Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Nhọc nhằn nghề khuân vác trên núi Bà Đen - Báo Tây Ninh Online

Thứ ba - 12/04/2022 22:39
BTN - Quanh năm, giữa dòng người hành hương lên núi Bà, có những mảnh đời lặng lẽ lao động. Dáng liêu xiêu dưới sức nặng của những cây nước đá, thùng hàng- họ là những người khuân vác ở núi Bà Đen.

Chuẩn bị sẵn sàng cho những chuyến hàng.

Từ sáng sớm, những người phu khuân vác đã có mặt tại địa điểm tập trung hàng hoá. Ăn vội vài mẩu bánh, uống ngụm nước, các anh nhanh chóng bắt tay vào công việc thường ngày.

Chặng đường xa hàng trăm mét với độ dốc ngày một cao, mọi người phải ràng rịt hàng hoá chắc chắn bên trên những miếng lót tạo độ êm cho vai suốt hành trình.

Những người phu khuân vác ở đủ độ tuổi khác nhau, có người là thanh niên, có người tóc đã chuyển màu, nhưng điểm chung là sự cần mẫn với công việc. Hằng ngày, họ cặm cụi vác từng cây nước đá, bao gạo, thùng hàng lên núi. Tuỳ vào khoảng cách giao hàng, tiền công sẽ được nhiều hay ít.

Dù ngày nắng hay ngày mưa, hoà vào dòng người hành hương là bóng dáng của những người phu khuân vác. Cặm cụi từng bước thật chậm rãi, cẩn trọng di chuyển trên từng bậc thang, dốc đá gập ghềnh, lưng người nào cũng oằn xuống vì sức nặng của những thùng hàng. Mồ hôi tuôn cay xè cả mắt nhưng các anh vẫn miệt mài, đều đặn bước.

Anh Đặng Văn Bình ở phường Ninh Sơn (thành phố Tây Ninh) có hơn 20 năm làm công việc khuân vác nơi đây cho biết, năm 1999, anh bắt đầu nhận vác vật liệu xây dựng lên đỉnh xây dựng các công trình trên đó. Làm được 2 năm, hết việc, anh chuyển sang bốc vác bên núi Bà Đen.

Anh Bình nhớ lại, ngày xưa, đường lên núi Bà Đen chưa có các bậc thang như hiện nay nên việc khuân vác đã nặng nhọc lại thêm phần khó đi. Các phương tiện hỗ trợ vác hàng cũng chưa có nhiều. Để vác nước đá không lạnh trên vai, các anh dùng bẹ chuối, sau đó mới đặt nước đá lên trên.

“Vác nước đá bây giờ có những tấm nhựa, rồi thùng mút, đường lại dễ đi hơn nên so với ngày trước đã nhẹ nhàng hơn phần nào. Nhưng nghề này mất sức lắm, ráng gắn bó kiếm tiền thôi. Ngày xưa có đến 60 người làm nhưng giờ chỉ còn khoảng 20 người thôi”- anh Bình chia sẻ.

Anh Đào Văn Nhẹ, nhà ở xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh cho biết, anh mới bắt đầu làm công việc này được chừng 3 năm. Trước đây, anh làm nông, làm hồ, cũng có lúc nhận làm bốc vác cho một công ty xây dựng nhưng thu nhập không nhiều. “Từ khi có người quen giới thiệu vào bốc vác bên núi Bà Đen, thu nhập có ổn định hơn so với trước. Làm ở đây tốn nhiều sức nhưng đổi lại có thu nhập khá lo cho gia đình, tôi chấp nhận làm cực chút”- anh Nhẹ cười nói.

Nhớ lại những ngày đầu mới bắt đầu công việc vác thuê cho các quầy hàng, anh Nhẹ chỉ có thể vác chừng 30kg là nhiều nhất. Nhưng dần dần quen với sức nặng công việc, hiện anh Nhẹ có thể vác được khoảng 80kg/lần đi.

Đôi vai oằn nặng dưới những bao hàng.

Chị Cao Thị Lệ Thuỷ nhà ở Đồng Nai, lần đầu tiên leo núi viếng Bà. Nhìn những người khuân vác, chị không khỏi cảm phục. “Mình đi tay không còn thấy quá mệt, các anh đó vác trên vai hàng chục ký đồ mà bước đi đều đều”- chị Thuỷ nói.

Anh Cao Minh Hùng (nhà ở Tiền Giang) chia sẻ, thấy “nể” khi những người khuân vác có thể mang trên vai những bao hàng nặng hàng chục ký mà vẫn bước lên từng bậc thang vững vàng. “Đó là công việc cực nhọc, nhờ có những người khuân vác này mà đi leo núi mệt, mọi người có đồ ăn nước uống, chớ vừa leo vừa mang theo thì…“đứt hơi” à”- anh Hùng dí dỏm nói.

Mối thường xuyên của những người phu khuân vác là các hàng quán thức ăn, nước uống bán dọc theo đường lên chùa Bà, phục vụ khách hành hương. Cứ mỗi người lãnh một quán, rồi tuỳ nhu cầu của quán mà làm việc.

Tháng Giêng là cao điểm để những người phu khuân vác dốc hết sức lực kiếm tiền. Có những ngày, mọi người phải vất vả khuân vác cả chục chuyến, thu nhập tăng lên sức khoẻ cũng hao mòn dần.

Chị Lài- tiểu thương có hơn 20 năm bán quán nước trên núi cho biết, “Nhờ có mấy anh vác hàng lên, chứ không, mình chẳng làm gì được”- chị Lài nói.

Hết tháng Giêng, du khách thưa dần. Vào các ngày cuối tuần, các anh bốc vác lại nhận thồ vật liệu xây dựng cát, đá, xi măng, gạch lên xây dựng cho các công trình xây dựng của chùa. “Mấy năm trước thì mở rộng khu vực chùa Bà, chùa Hang, nay thì đang mở rộng mặt bằng trên động Ba Cô, nhờ vậy anh em có việc làm quanh năm”- anh Nhẹ cho biết.

Tuỳ vào mặt hàng vác mà các anh có những cách vận chuyển khác nhau. Nếu là nước đá, đi càng xa nước càng tan nhiều, do đó, các anh phải cố gắng nhanh chân hơn. Tranh thủ mỗi lần vác 2 bao cho quán. Đối với vật liệu xây dựng như cát, đá, gạch, xi măng… các anh có thể vận chuyển cùng lúc 2-3 bao vật tư theo hình thức “vợi”.

“Cứ vác lên một đoạn mình bỏ đó, sau đó xuống vác bao khác lên đi qua bao trước, rồi lại quay xuống. Cứ vác vầy thì khi đến nơi mình được 2-3 bao, nhanh hơn và đỡ mệt hơn mình vác từng bao một”- anh Nhẹ chia sẻ kinh nghiệm.

Phần lớn phu vác đều thừa nhận đây là một nghề cực kỳ lao lực, bán sức khoẻ để kiếm tiền nhưng vì mưu sinh nhiều người vẫn cố gắng bám trụ.

Ngọc Diêu - Hoà Khang

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp