Chị Út hết lòng chăm sóc cho mẹ chồng.
Sinh ra và lớn lên tại xã Tân Phong, huyện Tân Biên, chị Nguyễn Thị Út kết hôn rồi về làm dâu từ năm 2007, sống cùng gia đình nhà chồng cho đến tận bây giờ. Với chị, ba mẹ chồng cũng như ba mẹ đẻ, đã là đấng sinh thành thì bên nào cũng phải kính trọng như nhau.
“Tôi xem gia đình hai bên đều là ruột rà, không phân biệt nội ngoại”- chị Út bộc bạch. Với suy nghĩ ấy, những năm qua, dù phải trải qua nhiều vất vả, đi phụ việc tại quán cơm để lo toan cuộc sống gia đình, nhưng chị Út vẫn cố dành thời gian chăm sóc ba, mẹ chồng bị bệnh.
Chị Út kể, về làm dâu được hơn 1 năm, ba chồng không may bị bệnh, phải nằm một chỗ. Những lúc ở nhà, bất kể ngày hay đêm, chị luôn túc trực, xoa bóp tay chân, trò chuyện, động viên để ông quên đi sự đau nhức và cố gắng vượt qua bệnh tật. Chị chăm sóc cho ông rất cẩn thận, làm từ những việc nhỏ nhất như cắt móng tay, móng chân, giặt giũ quần áo...
Chị nói: “Việc chăm sóc cho ba chồng nhiều khi mệt mỏi nhưng bản thân chưa từng chán nản và có ý định bỏ mặc gia đình chồng. Mẹ đẻ của tôi thường khuyên rằng “phúc đức tại mẫu”, con cứ ráng chăm sóc cho ba chồng thật tốt, sau này để lại phúc cho các con của mình”.
Năm 2010, khi ba chồng mất, mẹ chồng của chị ngày càng buồn bã, gầy gò và ốm yếu. Hằng ngày, chồng chị phải đi làm rẫy, có những lúc đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về, mọi công việc trong gia đình đều do chị Út phụ trách. Để sắp xếp thời gian hợp lý, mỗi ngày, chị thức dậy vào lúc 5 giờ sáng, chuẩn bị đồ ăn và nước uống cho mẹ chồng, sau đó tranh thủ dọn dẹp nhà cửa rồi tất bật chạy đi phụ quán cơm gần nhà.
Hoàn thành công việc khoảng 10 giờ, chị ra chợ mua đồ ăn, trở về nhà nấu cơm trưa, tranh thủ bóc lụa hạt điều kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Sức khoẻ của mẹ chồng ngày càng yếu, đi lại khó khăn, chị vẫn luôn ở bên cạnh để chăm sóc việc ăn uống, kề cận ngày đêm. Chị Út chia sẻ: “Tuổi già rất cần sự giúp đỡ, cảm thông. Người lớn tuổi dễ bị khó chịu, con cái cần phải nhẫn nại, thường xuyên gần gũi, cố gắng động viên để an ủi”.
Những lúc rảnh, chị Út làm thêm công việc bóc lụa hạt điều để tăng thu nhập.
Không chỉ quan tâm, chăm lo cho mẹ chồng bằng tình thương với những hành động thiết thực, chị Nguyễn Thị Út còn thường xuyên giáo dục, nhắc nhở hai đứa con phải biết hiếu thảo với ông, bà. Chồng của chị Út cho biết: “Mẹ tôi bệnh tật ít khi ra khỏi giường nhưng mùng, mền, gối lúc nào cũng thơm tho, sạch sẽ. Mỗi khi có đồ ăn ngon thì vợ tôi đều nhường hết cho mẹ. Đây cũng là điều làm tình yêu của vợ chồng tôi sau gần 16 năm vẫn luôn khắng khít và hạnh phúc”.
Bà Nguyễn Thị Điệp- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Lập, xã Tân Bình cho biết, chị Nguyễn Thị Út là hội viên phụ nữ tích cực của địa phương, sống có tình có nghĩa, lại còn là tấm gương sáng về lòng hiếu thảo, bà con làng xóm ai cũng khen ngợi.
Phương Thảo - Hà Quang