, trong hồ sơ chỉ đăng ký nguyện vọng được về dạy ở những trường thuộc khu vực trung tâm, đô thị. Khi không trúng tuyển vào trường này (vì tỷ lệ cạnh tranh cao) ứng viên đó bỏ luôn, không đăng ký nguyện vọng vào những trường thuộc vùng sâu vùng xa. Điều đó dẫn đến, trường học ở vùng sâu vùng xa, nơi nghèo khó hơn, khó thu hút được giáo viên. Không chỉ vậy, một số môn học, thường bị cho là môn phụ, ngày càng ít học sinh phổ thông thi tuyển vào trường sư phạm, vì không dạy thêm được. Điều này dẫn đến về lâu dài, những trường học ở vùng sâu vùng xa và ngay cả những trường ở trung tâm, rất khó tuyển giáo viên để dạy những “môn phụ” vốn không có cơ hội dạy thêm để cải thiện thu nhập”.
Huyện Châu Thành tuyển khoảng hơn 50 giáo viên nhưng hiện tại chưa thu nhận hồ sơ vì đang “theo dõi” số sinh viên mầm non tốt nghiệp tại Trường CĐSP Tây Ninh. Theo dự báo của địa phương này, việc tuyển dụng giáo viên mầm non, dẫu sao vẫn có chút sáng sủa hơn so với giáo viên tiểu học, vì nhiều năm qua, Trường CĐSP Tây Ninh, theo luật, không còn được đào tạo giáo viên phổ thông.
“Chúng tôi lên kế hoạch tuyển 160 chỉ tiêu nhưng hết hạn nhận hồ sơ (lần một) chỉ nhận được 10 bộ hồ sơ. Chúng tôi đã xin gia hạn thời gian xem có thêm hồ sơ nào không”.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT thị xã Trảng Bàng nói
“Chúng tôi lên kế hoạch tuyển 160 chỉ tiêu nhưng hết hạn nhận hồ sơ (lần một) chỉ nhận được 10 bộ hồ sơ. Chúng tôi đã xin gia hạn thời gian xem có thêm hồ sơ nào không. Theo thông chúng tôi có được, ngày 15.11, các trường sư phạm ở TP. Hồ Chí Minh và cả Trường CĐSP Tây Ninh mới có thể tổ chức cho sinh viên thi tốt nghiệp. Sau khi thi tốt nghiệp, khoảng một tháng sau, sinh viên mới có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, lúc đó các em mới nộp hồ sơ dự tuyển” - lãnh đạo Phòng GD&ĐT thị xã Trảng Bàng nói.
Tình hình ở Tân Châu cũng tương tự. Đại diện Phòng GD&ĐT cho biết, địa phương đang trình Sở Nội vụ phê duyệt, sau đó mới nhận hồ sơ của ứng viên. Tuy nhiên, theo thông tin hiện có, việc tuyển dụng sẽ khó khăn vì nguồn tuyển khan hiếm. “Năm nay, Trường CĐSP Tây Ninh có chừng 52 sinh viên bậc học mầm non ra trường, không thấm vào đâu. Năm học này chúng tôi tuyển tổng cộng hơn 100 chỉ tiêu. Chúng tôi hy vọng một số sinh viên tốt nghiệp sư phạm nhiều năm về trước nhưng đang làm công nhân trong các xí nghiệp nộp hồ sơ vào ngành giáo dục” - lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện bày tỏ mong muốn được chào đón những ứng viên vốn đã tốt nghiệp sư phạm nhưng đang làm công nhân trở về với nghề từng được đào tạo.
“Chúng tôi có 112 chỉ tiêu nhưng chỉ nhận được đúng 12 bộ hồ sơ và đã gửi về Sở Nội vụ. Trong 12 bộ hồ sơ nêu trên, có vài bộ của ứng viên bậc học phổ thông, một số hồ sơ nhân viên y tế, riêng bậc học mầm non không nhận được bộ hồ sơ nào” - đại diện Phòng GD&ĐT huyện Tân Biên thông tin. Vị này còn đề xuất, nên chăng cho phép tuyển sinh viên theo luật giáo dục cũ (trước khi có Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019) sau đó tạo điều kiện cho những giáo viên học lên cao để đáp ứng tiêu chuẩn về văn bằng. “Trước đây, đã từng có đề xuất nhưng cơ quan có thẩm quyền không chấp nhận, điều đó có thể hiểu được, vì nó trái với quy định hiện hành” - người này nói.
“Chúng tôi đã gia hạn thời gian nhận hồ sơ hai lần nhưng cuối cùng chỉ nhận được vỏn vẹn tổng cộng 17 bộ hồ sơ, trong khi nhu cầu cần tuyển cho năm học này là hơn 130 người, bao gồm cả giáo viên, nhân viên…”.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Dầu thông tin
Đối với những trường trực thuộc Sở GD&ĐT (trường THPT, trung tâm GDNN - GDTX), tình hình cũng không mấy khả quan. “Chúng tôi có 117 chỉ tiêu nhưng số hồ sơ nhận được thấp hơn chỉ tiêu cần tuyển. Trước đây, nguồn tuyển dành cho các trường trực thuộc Sở khá dồi dào vì sinh viên sư phạm ở mọi miền của Tổ quốc nộp hồ sơ vào Tây Ninh khá nhiều. Nay, những tỉnh, thành phố khác cũng tuyển dụng giáo viên, do đó, số hồ sơ nộp về Tây Ninh ít hẳn” - nguồn tin cho biết.
Giáo viên làm nhiệm vụ coi thi vào lớp 10, năm học 2020 - 2021.
CHƯA THỂ SỬA LUẬT
Trong các cấp, bậc học, nhu cầu giáo viên đã và đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với bậc học mầm non và giáo viên Tiếng Anh dành cho cấp tiểu học. Trước hết nói về chuẩn bằng cấp, Ðiều 72 của Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2020) quy định trình độ chuẩn (văn bằng) được đào tạo của nhà giáo như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”. Ðiều 72 cũng quy định: “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Ðiều này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Ðiều này”.
Như vậy, dễ dàng nhận thấy, khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng là do Luật Giáo dục năm 2019 quy định, giáo viên bậc học mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên. Ðiều này có nghĩa, sinh viên ngành học mầm non nếu chỉ có bằng trung cấp sư phạm thì không được tuyển dụng. Một vị quản lý có nhiều kinh nghiệm trong ngành Giáo dục tỉnh nhà nhìn nhận, luật có hiệu lực thì phải tuân thủ nhưng thực tế cho thấy không phải không có những bất hợp lý.
Cách nay chưa lâu, khi được đề nghị có ý kiến về quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, một vị có kinh nghiệm làm công tác tổ chức trong ngành bình luận: “Luật quy định như vậy nhưng tôi thấy, đối với bậc học mầm non, người có bằng trung cấp sư phạm vẫn hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ, vì bậc học này phần lớn là chăm sóc, nuôi dưỡng. Về chuyên môn, điều này không phải không quan trọng nhưng bậc học mầm non chưa đặt nặng vấn đề này”- vị cán bộ bình luận.
Ðiều 72 của Luật Giáo dục năm 2019 có ghi: “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở...”. Điều này cần hiểu rằng, lộ trình nâng chuẩn ở đây là dành cho những giáo viên đang công tác trong ngành nhưng chưa đủ chuẩn văn bằng sẽ được tạo điều kiện học nâng chuẩn, chứ không phải dành cho sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp. Quy định như trên là đúng nhưng thật ra chưa đủ. Nhiều cán bộ quản lý và cả các cơ sở đào tạo giáo viên đã chỉ ra, đáng lý cần quy định lộ trình vẫn tiếp tục thực hiện tuyển dụng sinh viên trung cấp sư phạm mầm non trong một giai đoạn nhất định. Làm như vậy, vừa không lãng phí nguồn nhân lực đã đào tạo lại vừa giúp cho cơ quan tuyển dụng tuyển đủ số giáo viên mầm non cho bậc học này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chỉ ra, tháng 6.2020, Chính phủ ban hành Nghị định 71 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Điều 2 của Nghị định 71 quy định đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo. Theo đó, giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 1.7.2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định. Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1.7.2020 còn đủ 8 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định. Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1. 7.2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định. Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thực hiện từ ngày 1.7. 2020 đến hết ngày 31.12.2030. Tuy nhiên, cần nhắc lại, lộ trình này chỉ dành cho những giáo viên đang công tác nhưng chưa đạt chuẩn bằng cấp theo quy định mới. Điều này khác với nhóm đối tượng được tuyển dụng lần đầu, kể từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực. Khi được hỏi có nên sửa luật để hệ thống trường CĐSP được đào tạo giáo viên phổ thông như trước đây hay không, một số ý kiến trong ngành giáo dục chung câu trả lời: không. Có hai lý do chính khiến đề xuất sửa luật không khả thi, thứ nhất, luật mới thông qua và có hiệu lực được hơn một năm. Thứ hai, việc luật quy định chuẩn văn bằng là nằm trong tính toán cải thiện chất lượng giáo viên.
THÁO GỠ NHƯ THẾ NÀO?
Chỉ còn một năm học nữa, môn tiếng Anh ở lớp 3 (theo chương trình, sách giáo khoa mới) là môn học bắt buộc, chính thống, không còn là môn tự chọn. Như vậy, lúc đó, cần một số lượng khá lớn giáo viên cho môn ngoại ngữ này. Một vị trưởng phòng giáo dục chỉ ra rằng, số liệu thống kê cho thấy, dẫu sao, giáo viên tiếng Anh lớp 3, dù chưa đủ nhưng tạm thời có thể bố trí được, theo kiểu “giật gấu vá vai” điều động, sắp xếp có thể tạm gọi là ổn. Nhưng điều này mới quan trọng, khi học sinh lên lớp 4 không thể có đủ giáo viên môn tiếng Anh, vì số giáo viên hiện có đang phải dạy lớp 3. Như vậy, ngoài giáo viên mầm non, việc tìm nguồn giáo viên tiếng Anh cho cấp tiểu học phải được đặt ra ngay từ bây giờ để tìm hướng giải quyết. Thậm chí, đặt ra vào thời điểm này cũng đã khá muộn, vì để có một giáo viên tốt nghiệp đại học, ít nhất phải mất 4 năm đào tạo. Không chỉ bậc học mầm non hay giáo viên tiếng Anh, việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa, chính sách pháp luật, chính sách tuyển dụng đã đang ảnh hưởng đến cơ cấu đội ngũ cũng như công tác đào tạo giáo viên. Hiện nay, hệ thống trường CĐSP trong cả nước đang trong tình trạng đìu hiu, “chợ chiều” vì chỉ đào tạo một vài ngành ngoài sư phạm và đào tạo giáo viên cao đẳng mầm non. Các ngành đào tạo giáo viên phổ thông đã ngừng hoạt động từ rất lâu (vì trước đây có giai đoạn thừa giáo viên phổ thông).
Tình trạng “đóng băng” trường CĐSP càng thể hiện rõ khi Luật giáo dục sửa đổi năm 2019 có hiệu lực trong đội ngũ giáo viên, giảng viên của hệ thống trường này vẫn còn đó. Cơ sở vật chất của nhiều trường khang trang nhưng không có người học. Một nguồn tin cho biết, cách nay ít ngày, cấp lãnh đạo có thẩm quyền đang xem xét để mở hệ đào tại đại học tại Trường CĐSP Tây Ninh, do Trường đại học Sài Gòn đảm nhiệm. Một bộ phận giáo viên, giảng viên Trường CĐSP Tây Ninh vẫn có thể tham gia giảng dạy cùng với Trường đại học Sài Gòn. Nói khái quát, nôm na, đây là sự liên kết, hợp tác đào tạo giữa Tây Ninh với Trường đại học Sài Gòn (tiền thân là Trường CĐSP TP. Hồ Chí Minh, trong thời kỳ chiến tranh, ngôi trường này từng có giai đoạn đặt chân tại huyện Tân Biên). Một trong những thuận lợi, nếu Trường CĐSP Tây Ninh thành một phân hiệu của Trường đại học Sài Gòn thì con em của Tây Ninh theo học đại học sư phạm nhưng không cần phải đi học ở nơi khác. Hướng đi này cùng lúc giải quyết được nhiều việc, vừa tận dụng được cơ sở vật chất có sẵn, vừa đào tạo được nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương. Trường đại học Sài Gòn tuy là trường đại học nhưng trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh, không phải trực thuộc Bộ GD&ĐT. Như vậy, sự hợp tác (nếu có) sẽ thuận lợi, vì cả Trường CĐSP Tây Ninh và Trường đại học Sài Gòn đều là trường công lập. Điều này, xét trên phương diện pháp luật, thuận lợi hơn nhiều so với việc hợp tác giữa một trường công lập với một trường ngoài công lập (hợp tác với trường ngoài công lập liên quan đến chủ quyền đất đai, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên...).
Cuộc tìm tòi nào cũng khó tránh khỏi những rắc rối phát sinh. Sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến trong thời gian qua song cũng bộc lộ không ít những bất cập, hạn chế. Một trong số đó là sự đổi mới thiếu tính đồng bộ. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa là đúng vì đây là hoạt động có tính chu kỳ (đến thời điểm thì thay). Nhưng, khâu chuẩn bị về con người, đội ngũ, quy hoạch trường lớp, đào tạo đội ngũ giáo viên thiếu tính đồng bộ. Trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, có truyền hình trực tiếp, lãnh đạo Bộ GD&ĐT (nhiệm kỳ trước) mạnh mẽ khẳng định đã có sự chuẩn bị về độ ngũ giáo viên để “ráp vào cho khớp” với chương trình, sách giáo khoa mới. Thực tế chứng minh rằng, mong muốn đó, dù tốt, song chưa thành hiện thực. Nguyên nhân chính là một phần bị động trong khâu đào tạo, phần do chính sách pháp luật thay đổi, phần do dịch chuyển lao động bởi tác động của thị trường. Mọi sự thay đổi trong giáo dục theo tinh thần “căn bản, toàn diện” đều vì mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục. Song, điều đó chỉ có thể trở thành thực tế khi và chỉ khi có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ. Sách giáo khoa, chương trình giáo dục mới, dù tối quan trọng nhưng cũng chỉ là công cụ, không phải yếu tố quyết định, vì không nền giáo dục nào đứng cao hơn ông thầy.
Việt Đông