Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuctayninh.com, cảm ơn !

Hãy trở thành bạn đồng hành cùng con trên không gian mạng - Báo Tây Ninh Online

Thứ tư - 05/07/2023 01:27
Trẻ em tham gia trò chơi do Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức. Ảnh minh hoạ Chị Tống Đan Thiên chia sẻ, từ lúc các con còn nhỏ,...

Trẻ em tham gia trò chơi do Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức. Ảnh minh hoạ

Chị Tống Đan Thiên chia sẻ, từ lúc các con còn nhỏ, gia đình đã hạn chế không cho con sử dụng điện thoại vì lo con tiếp cận nhiều thông tin khó kiểm chứng hay dễ sa đà vào game mà bỏ bê học hành.

Con gái chị đến năm lớp 7 bắt đầu sử dụng điện thoại để học online dưới sự giám sát của cha mẹ. Chị Thiên nói: “Tôi để ý con hay xem những gì để nhắc nhở kịp thời.

Và đến hiện tại thì tôi khá an tâm về cách sử dụng điện thoại thông minh và tiếp cận nội dung thông tin của con”. Chị Thiên còn đồng hành, kết bạn cùng con trên mạng xã hội, tạo không khí trò chuyện giữa mẹ và con, lắng nghe tâm tư, vấn đề của con gái.

Chị Thiên cho rằng nếu sử dụng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả. Một học trò của chị vì điều kiện không thể tham gia nhiều lớp học thêm, em chỉ đăng ký và tìm hiểu bài học qua Internet nhưng sức học ổn và thi đỗ đại học.   

Chị Võ Thị Thu Trang, ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu có con gái năm nay sẽ vào lớp 12. Chị Trang chia sẻ, con chị đã được gia đình cho sử dụng điện thoại từ những năm học cấp hai.

Chị Trang cho rằng việc cho con dùng điện thoại như là phần thưởng khích lệ trong học tập. Có lúc con sử dụng điện thoại lên mạng quá nhiều, gia đình kịp thời khuyên bảo nên con gái dần thay đổi, học hành chăm chỉ. Bên cạnh đó, chị Trang và con gái còn kết bạn qua mạng xã hội Zalo, tạo sự gắn kết giữa mẹ và con gái.

Không thể phủ nhận lợi ích của internet và mạng xã hội mang đến cho con người- đặc biệt đối với giới trẻ- từ công việc, học tập đến giải trí. Các thiết bị công nghệ như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi... có kết nối mạng đã trở nên quen thuộc với mọi người, trong đó có trẻ em.

Tuy nhiên, làm sao để khai thác những ưu thế của các thiết bị công nghệ này, phục vụ cho nhu cầu phát triển tri thức, đem lại các giá trị tinh thần, đồng thời hạn chế những tác động, hệ quả tiêu cực đối với mỗi cá nhân, nhất là trẻ em- đó là mối quan tâm của toàn xã hội và mỗi gia đình hiện nay.

Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Dũng- giảng viên Trường đại học quốc tế Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: công nghệ giúp rút ngắn thời gian, xoá dần khoảng cách giữa người với người. Mạng xã hội cho các mối quan hệ thêm thắt chặt, tìm thấy những mối quan hệ bị thất lạc; giúp bày tỏ những điều khó nói trực tiếp giữa vợ chồng, con cái với cha mẹ.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Dũng chia sẻ: “Quan điểm của tôi, nếu chúng ta để con trẻ một mình với chiếc điện thoại thông minh, tự bơi trên không gian mạng chẳng khác nào chúng ta đang nhường “quyền làm cha mẹ” cho những thứ vô tri này. Cho nên, thay vì khoán trắng con cái cho điện thoại, ti vi, chúng ta nên dành thời gian chơi với con”.

Ông lý giải thêm, một số ba mẹ ít dành thời gian chơi cùng con cái, do ảnh hưởng công việc hay ý muốn hưởng thụ tự do cá nhân quá cao, cho nên cần nhìn nhận lại vấn đề và sắp xếp cho phù hợp.

Cha mẹ nên trở thành người bạn đồng hành cùng con trên không gian mạng, bởi vì chúng ta có thể nắm được tâm tư, tình cảm của trẻ, biết được xu thế, hành vi, ứng xử của con mình trên không gian mạng. Ví dụ, người lớn có thể phân tích những sự kiện, trường hợp bị xâm hại, lạm dụng để con thấy được nguy cơ từ đâu, cách thức phạm tội…

Từ đó giúp trẻ có thể nhận diện và tránh được những điều tương tự. Như vậy, nếu sử dụng không gian mạng hiệu quả, chúng ta có thể tạo ra một “kháng thể” chống lại cám dỗ cho các con trên chính không gian mạng. Hãy biết cách sử dụng để biến ti vi, điện thoại thông minh trở thành một phương tiện giải trí chung cho cả nhà, vừa tránh lãng phí, vừa tạo sự gắn kết.

Có thể nói, không gian mạng là một thế giới mở mà ở đó chúng ta được "miễn phí" trau dồi tri thức, tìm hiểu phương pháp dạy con em mình. Gia đình luôn là thành trì kiên cố, là nơi tạo “kháng thể” vững bền cho con em chúng ta.

Theo Tiến sĩ Dũng, cha mẹ là tấm gương cho con cái, không thể dạy bảo con khi chúng ta chỉ chăm chú vào điện thoại, điều đó sẽ phản tác dụng. Cha mẹ hãy cùng chơi và làm gương cho con cái khi tiếp cận không gian mạng.

Hiện nay, mạng xã hội như một rừng thông tin, có những thông tin chưa được kiểm chứng. Những thông tin phổ biến, được nhiều người tương tác không có nghĩa là đúng. Vì vậy, lời khuyên cho các bậc cha mẹ khi muốn tận dụng không gian mạng: mặc dù có nhiều kênh thông tin để tham khảo nhưng phải luôn tỉnh táo và thận trọng khi tiếp nhận.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, cha mẹ cần xem lại đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, không gian vui chơi cho các con chưa? Nếu không đáp ứng được thì việc các con tự tìm nhu cầu vui chơi trên thế giới ảo bằng ti vi, điện thoại thông minh là tất yếu.

Trẻ em tham gia trò chơi do Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức. Ảnh minh hoạ

Giải pháp đưa ra- theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Dũng- cần thành lập các tổ/nhóm sinh hoạt cộng đồng cho thiếu nhi ngày cuối tuần từ tuyến cơ sở. Tổ chức các hoạt động như đọc sách, vẽ tranh, ẩm thực, văn hoá dân gian…

Kế đến, kết nối mạng lưới giáo dục từ nhà trường, gia đình đến khu phố. Các tổ tư vấn cộng đồng từ cơ sở giúp kết nối gia đình với chuyên gia để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thực tế có tỉnh đã triển khai và làm hiệu quả, gia đình được kết nối với chuyên gia nghe tư vấn trong thời gian dài và xử lý hiệu quả các tình huống gặp phải.

Vi Xuân - Ngọc Giàu

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp