2 cháu bé được điều trị tại Khoa Nhi BVĐK Tây Ninh.
Ăn mì xào nấm, 3 người cùng nhập viện
Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết, ngày 10.6, Khoa Cấp cứu tiếp nhận 3 ca ngộ độc là 3 cha con sau khi ăn mì xào nấm mì, trong đó có 2 trẻ em. Cả 2 bé đang được điều trị tích cực tại Khoa Nhi; còn tình trạng người cha đã ổn, đang tiếp tục theo dõi tại Khoa Nội B.
Theo lời kể của bệnh nhân T.C.L (43 tuổi, ngụ ấp Tân Minh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên), vào ngày 9.6, anh hái nấm mì gần bãi phơi mì của một nhà máy ở Tân Biên. Sau khi ngâm, rửa sạch với nước muối, anh cho vào hộp nhựa và cất trong tủ lạnh. Đến sáng 10.6, anh lấy khoảng 200g nấm ra chần lại nước nóng, sau đó xào với mì tôm, cải thìa cho 2 con cùng ăn, riêng người vợ ăn mì tôm với nước sôi (không có nấm).
Sau khi ăn khoảng 45 phút, bé trai L.T.N (SN 2016) có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Tiếp đó (khoảng 10 giờ), bé T.P.H.N (SN 2017) cũng có triệu chứng tương tự nên gia đình đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tân Biên.
Tại đây, cả hai bé không có dấu hiệu thuyên giảm nên TTYT huyện đã làm thủ tục chuyển về BVĐK tỉnh điều trị. Lúc này, ông L cũng theo 2 con để tiện chăm sóc. Tuy nhiên, khi đưa các con đến BVĐK tỉnh, ông L có triệu chứng nôn ói, đau bụng nhẹ nên nhập viện cùng 2 con vào lúc 12 giờ 25 phút cùng ngày. Bác sĩ chẩn đoán cả 3 nhiễm trùng đường ruột, ngộ độc nấm mì.
Bác sĩ Võ Thị Ánh Hà- Trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết, hiện tại, tình trạng sức khoẻ 2 bé đã ổn, phản ứng lanh, tiếp tục theo dõi, điều trị.
Nhắc tới sự việc đau lòng của gia đình 3 người gần nhà bị ngộ độc sau khi ăn nấm rừng ở xã Tân Bình mới đây, trong đó có 2 người tử vong là anh C.H.H (43 tuổi) và chị K.T.H.T (44 tuổi), anh L bày tỏ: “Nấm tôi xào cho các con ăn là loại nấm mì ở khu vực nhà máy tôi đang làm việc. Đã nhiều năm chúng tôi ăn loại nấm này, nhưng sau vụ việc hôm nay, chúng tôi không bao giờ hái nấm về ăn nữa, để tránh ảnh hưởng tới sức khoẻ, nguy hiểm tính mạng”.
Nấm mì do anh T.C.L hái về làm thức ăn cho gia đình (ảnh nhân vật cung cấp).
Ăn cháo nấm rừng, 1 bé trai nguy kịch
Cũng tại BVĐK tỉnh, ngày 9.6, Khoa Cấp cứu tiếp nhận một trường hợp ngộ độc do ăn nấm rừng, đó là bé N.T.K (10 tuổi, ngụ xã Thuận An, huyện Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương). Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm, khoảng 18 giờ 15 phút ngày 9.6, cháu K được ba mẹ đưa vào viện trong tình trạng nôn ói, mệt mỏi toàn thân, tiêu chảy nhiều lần.
Người nhà cho biết cháu K ăn cháo nấm (không rõ loại nấm) với ông bà nội, khoảng 2-3 giờ sau ăn thì bắt đầu nôn ói, tiêu chảy nhiều lần, gia đình lập tức đưa cháu cấp cứu tại BVĐK tỉnh. Sau khi được cấp cứu, điều trị, đến sáng 10.6, cháu K được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP. Hồ Chí Minh.
“Cháu bé vẫn trong giai đoạn nguy kịch, các xét nghiệm chức năng gan và cận lâm sàng khác nằm ngoài giới hạn cho phép, đang tiếp tục điều trị, chăm sóc, theo dõi sát sao tại BV Nhi Đồng 2”- bác sĩ Tâm cho hay.
Ngộ độc nấm là ngộ độc do ăn phải nấm có chứa chất độc hại. Tuỳ thuộc vào các loại nấm độc, các triệu chứng có thể thay đổi từ khó chịu nhẹ ở đường tiêu hoá đến suy nội tạng dẫn đến tử vong. Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết thêm, sau 6 giờ nấm độc đi vào cơ thể, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng, biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng; tuy nhiên, có những trường hợp kéo dài đến 3 ngày. Khi không may ngộ độc nấm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Theo bác sĩ Tâm, ngoài các biểu hiện, triệu chứng ban đầu như nôn ói, chóng mặt, tiêu chảy, bệnh nhân bị ngộ độc nấm sẽ rất khó cảm nhận sự thay đổi trong cơ thể khi độc tố lan đến gan, thận, đặc biệt ở thời điểm các cơ quan bị nhiễm độc suy yếu, sau đó lây lan ra các bộ phận khác, gây suy đa tạng và dẫn đến tử vong.
“Có rất nhiều loại nấm mọc ngoài tự nhiên, rất khó để phân biệt nấm độc, nấm không độc. Người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nấm không biết chắc chắn về nguồn gốc, chủng loại”- bác sĩ Tâm khuyến cáo.
Tâm Giang