Bà Dương Thị Thu Hiền - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt theo Quyết định số 488/QĐ-KHĐT ngày 27.10.2017, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 10,9 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, trong đó, kinh phí xây dựng khoảng 8,2 tỷ đồng; thiết bị 853 triệu đồng; các khoản khác (quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, dự phòng) 1,8 tỷ đồng.
Quy mô công trình gồm đê bao dài 2.667 m và công trình dưới đê; hệ thống điện trung thế; 1 trạm bơm điện. Công trình được khởi công xây dựng năm 2018, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 6.5.2019.
Sau khi đưa vào sử dụng, đê bao đã phát huy tác dụng ngăn lũ và chủ động tưới cho 267 ha. Thời vụ gieo trồng lúa, hoa màu bảo đảm chính vụ hơn so với trước khi có đê bao, hạn chế phụ thuộc vào thiên nhiên, nâng cao hệ số vòng quay của đất, năng suất cây trồng càng tăng. Đê bao kết hợp đường giao thông cũng tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hoá, vật tư nông sản thuận lợi.
Tuy nhiên, dự án còn một số hạn chế như: trạm bơm điện và các công trình dưới đê chưa được vận hành theo cơ chế vận hành khai thác đã đề ra nên chưa phát huy hiệu qua bảo đảm tưới tiêu triệt để, còn tình trạng bị ngập úng vào những năm mưa nhiều.
Từ khi nhận bàn giao tháng 5.2019 đến nay, hệ thống trạm bơm và các cống đê chưa được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, hiện đang xuống cấp. Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của dự án.
Quang cảnh hội thảo.
Hội đồng giám định xã hội phân tích các mặt đạt được, chưa được, nguyên nhân; đóng góp ý kiến nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; kiến nghị, đề xuất giải pháp để việc quản lý, khai thác, sử dụng đê bao tốt hơn trong thời gian tới, kiến nghị giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Tây Ninh là đơn vị quản lý, khai thác, bảo vệ công trình.
Sở NN&PTNT nghiên cứu có cơ sở khoa học thực tiễn nhằm định hướng nông dân trong vùng dự án loại cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, điều kiện phát triển kinh tế của xã để chuyển đổi cây trồng; đánh giá khả năng mở rộng quy mô vùng bảo vệ và đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ cho dự án nhằm nâng cao khả năng khai thác, phục vụ. Đơn vị quản lý, khai thác và bảo vệ công trình đê bao sau khi tiếp nhận phải xây dựng quy định toàn diện về công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng, bảo trì công trình...
Giang Hà