Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Lớp học tình thương giữa lòng Thành phố - Báo Tây Ninh Online

Thứ năm - 08/12/2022 23:58
BTN - 20 năm nay, ở khu phố 5, phường 3, thành phố Tây Ninh có một lớp học tình thương do cô Phạm Thị Xuân mở dạy. Từ lớp học này, nhiều học sinh mắc chứng tự kỷ, Down, khuyết tật… biết đọc, biết viết và nhờ đó, có công ăn việc làm.

Cô Xuân dạy toán cho các em học sinh.

Năm 2004, cô Phạm Thị Xuân, giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (thành phố Tây Ninh) nghỉ hưu. Sau đó cô tham gia công tác ở Hội Chữ thập đỏ địa phương. Năm 2009, trong một lần đi điều tra xã hội trên địa bàn phường 3, cô nhận thấy có nhiều trẻ em thuộc dạng đặc biệt thích được đi học nhưng không có nơi nhận nuôi dạy.

“Lúc đó tôi thấy có một số em bị bệnh Down và khuyết tật mang cặp lên vai, khóc đòi cha mẹ cho đi học. Tôi nghĩ mình là giáo viên mà sao không giúp cho các em? Thế là tôi quyết định mở lớp dạy học miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn”- cô Xuân nhớ lại.

Lớp học có diện tích khoảng 4 x 6m, được ngăn chia ra từ một phòng trong căn nhà của cô Xuân, trang bị đầy đủ bàn, ghế, phấn, bảng, đèn, quạt, máy lạnh, đồ dùng dạy học khác.

Cô Xuân kể, thời gian đầu, chỉ có 3 em đến học, sau đó tăng lên 6 em, lúc cao điểm có đến 26 em. Hiện lớp có 20 học sinh, trong đó, 18 em đi học thường xuyên, số còn lại dao động, do các em đang trong quá trình trị bệnh. Học sinh nhỏ nhất mới 8 tuổi, số còn lại từ hơn 10 tuổi đến 30 tuổi. Hầu hết học sinh đều thuộc dạng đặc biệt như bệnh Down, động kinh, tăng động, tự kỷ, chậm phát triển, nạn nhân chất độc da cam…

Trong lớp hiện có 4 em đã chữa trị khỏi bệnh, nhưng lớn tuổi, không theo học các trường phổ thông được nên đến đây học phổ cập kiến thức với hy vọng sau này được thi tốt nghiệp THCS theo dạng thí sinh tự do. “Đối với 4 em này, tôi đã liên kết với một số cơ sở dạy uốn tóc, dạy nghề mộc miễn phí trong Thành phố để các em học nghề"- cô Xuân cho hay.

Cô Xuân tâm sự: “Thời gian đầu mở lớp, nhiều em đến lớp học có sức khoẻ yếu, thường ói mửa hay tiểu tiện, đại tiện ngay tại lớp, tôi phải đem các em ra sân tắm rửa và lau dọn bàn ghế.

Nhiều bạn bè, hàng xóm nhìn thấy cảnh này cứ hỏi: Mày bị bệnh thần kinh à? Làm sao chịu nổi? Tôi trả lời mình thương các em như con, cháu trong gia đình thì sẽ vượt qua được”. Cứ như thế, những đứa trẻ bị bệnh tật, không biết chữ, sau thời gian đến lớp học tình thương, các em đều có thể đọc, viết. Có em xin được việc làm trong xí nghiệp, có em đang học may quần áo.

Theo lời cô Xuân, lớp học tình thương luôn được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng và các tổ chức xã hội, ban, ngành, như Sở Giáo dục và Đào tạo tặng bàn ghế, bảng; một đơn vị thi công đường giao thông xây nhà vệ sinh cho các em; Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh 3 lần đến tặng ti vi, máy lạnh, máy may cho lớp.

Sách giáo khoa được các trường học gửi cho, tập thì Xí nghiệp in Hoàng Lê Kha gửi tặng mỗi năm vài trăm quyển. Từ đầu năm đến nay, Hội Chữ thập đỏ Tây Ninh nhiều lần đến thăm, tặng sữa tươi, sữa hộp cho các em. Vì vậy, ngày nào đến đây học các em cũng được uống sữa. Đối với những em học sinh nghèo, mỗi tháng còn được cô vận động mạnh thường quân hỗ trợ 10kg gạo hoặc thùng mì.

Những dịp tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, các em đều được tặng quà. Trước khi xảy ra dịch Covid- 19, còn có một số mạnh thường quân đến tổ chức nấu bữa cơm trưa cho các em.

Cô Xuân hướng dẫn học sinh viết số.

Khi chúng tôi đến thăm lớp, cô Xuân đang hướng dẫn các em làm phép tính cộng trừ nhân chia. 11 giờ, tan lớp, phụ huynh lần lượt đến đón con em. Một học sinh ngoan ngoãn khoanh tay, cúi đầu chào cô, chào mẹ. Cô Xuân kể: “Em học sinh này trước đây không biết nói.

Hằng ngày, tôi bảo em nhìn thẳng vào cô và nói A. Cứ nói lại hoài đến khi nào rõ được chữ A thì bắt đầu chuyển sang tập nói chữ mẹ. Buổi trưa, khi mẹ đến rước, cháu gọi “mẹ”. Phụ huynh bất ngờ ôm chầm lấy con, rơi nước mắt. Sau đó, tôi dạy các bé nói chữ bố và càng về sau số lượng chữ tăng dần lên như “thưa cô”, “thưa cô con về”, tôi và phụ huynh vui lắm”.

Lê Hồng Châu năm nay 30 tuổi, ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh bị ảnh hưởng chất độc da cam/Dioxin. Trước năm 2004, Châu thường xuyên bỏ nhà đi lang thang, có lúc đi tới huyện Gò Dầu, mẹ Châu khóc không biết bao nhiêu lần vì chuyện này.

Năm 2004, Châu được gia đình đưa vào lớp học tình thương, nhờ sự tận tình dạy bảo của cô Xuân, đến nay, bệnh tình của Châu được cải thiện rõ rệt. “Hằng ngày Châu tự đạp xe từ nhà đến lớp học, sau khi tan học em còn đạp xe đi ra công viên chơi, rồi đi tìm hái trái sung về cho mẹ làm thuốc trị bệnh”- cô Xuân cho hay.

Nguyễn Thiên Phúc, cao khoảng 1,7m, nặng 80kg khi mới đến học, trung bình 2 ngày em lên cơn động kinh một lần. Tham gia lớp học tình thương của cô Xuân, bệnh tình của Phúc có phần thuyên giảm, có khi cả tuần em mới lên cơn một lần.

“Khi em bị bệnh động kinh, cơ thể giật mạnh, té ngã, em được bố trí ngồi riêng trên chiếc ghế salon và tôi phải thường xuyên ở gần để cấp cứu em kịp thời”- nữ giáo viên này kể. Trong khi chờ phụ huynh đến rước, Phúc hát cho chúng tôi nghe một số bài hát được cô Xuân chỉ dạy. Phúc nói: “Em thích nhất là mẹ Lan (phụ huynh của em) và mẹ Xuân (cô Xuân)…”.

Bà N.T.K, ngụ khu phố Ninh Thọ, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh có cháu nội tên N.N.M.Đ, 8 tuổi, đang học ở lớp tình thương của cô Xuân. Theo lời bà T.K, cháu M.Đ bị bệnh tự kỷ và tăng động nên không chơi với ai được và cũng chẳng chịu nghe lời ai. Năm ngoái bà đưa cháu đến trường tiểu học ở địa phương, mới nhập học khoảng một giờ đồng hồ thì giáo viên đã gọi điện mời bà vào trao đổi.

Vì khi vào lớp, bé không ngồi yên một chỗ mà đi lục lọi đồ đạc lung tung, khiến các bạn trong lớp không tập trung học được. Gia đình đã đem gửi cháu một vài nơi khác nhưng cháu đều không chịu học. Sau gần nửa năm vào lớp học tình thương của cô Xuân, cháu có nhiều tiến bộ. “Trước đây cháu không bao giờ chào hỏi người lớn, bây giờ mỗi lần đến rước, cháu biết chào ông bà, khoanh tay thưa cô ra về, biết đọc, biết viết. Nếu không có lớp học này, tôi cũng không biết gửi cháu ở đâu”.

Chị Nguyễn Thị Bé Ba- một người hàng xóm nhận xét, cô Xuân năm nay hơn 70 tuổi nhưng vẫn còn rất tích cực tham gia công tác xã hội. Ngoài việc mở lớp dạy học miễn phí, thỉnh thoảng, cô Xuân còn kết hợp với các mạnh thường quân nấu cháo cho học sinh trong lớp, bà con nghèo và bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bà con ở khu phố này đều quý mến cô.

Đại Dương

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp