Đối tượng đóng Quỹ còn là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động trên địa bàn tỉnh là 27.082 người/1.059 cơ quan (chưa tính tổng số người trong đơn vị lực lượng vũ trang); người lao động trong doanh nghiệp hoặc chi nhánh thuộc doanh nghiệp và người lao động tại cơ sở giáo dục ngoài công lập đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; người lao động khác, trừ các đối tượng đã nêu trên.
Đóng Quỹ 1 lần mức tối đa 100 triệu đồng
Theo quy định, doanh nghiệp đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai 1 lần cho năm 2022 với giá trị là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính năm 2021 của tổ chức báo cáo cho cơ quan thuế nhưng tối thiểu là 500 ngàn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.
Người lao động từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động trong doanh nghiệp, chi nhánh thuộc doanh nghiệp và người lao động tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập đóng một phần hai của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP (½ x mức lương tối thiểu vùng/26 ngày làm việc).
Cụ thể, người lao động trong các trong doanh nghiệp, chi nhánh thuộc doanh nghiệp và người lao động tại cơ sở giáo dục ngoài công lập đang làm việc tại thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành và huyện Gò Dầu thuộc vùng II, mức đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2022 là 80.000 đồng/người/năm (½ x 4.160.000 đồng/26 ngày làm việc = 80.000 đồng).
Người lao động trong các trong doanh nghiệp, chi nhánh thuộc doanh nghiệp và người lao động tại cơ sở giáo dục ngoài công lập đang làm việc tại các huyện còn lại của tỉnh Tây Ninh thuộc vùng III, mức đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2022 là 70.000 đồng/người/năm (½ x 3.640.000 đồng/26 ngày làm việc = 70.0000 đồng).
Về hình thức thu, Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm thông báo cụ thể số tiền đóng góp Quỹ của doanh nghiệp do Cục Thuế tỉnh trực tiếp quản lý.
Giám đốc Doanh nghiệp do Cục Thuế tỉnh trực tiếp quản lý có trách nhiệm thu và nộp tiền đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai của đơn vị và người lao động trong đơn vị mình vào tài khoản của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Tây Ninh.
UBND cấp huyện có trách nhiệm thông báo cụ thể số tiền đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai của doanh nghiệp do chi cục Thuế khu vực các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý.
Giám đốc doanh nghiệp do chi cục Thuế khu vực các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý có trách nhiệm thu và nộp tiền đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai của đơn vị và người lao động trong đơn vị mình vào tài khoản của UBND cấp huyện do UBND tỉnh ủy quyền.
Đối tượng công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và người lao động khác trên địa bàn tỉnh
Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai 1 lần cho năm 2022 theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP như sau:
Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động trên địa bàn đóng một phần hai của mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng: 34.000 đồng/người/năm (½ x 1.490.000 đồng/22 ngày làm việc =33.863 đồng, làm tròn 34.000 đồng/người/năm. Người lao động khác, trừ các đối tượng đã nêu trên đóng 10.000 đồng/người/năm.
Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương
Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm thông báo mức đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, lực lượng vũ trang.
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, lực lượng vũ trang, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thu Quỹ phòng, chống thiên tai của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình và nộp vào tài khoản của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Tây Ninh.
UBND cấp huyện có trách nhiệm thông báo mức đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai của phòng, ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội cấp huyện, UBND cấp xã, lực lượng vũ trang cấp xã, các trường học trên địa bàn (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) trên địa bàn.
Thủ trưởng phòng, ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội cấp huyện, UBND cấp xã, lực lượng vũ trang cấp xã, các trường học trên địa bàn có trách nhiệm thu Quỹ phòng, chống thiên tai của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình (trừ các đơn vị trực thuộc sở, ngành tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn) và chuyển vào tài khoản UBND cấp huyện do UBND tỉnh ủy quyền.
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã trực tiếp thu Quỹ phòng, chống thiên tai của đối tượng công dân là người lao động khác trên địa bàn và chuyển vào tài khoản UBND cấp huyện do UBND tỉnh ủy quyền. Việc thu Quỹ phòng, chống thiên tai bằng tiền mặt phải có chứng từ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai trước ngày 15.11.2022. Đối tượng được miễn, giảm đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP.
Đối tượng nào được miễn, giảm?
Về trình tự miễn, giảm hoặc tạm hoãn đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai, đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp thuộc đối tượng được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2022 gửi văn bản đề nghị giảm hoặc tạm hoãn đóng Quỹ phòng, chống thiên tai, kèm theo Giấy chứng nhận đầu tư.
Doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhà xưởng, thiết bị khi phải tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn (0,02%) tổng giá trị tài sản của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 5 (năm) ngày liên tục trở lên có xác nhận của UBND cấp huyện.
Doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị miễn đóng Quỹ Phòng, chống thiên tai năm 2022, kèm theo biên bản đánh giá thiệt hại của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã, như sau:
Đối với doanh nghiệp do Cục Thuế tỉnh trực tiếp quản lý thì báo cáo về Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Tây Ninh; đối với Doanh nghiệp do Chi cục Thuế khu vực huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý thì báo cáo về UBND cấp huyện.
Công dân là cán bộ, công chức, người lao động tại cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh: Thủ trưởng cơ quan, tổ chức tổng hợp, báo cáo các trường hợp là đối tượng công dân được miễn đóng Quỹ phòng, chống thiên tai theo khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP của đơn vị mình gửi về Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Tây Ninh (đối với cơ quan, tổ chức cấp tỉnh; doanh nghiệp do Cục Thuế tỉnh trực tiếp quản lý), UBND cấp huyện (đối với cơ quan, đơn vị do UBND cấp huyện quản lý; doanh nghiệp do chi cục Thuế khu vực các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý) để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Đối với công dân là người lao động khác, UBND cấp huyện quyết định miễn đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai theo đề nghị của UBND cấp xã được quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP.
Trường hợp các đối tượng đã đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai, nếu được xét miễn, giảm, tạm hoãn thì số tiền đã nộp được trừ vào số tiền đóng Quỹ phòng, chống thiên tai của năm sau.
UBND tỉnh cũng đề nghị doanh nghiệp, công dân chưa thực hiện nghĩa vụ đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ năm 2016 đến năm 2021 theo kế hoạch của UBND tỉnh thì tiếp tục đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai trong năm 2022.
An Khang