Yêu cầu đặt ra là học trực tiếp khi có 80% học sinh đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Dương Đức Kiên
Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục, nhà trường rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp bảo đảm an toàn; rà soát tình hình đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhân viên của các trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh; phối hợp với ngành Y tế ưu tiên tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên của trường.
Đối với các trường học đang được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng, chống dịch... cần nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện, khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đi học trực tiếp trở lại. Rà soát cơ sở vật chất, thiết bị hiện có, có phương án sửa chữa, bổ sung đủ các trang thiết bị phòng, chống dịch theo yêu cầu an toàn trường học trong tình hình mới.
Đối với trường học có tổ chức bếp ăn nội trú, bán trú, tổ chức triển khai thực hiện các hướng dẫn về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 tại các bếp ăn trong trường học. Rà soát, bổ sung hoàn thiện các điều kiện dạy và học trực tuyến, bảo đảm tổ chức dạy học cho các học sinh không thể tham gia học trực tiếp do học sinh ở vùng đang có dịch, đang bị cách ly...
Có thể áp dụng phương án giáo viên vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến cho những học sinh không học trực tiếp. Điều kiện đối với giáo viên tham gia dạy học trực tiếp là giáo viên được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Đối với các trường hợp đặc biệt, các cơ sở giáo dục xin ý kiến Sở. Trước khi tổ chức dạy học trực tiếp 15 ngày, phải có ít nhất 80% học sinh được tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19.
Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên lưu ý, trước khi học sinh đến trường cần xây dựng kế hoạch giáo dục, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhả trường phù hợp với điều kiện thực tiễn dịch bệnh tại địa phương. Nhà trường bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học, chú ý đến các yếu tố liên quan đến người khuyết tật.
Cơ sở giáo dục, nhà trường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, công tác y tế trường học cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thông qua các hệ thống thông tin, mạng xã hội hoặc hệ thống thông tin sẵn có của nhà trường.
Yêu cầu học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo dõi sức khoẻ tại nhà và đeo khẩu trang trên đường đến trường; thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Kiện toàn bộ phận thường trực về công tác y tế trường học, tổ an toàn Covid-19, bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế bảo đảm theo quy định; tổ chức hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường.
Khi học sinh đến trường, phải bảo đảm học sinh được giao nhận tại cổng trường (cha mẹ học sinh/người đưa học sinh không vào trong khuôn viên nhà trường). Nhà trường thực hiện vệ sinh các khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, phương tiện đưa đón học sinh (nếu có) sau mỗi lần đưa đón theo quy định, bố trí thùng rác có nắp đậy tại vị trí phù hợp. Kiểm tra, bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn nhanh và các vật dụng cần thiết khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.
Khi học sinh kết thúc buổi học, bảo đảm học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang khi rời trường trở về nhà. Bảo đảm học sinh được giao nhận tại cổng trường (cha mẹ học sinh/người đưa học sinh không vào trong khuôn viên nhà trường).
Đối với Trường CĐSP, Sở GD&ĐT yêu cầu nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn dịch bệnh tại địa phương.
Người học, cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên đeo khẩu trang trên đường đến trường và về nhà, khi tiếp xúc với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở và khi có yêu cầu của cán bộ y tế. Kiện toàn bộ phận thường trực về công tác y tế trường học, phòng y tế phải có đủ trang thiết bị y tế theo quy định và có phòng riêng để cách ly người học, cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên có biểu hiện ốm đau, sốt, ho, khó thở. Người học, cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì chủ động nghỉ ở nhà, đo thân nhiệt, khai báo y tế.
Đối với các đơn vị, trường học có ký túc xá, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 tại khu ký túc xá theo quy định. Nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại khu ký túc xá; người học, cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và khách đến ký túc xá phải khai báo y tế và đeo khẩu trang theo quy định.
Sở GD&ĐT yêu cầu nhà trường, cơ sở giáo dục tuỳ tình hình cụ thể, có thể dạy học trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương. Thủ trưởng các đơn vị, trường học hoàn thiện kế hoạch giáo dục của trường với hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến linh hoạt; có thể chuyển sang hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến ngay khi có yêu cầu.
Khi tổ chức dạy học trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến, đơn vị, trường học căn cứ điều kiện thực tế quyết định kế hoạch dạy học cho từng môn học, lớp, khối lớp. Đối với bậc học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Đ.V.T