Bà Châu Thị Phá bên chồng và các cháu (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)
Tuổi thơ gian khó
Bà Châu Thị Phá, dân tộc Hoa, mồ côi mẹ từ lúc vừa tròn 3 tuổi, bà sống với cha tại Campuchia đến năm 9 tuổi cha cũng qua đời, bà được dì đem về nuôi cùng 11 anh chị em họ khác cũng mồ côi cha mẹ tại Tân Hội, Tân Châu, Tây Ninh. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng bà ý thức và hiểu được hoàn cảnh nên rất chăm chỉ làm việc phụ giúp dì, hằng ngày gánh bún đi bán kiếm tiền chia sẻ gánh nặng với dì.
Đến năm 16 tuổi, bà Phá được gả vào một gia đình người dân tộc Hoa ở xã Tân Bình, huyện Tân Biên. Gia đình chồng gồm 3 thế hệ, không ai có nghề nghiệp ổn định, cả nhà chỉ trông cậy vào 5 công ruộng.
Khi về làm dâu, bà tiếp tục phát huy “cái duyên” buôn bán bằng cách đổ bánh kẹp rồi đạp xe đi bán khắp huyện, khi nhiều người làm theo thì bà lại chuyển sang bán các loại thức ăn vặt khác mà chưa ai bán.
Cứ như thế, một tay bà lo cho cả gia đình và tích cóp từng đồng ít ỏi, mong một ngày đủ điều kiện ra riêng. Nhưng khi bà tích luỹ mua được mảnh đất chuẩn bị xây dựng gia đình nhỏ của riêng mình thì bà nội chồng đổ bệnh, mẹ chồng thì yếu, các em đã xây dựng gia đình riêng, vợ chồng bà chọn ở lại để lo tròn đạo hiếu.
Vượt qua nghịch cảnh
Sau khi 4 con (2 trai, 2 gái) lần lượt ra đời, cả nhà lâm cảnh sống rày đây mai đó, từ Tân Bình qua Xóm Chàm, tới Thạnh Sơn rồi về Tân Lập. Để con cái được học hành đàng hoàng, bà Phá và chồng quyết định ở lại xã Tân Lập. Bà bàn với chồng đem hết tiền bạc dành dụm bấy lâu để mua máy chà lúa về chà lấy công và kinh doanh gạo, cám.
Từ đó, gia đình bà có thu nhập ổn định, bớt gánh nặng về cơm áo, gạo tiền. Bà dành thời gian chăm sóc gia đình nhiều hơn. Cảnh nhà khó khăn nhưng vợ chồng bà Phá không để con cái thất học, vợ chồng bà luôn dạy các con chăm ngoan, biết nhường nhịn, quan tâm, chia sẻ lẫn nhau. Hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, các con của bà đều rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, noi gương cha mẹ, sống hiếu thảo, kính trên nhường dưới, thương yêu, giúp đỡ mọi người.
Đến lúc con trai lớn vào đại học, máy chà lúa tại thời điểm đó đã “lỗi thời”, bà chuyển sang mở quán bán cà phê. Được sự đồng lòng của chồng, lại nhờ vào cái duyên buôn bán của bà nên cái quán nhỏ có rất đông khách, giúp gia đình bà vơi đi gánh nặng kinh tế một lần nữa.
Những tưởng hạnh phúc đến với gia đình bà sau ngần ấy năm bươn chải vất vả, nhưng một lần nữa bà gần như gục ngã, khi người con thứ 2- cô con gái xinh xắn vừa đến tuổi trăng tròn (15 tuổi) bị tai nạn giao thông qua đời.
Hạnh phúc đong đầy
Trải qua bao thăng trầm, đến nay, gia đình bà Phá có được cuộc sống bình an. 3 người con của bà đều đã thành danh, có nghề nghiệp ổn định, gia đình hạnh phúc. Trong đó, người con trai cả là Phó Giám đốc Ngân hàng Sacombank chi nhánh tỉnh Tây Ninh, cô con gái lấy chồng nước ngoài, người con trai út có vợ và 2 con ở cùng bà.
Giờ đây, ở tuổi xế chiều, bà thảnh thơi quây quần bên con cháu và dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội. Bà tích cực trong mọi phong trào, hoạt động do Hội LHPN xã Tân Lập phát động.
Bà thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ nhiều phụ nữ nghèo, khó khăn từ vật chất lẫn tinh thần, động viên các chị vượt khó, vươn lên. Với tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp, bà luôn được bà con lối xóm yêu thương, quý mến.
Chị Phạm Thuỳ Linh- Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lập cho biết: “Cô Phá không chỉ là tấm gương sáng nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn là hội viên phụ nữ rất tích cực tham gia các phong trào do Hội phát động, được chị em phụ nữ trong xóm yêu quý và mến phục.
Hằng năm vào dịp tết nguyên đán, gia đình cô cùng với Hội chăm lo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm cô hỗ trợ 100 phần quà trị giá 30 triệu đồng. Gia đình cô hằng năm đều được công nhận gia đình văn hoá tiêu và được biểu dương gương ông bà, cha mẹ mẫu mực”.
Ngọc Vũ