Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Nỗ lực chăm lo cho người lao động - Báo Tây Ninh Online

Chủ nhật - 25/12/2022 18:10
BTN - Từ ngày 1.7.2022, tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12.6.2022 của Chính phủ, tiền lương tối thiểu được các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trả cho người lao động bảo đảm bằng và cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.Dự kiến thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, cao nhất là 200 triệu đồng (Công ty TNHH thương mại Thế Kỷ Vàng, huyện Bến Cầu); thấp nhất là 1 triệu đồng (Công ty TNHH Minh Tân, huyện Gò Dầu).

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh ghi nhận những nỗ lực của Tây Ninh trong thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3.9.2019 của Ban Bí thư

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đến làm việc tại tỉnh Tây Ninh để nắm bắt tình hình thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3.9.2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động, tiền lương, thu nhập và bảo đảm đời sống người lao động trong các doanh nghiệp dịp cuối năm và tết nguyên đán.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trương Thị Phương Thảo cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Tiền lương bình quân trên địa bàn từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng; dự kiến thưởng Tết Dương lịch năm 2023 cao nhất là 36 triệu đồng (Công ty CP xây dựng kiến trúc AA Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng); thấp nhất là 100.000 đồng (Công ty TNHH VMC Hoàng Gia, huyện Châu Thành).

Dự kiến thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, cao nhất là 200 triệu đồng (Công ty TNHH thương mại Thế Kỷ Vàng, huyện Bến Cầu); thấp nhất là 1 triệu đồng (Công ty TNHH Minh Tân, huyện Gò Dầu).

Nỗ lực xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 6.171 doanh nghiệp và hợp tác xã với 286.831 lao động. Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3.9.2019 của Ban Bí thư (khoá XII) về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới và Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nội dung này.

Số lượng doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở là 555 doanh nghiệp, trong đó, có 227 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, tổ chức công đoàn phát huy vai trò trong xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Trên 85% doanh nghiệp xây dựng quy chế đối thoại tại cơ sở, quy chế phối hợp công tác giữa giám đốc doanh nghiệp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở; trên 73% đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đối thoại định kỳ, có trên 100 lượt đối thoại đột xuất tại các doanh nghiệp; trên 85% doanh nghiệp hội nghị người lao động, tại hội nghị người lao động có 75% đơn vị tiến hành thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể đã tạo thêm hành lang pháp lý cho Công đoàn tham gia bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp.

Từ ngày 1.7.2022, tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12.6.2022 của Chính phủ, tiền lương tối thiểu được các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trả cho người lao động bảo đảm bằng và cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Về tình hình cắt giảm lao động, việc làm trong các doanh nghiệp, có 47 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, việc làm, gồm: 44 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 3 doanh nghiệp dân doanh (đa số trong khu công nghiệp). Tổng số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 44.806 người (được giải quyết cho nghỉ phép năm, được nghỉ hưởng lương theo mức tối thiểu vùng, được nghỉ hưởng lương 70% theo hợp đồng lao động…), trong đó số người thôi việc, nghỉ việc là 2.297 người.

Đối với các trường hợp thôi việc, nghỉ việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm cầu nối tạo việc làm mới qua các sàn giao dịch việc làm, thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ học nghề.

Tỉnh cũng nhìn nhận một số nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, Quyết định số 416/QĐ-TTg còn hạn chế, nhất là trong công tác phối hợp tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Các ngành, các cấp còn có nhận thức đây là nhiệm vụ riêng của ngành Lao động. Một số công đoàn cơ sở hoạt động chưa được hiệu quả- nhất là trong công tác tuyên truyền đối với công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước, hoạt động kinh doanh chiếm hầu hết thời gian của doanh nghiệp.

Khi các tranh chấp xảy ra, công đoàn cơ sở các doanh nghiệp thiếu chủ động trong công tác thương lượng và đối thoại với người sử dụng lao động để tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp tháo gỡ, mà cần phải có sự vào cuộc, can thiệp kịp thời của các cơ quan, ban, ngành liên quan nhằm ổn định tình hình.

Các thành viên trong đoàn công tác đặt nhiều vấn đề tìm hiểu thêm về số lượng lao động đã qua đào tạo, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, công tác kết nối cung cầu lao động, những hỗ trợ của tỉnh đối với lao động bị mất việc làm có được việc làm mới, ổn định cuộc sống trong dịp tết nguyên đán… Các vấn đề này đã được các đơn vị liên quan giải trình, làm rõ.

Tây Ninh cần thực hiện tốt hơn việc kết nối cung cầu lao động

Phát biểu tại buổi làm việc hôm 23.12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong thông tin sơ bộ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 với những tín hiệu khả quan và cho rằng, từ quý IV năm nay, các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn do không có đơn hàng nên xảy ra tình trạng lao động mất việc làm. Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá của đoàn công tác, cho thấy mức độ tác động của tình hình biến động kinh tế thế giới đối với Tây Ninh so với các tỉnh, thành khác là chưa nhiều.

Tiếp thu các ý kiến của thành viên đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, tỉnh cũng đã nhận thấy những hạn chế trong hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm và đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham vấn, trao đổi kinh nghiệm, có biện pháp xử lý những hạn chế nhằm tạo sự thay đổi, nhất là thực hiện kết nối nguồn cung lao động tốt hơn trong thời gian tới.

Tỉnh có chỉ đạo các đơn vị nắm đơn hàng và kế hoạch sa thải ở các doanh nghiệp (chủ yếu ở doanh nghiệp FDI, ngành dệt may, da giày). Tỉnh giao cho Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, đề ra các tiêu chí để hỗ trợ cho những trường hợp mất việc làm gặp khó khăn trong dịp tết sắp đến.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh chúc mừng tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ sau đại dịch; đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường lao động trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Cùng với đó, việc xây dựng quan hệ lao động cũng hết sức quan trọng.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Tây Ninh có số lượng doanh nghiệp không nhiều (với 6.000 doanh nghiệp), so với tỉnh Long An thì bằng khoảng một nửa. Thời gian qua, tỉnh đã làm tốt việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và Quyết định số 416/QĐ-TTg như Tỉnh uỷ, UBND ban hành kế hoạch thực hiện cho thấy sự quan tâm trong triển khai các văn bản này.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định, hơn 30 cuộc ngừng việc tập thể chủ yếu liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, nội dung liên quan quan hệ lao động tiền thưởng cho thấy công đoàn chưa phát huy vai trò của mình.

Thứ trưởng đánh giá cao tỉnh trong việc xem xét ban hành quyết định bổ nhiệm trọng tài viên lao động và thành lập hội đồng trọng tài lao động sẽ giải quyết kịp thời nếu có sự việc xảy ra.

Đồng thời cho rằng, tiền lương tăng nhiều, trung bình 8-9 triệu đồng/tháng có thể cơ bản bảo đảm đời sống của công nhân, Thứ trưởng đề nghị tỉnh tính bình quân tiền thưởng tết để có thể đánh giá được sự quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động.

Thứ trưởng nhận định, tỉnh có ảnh hưởng từ biến động kinh tế thế giới với số lao động mất việc hơn 2.200 người là số tương đối lớn so với thực tế lao động của tỉnh nhưng cũng chưa phải là số lớn so với các tỉnh khác có nhiều khu công nghiệp. Trước tình hình này, tỉnh cần chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động có được việc làm mới thông qua các sàn giao dịch việc làm và các biện pháp hỗ trợ khác khi cần thiết.

Đồng thời, theo sát tình hình lao động, việc làm, tiền lương tiền thưởng dịp tết. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo công đoàn tăng cường vai trò giám sát, phản ánh kịp thời nếu phát hiện có vấn đề.

Thứ trưởng đề nghị tỉnh thực hiện tốt hơn việc kết nối cung cầu lao động; củng cố hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; xây dựng đề án đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực- cũng là khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách cho vay giải quyết việc làm, cần tiếp tục tăng cường thực hiện trong thời gian tới.

C.T

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp