Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Còn 143.000 thuê bao 2G Only đang bị khóa 2 chiều vì chưa chuyển lên 4G

Thứ sáu - 22/11/2024 06:48
Theo thống kê của Cục Viễn thông đến thời điểm này chỉ còn 143.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G và những thuê bao này đang bị khóa 2 chiều.

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo thống kê của Cục Viễn thông đến thời điểm này chỉ còn 143.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G và những thuê bao này đang bị khóa 2 chiều.

Hiện chỉ còn 143.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G. Ảnh: Mạnh Hưng

Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, đến hạn chót là ngày 15/10/2024, các nhà mạng còn 225.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G. Đến ngày 16/10/2024, những thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G đã bị khóa 2 chiều. Nhưng hiện chỉ còn 143.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G và những thuê bao này đang bị khóa 2 chiều. Nhà mạng có số lượng thuê bao 2G Only chuyển đổi lên 4G nhiều nhất là Viettel, sau đó lần lượt là VNPT và MobiFone.

Một nhà mạng chia sẻ với VietNamNet rằng, phần lớn số thuê bao 2G Only chưa chuyển đổi, bởi đây là những SIM thứ 2 dự phòng và khách hàng không còn nhu cầu sử dụng. Hiện các nhà mạng đã đưa ra chương trình tặng điện thoại miễn phí cho thuê bao 2G Only chuyển lên 4G.

Theo thống kê của Cục Viễn thông tại thời điểm tháng 1/2024, các nhà mạng còn khoảng 18,2 triệu thuê bao 2G Only. Sau khi Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng thúc đẩy nhanh quá trình tắt sóng 2G và hỗ trợ máy đầu cuối cho khách hàng, số lượng khách hàng chuyển sang 4G đã tăng rất mạnh. 

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: “Công nghệ 2G đã sử dụng được 30 năm, nhiều thiết bị mạng lưới chất lượng đi xuống, ngốn điện, thiếu ổn định, do đó thay mới là tất yếu khi công nghệ mới đã sẵn sàng. Đây là sự đồng thuận và thực tế đòi hỏi của sản xuất kinh doanh”.

Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người dùng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone; các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dùng chuyển đổi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.  

Việc tắt sóng 2G đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số. 

Cụ thể, với người dân, việc tắt sóng 2G sẽ giúp họ được chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn. Đồng thời, điều này cũng góp phần hoàn thành mục tiêu “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh”, phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân Việt Nam của Chính phủ.

Đối với doanh nghiệp, họ sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác, và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh. Trên mạng lưới hiện nay, công nghệ 2G gây tốn điện; vì thế, loại bỏ 2G không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho xã hội, hướng tới phát triển xanh.

Còn đối với Chính phủ, việc tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời, thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số. 

“Hiện nay 77 nước đã có kế hoạch dừng công nghệ 2G, 3G, đa phần đều dừng vào năm 2028, chỉ có hai nước dự kiến dừng vào năm 2030. Trong đó, 37 nước đã hoàn toàn dừng công nghệ 2G. Điều này cho thấy, việc chúng ta cùng nhau xây dựng chính sách dừng công nghệ 2G vào năm 2024, sau đó tắt toàn bộ mạng vào năm 2026 và dừng 3G vào năm 2028 là đi đúng xu hướng của thế giới. Với người dùng 2G chuyển sang điện thoại thông minh 4G, đây là cơ hội trải nghiệm dịch vụ mới, các dịch vụ từ trước đến nay chưa được dùng. Người sử dụng có thể vào mạng, sử dụng dịch vụ hành chính công của Nhà nước từ ứng dụng trên smartphone thay vì vào website. Đây là cơ hội để người dân tiếp cận dịch vụ số, dần dần hình thành xã hội số, với mục tiêu tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận công nghệ mới”, ông Nguyễn Phong Nhã nói.

Nguồn VietNamNet

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp