Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuctayninh.com, cảm ơn !

Chợ lá- “thương hiệu” của Tây Ninh - Báo Tây Ninh Online

Chủ nhật - 05/02/2023 12:39
BTN - Một phiên chợ mà người mua không phải mang theo tiền, người bán không phải chèo kéo. Tất cả chỉ có tiếng cười rộn rã.

Những phiên chợ lá dùng lá thay tiền.

Chợ lá là phiên chợ do bác sĩ Bùi Quốc Thái, một thầy thuốc Nam nổi tiếng với hoạt động thiện nguyện trong điều trị bệnh tại phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành khởi xướng. Đơn giản chỉ là phiên chợ miễn phí, người mua không phải lo chuyện tiền nong. Chợ lá được bác sĩ Thái tổ chức cố định tại khu vực Hóc Trâm và cửa 8 chợ Long Hoa hơn 10 năm nay.

Tại khu vực Hóc Trâm (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng đều diễn ra phiên chợ lá. Nơi đây có hàng chục gian hàng bán đủ các mặt hàng từ thức ăn đến nước uống.

Bà Nguyễn Thị Năm (69 tuổi) đứng “bán” nước hạt é cho biết, mùng 7, mùng 8 tháng Giêng hằng năm, bà được con chở từ xã Biên Giới (huyện Châu Thành) xuống đây “bán hàng”, từ bì bún đến nước uống, bánh ít, bánh tét.

Việc nấu nướng, pha chế có người khác phụ trách. “Tôi xuống đây, nghỉ lại khu nhà dành cho người ở xa của bác sĩ Thái. Ngày rằm bán xong là về. Năm sau còn khoẻ thì đi nữa, vừa vui vừa để “lập công bồi đức”, đơn giản vậy thôi à!”- bà Năm nói.

Chị Ngọc Thiện, nhà ở xã Phú Mỹ, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, năm nào chị cũng lên Tây Ninh đi núi, viếng chùa. Hai năm nay, trong chuyến du xuân của chị còn có thêm địa điểm tổ chức những phiên chợ lá.

“Mỗi năm, vào tháng Giêng tôi đều đi các chùa ở Tây Ninh. Tới Toà thánh, lên chùa Trung, đỉnh núi Bà rồi qua chùa Gò Kén. Hai năm nay tôi được đi chợ lá. Tôi thích đi đến đây, được chụp ảnh, thưởng thức những món ăn chay của Tây Ninh”.

Sáng rằm tháng Giêng, tại khu vực cửa 8 chợ Long Hoa, đông đảo người dân nô nức đi chợ lá. Trên tay đều cầm những chiếc lá xanh. Bên đường, tiếng một thanh niên rao vang “ai chưa có tiền, ghé ngân hàng lấy tiền nha”. Vừa nói anh vừa đưa lên thùng giấy đựng đầy những chiếc lá xanh.

Ai ra về đều hớn hở với những món hàng mua được từ chợ lá: nào là các món ăn sáng như bánh mì, bắp nấu, các món ăn vặt như mía, nhãn, bánh kẹo và rất nhiều rau xanh, bí đỏ... cho bữa trưa.

Bà Năm ở xã Biên Giới, huyện Châu Thành đến Hóc Trâm tham gia chợ lá.

Phiên chợ kéo dài chừng 2 giờ đồng hồ đã bắt đầu vãn khách. Mọi người lại trở về với công việc thường ngày.

Tại khu vực Điện thờ Phật mẫu Long Hải, xã Trường Tây, từ nhiều ngày trước, các chủ hàng đã đến đây chọn vị trí và trang trí gian hàng của mình. Anh Nguyễn Thanh Long cho biết, cả nhà gồm ba mẹ, 5 anh chị em và các cháu trong nhà đều đến phụ dọn hàng.

Gia đình anh Long bày biện gian hàng thành một tiểu cảnh rực rỡ những hoa cúc vàng, câu đối đỏ. “Nhà mình gần đây nên những vật trang trí được mình mang từ nhà sang. Mỗi năm có một lần nên làm sao cho gian hàng của mình đẹp, để mọi người vừa đi chợ vừa có thể chụp ảnh kỷ niệm”- anh Long nói.

Đây là năm đầu tiên chị Lê Thị Bạch Yến tham gia bán hàng trong chợ lá. “Tôi đăng ký một gian hàng bán bánh ú, bánh ít với khoảng 500 cái bánh. Tổng số tiền khoảng 2 triệu đồng. Đây là hình thức làm từ thiện, nhưng được tham gia bán hàng thì vui và ý nghĩa hơn nữa”.

Nói về việc tổ chức phiên chợ lá nơi đây, ông Đoàn Chí Trí- Chánh sự hương đạo Long Hải cho biết, phiên chợ được tổ chức 2 năm, vào ngày rằm tháng Giêng. “Ngày này, ở điện thờ Phật mẫu và thánh thất đều có bữa cơm cúng cửu huyền, sau đó mời mọi người gần xa vào dùng cùng.

Thấy bác sĩ Thái tổ chức chợ lá ý nghĩa, tôi và các mạnh thường quân muốn xây dựng một phiên chợ tại đây. Ban Cai quản điện thờ Phật mẫu tạo điều kiện để tổ chức chợ lá. Bắt đầu từ 14 giờ ngày rằm là mở chợ. Dịp này, mọi người có thể đến điện thờ Phật mẫu cúng thời, dùng cơm và tham quan phiên chợ lá”- ông Trí nói.

Chị Ngọc Duyên chuẩn bị gian hàng tại điện thờ Phật mẫu Long Hải.

Ông Trí mua hẳn một máy xay nước mía 7 triệu đồng để “bán” nước mía cho người dân trong phiên chợ lá. Ngoài ra, ông và các mạnh thường quân khác còn tổ chức “bán” 1.000 chiếc bánh ú lá tre, 100kg bì bún, muối, gạo và phát lộc đầu năm cho mọi người.

Chợ lá đang dần trở thành "thương hiệu" của Tây Ninh. Nơi đây trở thành điểm hẹn để mọi người cùng nhau đi chợ, làm những việc thiện nghĩa, cùng gửi nhau những lộc lá may mắn, hy vọng cho một năm mới.

Ngọc Diêu

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp