Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Giáo dục phổ thông sau 3 năm đổi mới: Nhiều bất cập Bài 2: “Ước mơ chỉ có một bộ sách giáo khoa” - Báo Tây Ninh Online

Thứ năm - 05/01/2023 18:39
BTN - Một số giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (thị xã Hoà Thành) nhận xét, chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới có nhiều ưu điểm, “chưa thấy hạn chế”; thiết kế SGK ​tốt, giấy đẹp nhưng thiết bị dạy học chưa có, sách giáo viên cũng chưa có.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Hoà Thành).

Không có thời gian đọc trọn vẹn 5 bộ sách giáo khoa

Tại buổi làm việc với UBND thị xã Hoà Thành, các đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh và Huỳnh Thanh Phương đặt nhiều câu hỏi về việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK có bất cập không? Nên chăng chỉ có một bộ SGK? Phòng học một số trường trên địa bàn Hoà Thành xuống cấp, làm sao đáp ứng yêu cầu chuyên môn của chương trình giáo dục phổ thông mới? Có ý kiến việc SGK thiếu vắng những bài giáo dục tinh thần cách mạng...

Lãnh đạo Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu cho biết nhà trường đủ giáo viên để bố trí giảng dạy các môn học mới. Việc chọn sách, mỗi giáo viên phải đọc 5 bộ SGK trước khi đưa ra lựa chọn, giáo viên không có thời gian đọc, do đó, năm học trước chọn SGK Cánh diều thì năm sau cũng chọn bộ Cánh diều.

Bình luận về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lãnh đạo nhà trường cho rằng, một số quy định không hợp lý, ví dụ lấy văn bản thông tin ở ngoài SGK cho học sinh làm bài nhằm tránh tình trạng "học vẹt" nhưng lại nảy sinh bất cập khác.

Còn ưu điểm, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu cho rằng chương trình được tự do chọn sách. Trong khi đó, một giáo viên bày tỏ: “Ước mơ của em là Bộ GD&ĐT tự chọn cho cả nước một bộ SGK lớp 5” (khi thay SGK lớp 5). Như vậy, có thể thấy, chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, cho đến nay, dù đã triển khai ba năm nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau.

Đề nghị giảm tải nội dung chuyên đề

SGK Tiếng Anh lớp 10 tương đối dài, có tiết học đến hai chủ điểm, một số nội dung trong sách trùng lặp, học sinh phải khá giỏi mới theo được nội dung SGK, học sinh yếu, trung bình gặp khó khăn. Nhà trường có đủ điều kiện thiết bị để dạy môn học này nhưng nên cắt một số nội dung trong sách”- giáo viên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Hoà Thành) nêu ý kiến.

Đối với môn Ngữ văn, qua một học kỳ triển khai ở lớp 10, giáo viên nhận thấy SGK có sự thay đổi so với SGK cũ, học sinh vận dụng tốt. Tuy nhiên, nội dung SGK nặng, bài học dài. Mặt khác, học sinh lớp 9 chậm thích ứng với SGK lớp 10 của chương trình mới. Tài liệu tham khảo dành cho SGK mới cũng còn hạn chế. Giáo viên dạy môn Ngữ Văn đề xuất xem xét giảm tải nội dung chuyên đề, vì kiến thức phần này rất nặng.

Tương tự, giáo viên môn Toán nhận xét, phần chuyên đề môn học cũng khá nặng, chuyên đề môn Toán có cả kiến thức Vật lý, Hoá học, Sinh học. Riêng học sinh nhóm tổ hợp môn xã hội không thể học được phần chuyên đề môn Toán. Thời lượng 45 phút một tiết học không thể chuyển tải, khó hoàn thành nội dung bài học. Giáo viên môn Vật lý nêu ý kiến, bài học hơi dài so với thời gian một tiết học; môn học cần thí nghiệm nhiều nhưng chưa có thiết bị dạy học.

Cũng như giáo viên môn Vật lý, giáo viên môn Sinh học thông tin, đến nay chưa có thiết bị dạy học dành cho môn Sinh. Hiện tại, cả thầy và trò chưa hình dung được việc thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào.

Tại buổi làm việc với UBND thị xã Hoà Thành, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu vấn đề thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển, làm thế nào bố trí đủ giáo viên theo quy định.

Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, qua nghiên cứu ông cho rằng phương pháp, cách thức dạy học hiện nay hay hơn chương trình cũ, vì nó cung cấp công cụ để học sinh giải quyết vấn đề, không phải học thuộc lòng. Bà Hoàng Thị Thanh Thuý nêu vấn đề giáo viên dạy môn học mới, tài liệu giáo dục địa phương như thế nào?

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hoà Thành báo cáo, địa phương đang thiếu tổng cộng 93 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; đủ giáo viên dạy ngoại ngữ cho học sinh lớp 3 nhưng có trường dạy bốn tiết, có trường chỉ hai tiết, “một số giáo viên phải dạy liên trường (nhiều trường) trên cùng một địa bàn để đủ định mức tiết học”.

“Lớp 1 học sách Cánh diều, lớp 2 học sách Chân trời sáng tạo, lớp 3 lại học sách Cánh diều, chúng tôi thừa nhận điều này bất cập”- lãnh đạo thị xã Hoà Thành nói. Cũng như một số ý kiến của địa phương khác, lãnh đạo UBND thị xã Hoà Thành bình luận, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có hai môn tích hợp ở cấp THCS gồm Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên thật sự có nhiều bất cập cả trong chuyên môn lẫn việc bố trí giáo viên.

Cho học sinh mượn sách giáo khoa

Từ thực tế của địa phương sau ba năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, UBND thị xã Hoà Thành đề nghị các cấp quản lý xem xét có chế độ ưu tiên, hỗ trợ SGK cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, vì giá sách khá cao so với trước. Ngành Giáo dục, chính quyền địa phương đánh giá việc tập huấn cho giáo viên bằng hình thức trực tuyến hiệu quả không cao, cần chuyển toàn bộ các lớp tập huấn, bồi dưỡng sang hình thức trực tiếp.

Liên quan đến vấn đề cho học sinh mượn SGK, mặc dù đã có chủ trương của Trung ương nhưng chưa triển khai trên thực tế. Theo kế hoạch ban đầu, học sinh được mượn SGK từ năm học 2022-2023 nhưng sau đó phải lùi lại, vì không chuẩn bị kịp. Căn cứ quy định hiện hành và trên cơ sở số liệu hiện có, Sở GD&ĐT đề xuất, từ năm học 2023-2024, Tây Ninh sẽ mua SGK cho 70% học sinh mượn, trong đó, 70% ngân sách trung ương, địa phương 30%.

Tuy vậy, đây chỉ mới là tính toán sơ bộ tại thời điểm này, vì quyết định mua SGK cho học sinh mượn còn nhiều việc phải làm, tính toán, cân nhắc để tránh lãng phí. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa, không phải một huyện hay một tỉnh, ngay trong mỗi trường học cũng có nhiều bộ sách (một bộ sách giáo khoa của học sinh là tập hợp sách của các nhà xuất bản khác nhau). Vì thế, việc đấu thầu, mua sắm, phát từng bộ sách cho học sinh khá phức tạp.

Theo thời gian và sự thay đổi về chính sách, giá SGK hiện nay cao hơn so với trước. Những năm 90 của thế kỷ XX, mặc dù đã xoá bỏ cơ chế bao cấp nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam- đơn vị duy nhất được Ngân hàng Thế giới cho vay ưu đãi một khoản tiền lớn để tăng cường cho khâu làm bản thảo, in ấn, phát hành. 10 năm đầu, nhà xuất bản không phải trả lãi, 30 năm tiếp theo chỉ phải trả lãi suất 0,06%/tháng.

Bằng sự ưu đãi đó, giá SGK suốt mấy chục năm qua rất rẻ, có cuốn chỉ vài ngàn đồng. Tình hình thay đổi có tính bước ngoặt khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho phép xã hội hoá SGK. Ngân sách không bao cấp và không còn nhận được ưu đãi đặc biệt của các định chế tín dụng, tài chính quốc tế, các đơn vị xuất bản tự hạch toán, do đó, giá SGK Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn trước đây là không có gì khó hiểu.

Việt Đông

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp