Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Kỳ cuối: Nhiều giải pháp thiết thực 

Thứ hai - 20/12/2021 01:06
BTN - Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức quản lý F0 chặt chẽ, không để người dân hoang mang, lo lắng khi nhiễm bệnh mà không được hỗ trợ y tế. Các trung tâm y tế tiếp nhận F0, sơ cứu và liên lạc ngay các tầng điều trị bệnh phù hợp; cho phép các bệnh viện dã chiến có thể trực tiếp tiếp nhận F0 để họ được cấp cứu và điều trị.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 để giảm mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Đại dịch Covid-19 xảy ra 2 năm nay, lực lượng y tế nói riêng và cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã làm việc hết tốc lực, căng mình để phòng, chống dịch. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành Y, thời gian qua, Ban Chỉ đạo, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh cũng như UBND tỉnh, Sở Y tế đã có những giải pháp thiết thực giảm tải cho ngành, đặc biệt là công tác quản lý, điều trị F0 tại nhà.

Cần sự cảm thông

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế, thời gian gần đây, Tây Ninh là một trong 5 tỉnh có số ca mắc Covid-19 cao nhất toàn quốc. Hằng ngày, số F0 phát sinh từ 800 - 900 ca, thậm chí nhiều hơn. Toàn tỉnh có trên 15.170 F0 đang điều trị tại nhà.

Số ca chuyển nặng tăng cao, trong đó, đa phần không tiêm vaccine phòng Covid-19, bệnh nhân điều trị ở tầng 2, 3 đang quá tải. Hai tuần qua, số ca tử vong luỹ kế chiếm 36,48% từ đầu dịch đến nay.

“Với con số như vậy, chắc chắn công việc của y tế, đặc biệt là y tế cơ sở sẽ rất nặng nề và quá tải. Nếu hỏi nhân lực ngành y tế có đủ đáp ứng chưa? Tôi trả lời là trong thời điểm này thì chưa thể đáp ứng đầy đủ trong công tác phòng, chống dịch”- bác sĩ Sơn chia sẻ.

Từ năm 2020 đến nay, có rất đông y, bác sĩ ở Tây Ninh đến tuổi nghỉ hưu, trong đó có 4 bác sĩ đã nghỉ việc. Trước tình trạng nhân lực giảm sút, công việc quá tải, nhiều áp lực, một số nhân viên y tế có tâm lý không ổn định xin nghỉ việc.

Bác sĩ Sơn cho biết, thời gian qua, các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng được thành lập để quản lý F0 tại nhà góp phần giảm tải cho nhân viên y tế. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại bệnh viện cũng như các tuyến trên chủ yếu phục vụ công tác điều trị các trường hợp nhập viện, F0 ở tầng 2, tầng 3. Lực lượng bác sĩ, y sĩ quân y hỗ trợ tại một số trạm y tế cơ sở và tầng 1, tầng 2. Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ bài toán nhân lực ngành Y trong giai đoạn hiện nay. 

UBND thị trấn Bến Cầu tiếp nhận 50 túi thuốc cơ bản điều trị F0 tại nhà do mạnh thường quân hỗ trợ.

Những ngày qua, Tây Ninh cũng nhận được sự hỗ trợ của đoàn y, bác sĩ, cán bộ y tế Thành phố Hải Phòng, Bệnh viện E Trung ương trong công tác phòng chống dịch và đào tạo chuyên môn sâu cho cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ Sơn cho biết: “Trong đợt dịch này, như số liệu đã công bố, với trên 15.170 F0 tại nhà, trung bình mỗi xã có khoảng 160 F0, nhân lực của trạm y tế chắc chắn không thể đáp ứng đủ các yêu cầu chăm sóc cho toàn bộ F0 trên địa bàn, kể cả nhân lực, cơ sở vật chất, hay thuốc chữa bệnh do thị trường khan hiếm, cơ chế mua sắm...”. Ông nhấn mạnh: “So với hiện tại, y tế có thể đáp ứng, nhưng dịch bùng phát lớn hơn nữa, khả năng khan hiếm thuốc và các vật tư, trang thiết bị y tế có thể xảy ra”.

Sở Y tế vừa ban hành Công văn số 5830/SYT-NV về việc phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2. Theo đó, người nhiễm SARS-CoV-2 được phân loại theo 4 nhóm nguy cơ: rất cao, cao, trung bình và thấp. Trong đó, nhóm nguy cơ trung bình được điều trị tại cơ sở thu dung tầng 1 hoặc xem xét điều trị tại nhà nếu cơ sở thu dung tầng 1 quá tải. Nhóm nguy cơ thấp được cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện theo quy định.

Giải thích tình trạng F0 tự mua thuốc điều trị tại nhà, bác sĩ Sơn cho biết, F0 tại nhà được chia ra 2 nhóm cơ bản. Đối với nhóm không triệu chứng, thuốc chủ yếu là tăng cường sức đề kháng, phối hợp thêm một số biện pháp tập thể dục, bổ sung dinh dưỡng, còn những loại thuốc thì không nhất thiết phải sử dụng. Nhóm F0 thứ hai, tuỳ theo triệu chứng phát sinh mà nhân viên y tế sẽ cấp thuốc và hướng dẫn sử dụng.

Ông cho biết thêm, đối với gói thuốc C, đây là loại thuốc kháng virus được hỗ trợ trong giai đoạn thí điểm nên hạn chế so với nhu cầu sử dụng. “Thời gian tới, theo Bộ Y tế, Việt Nam sẽ chính thức sản xuất loại thuốc này, khi đó nguồn cung cấp sẽ dồi dào, người dân dễ dàng tiếp cận sử dụng. Nếu sử dụng thuốc kháng virus sớm, tỷ lệ chuyển nặng sẽ giảm đi rất nhiều”- bác sĩ Sơn nói.

Kéo giảm sự gia tăng F0, nâng cao ý thức phòng dịch

Tại cuộc họp khẩn (ngày 10.12), nhằm đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong nhấn mạnh 3 nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng của dịch bệnh: phân loại bệnh nhân không chính xác; hỗ trợ y tế không kịp thời; không có các biện pháp quản lý chặt chẽ F0.

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức quản lý F0 chặt chẽ, không để người dân hoang mang, lo lắng khi nhiễm bệnh mà không được hỗ trợ y tế. Các trung tâm y tế tiếp nhận F0, sơ cứu và liên lạc ngay các tầng điều trị bệnh phù hợp; cho phép các bệnh viện dã chiến có thể trực tiếp tiếp nhận F0 để họ được cấp cứu và điều trị.

Ngành Y tế thực hiện song song hai công tác, vừa tăng cường luân chuyển nhân viên y tế chuyên môn cao ở bệnh viện tuyến tỉnh về hỗ trợ các địa phương, vừa đào tạo chuyên môn sâu cho các nhân viên y tế tuyến huyện, xã.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát từng đối tượng, kêu gọi người dân tiêm ngừa để tăng độ bao phủ vaccine trên địa bàn, giảm mức độ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, giảm tử vong do chuyển nặng.

Nhân viên y tế phường Hiệp Ninh hướng dẫn F0 sử dụng gói thuốc điều trị tại nhà.

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Sơn, ngành Y tế đưa ra nhiều giải pháp, một số giải pháp đã phát huy hiệu quả, còn một số vẫn đang trong giai đoạn triển khai, như nhóm zalo “Tư vấn F0”, app Tây Ninh Smart quản lý F0 khi có ca nhiễm tại địa phương... “Lời khuyên đầu tiên là chúng ta phải tìm hiểu một cách kỹ lưỡng hơn về bệnh lý này. Nếu chúng ta có đầy đủ điều kiện tiếp cận thì nên đến trạm y tế để được test nhanh hoặc tự test ở nhà.

Có tỷ lệ nhỏ khi test nhanh cho kết quả “âm tính giả”, nhưng không nhiều nên người dân hãy an tâm. Nếu tự test nhanh có kết quả âm tính thì theo dõi thêm tình trạng của mình tại nhà”- bác sĩ Sơn chia sẻ.

Ông nói thêm: “Nhiều người chỉ sốt, ho và chưa có bất kỳ triệu chứng khác, không tiếp xúc với F0 nhưng cho rằng mình bị nhiễm dẫn đến tâm lý không ổn định, hốt hoảng gọi điện liên tục cho nhân viên y tế.

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Sơn: “Thật sự, nếu riêng ngành Y tế không thì hiện nay rất quá tải để có thể đáp ứng tất cả các nhiệm vụ phòng, chống dịch. Tuy nhiên, có sự hỗ trợ của chính quyền, vấn đề nhân lực y tế cũng được giải quyết một phần”.

Việc người dân lên mạng để tìm hiểu về bệnh và các triệu chứng khi nhiễm bệnh là điều tốt nhưng không nên chủ quan và cũng không được hoảng loạn. Bên cạnh đó, người dân hãy có sự cảm thông với những người đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch”.

Tâm Giang - Ngọc Bích

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp