Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Chăm sóc người khuyết tật, cần lắm sự sẻ chia - Báo Tây Ninh Online

Thứ bảy - 01/07/2023 05:57
Ông Nguyễn Văn Quá- Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phát biểu kết luận. Ông Nguyễn Văn Chính, 72 tuổi, ngụ ấp Trường...

Ông Nguyễn Văn Quá- Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phát biểu kết luận.

Ông Nguyễn Văn Chính, 72 tuổi, ngụ ấp Trường Phước, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành chia sẻ, hơn 4 năm trước, con gái ông phát bệnh tâm thần. Sau khi đưa con gái đến bệnh viện tâm thần thành phố Hồ Chí Minh, ông được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị thuốc cho con gái mình.

Cán bộ TB-XH xã đến thăm hỏi, động viên, hướng dẫn ông cách chăm sóc người bệnh tâm thần. Ông cũng được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng, theo dõi thêm thông tin trên báo, đài để thực hành. Gia đình ông được quan tâm hỗ trợ vật chất, tinh thần. Đến nay, con gái ông Chính đã thuyên giảm được bệnh tình gần 70%.

Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Là người chăm sóc, mình phải trang bị nhiều kỹ năng. Có nhiều áp lực nhưng phải luôn bình tĩnh, từ tốn khi chăm lo. Có như vậy mới mang lại hiệu quả”.

Với tình thương của người cha, ông Chính giúp con mình dần hồi phục, giúp con gái giảm áp lực, thoải mái tinh thần. Theo ông Chính, người chăm sóc bệnh nhân tâm thần ngoài ý chí bản thân cần được sự hướng dẫn kỹ năng, có như vậy mới mang lại hiệu quả. “Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng người khuyết tật khá tự kỷ nhưng khi tỉnh táo lại rất tự ti. Vậy nên, người chăm sóc phải có kỹ năng tốt, phải tìm mọi cách để giúp NKT hoà nhập lại với cộng đồng”.

Anh Lê Hữu Tâm, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành là người khiếm thị. Anh Tâm là một trong năm anh em cùng gia đình bị khuyết tật. Anh từng trải qua nhiều cảm xúc tự ti, mặc cảm vì nghĩ mình là gánh nặng của gia đình. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của gia đình, anh cùng các anh em của mình có thể tự sinh hoạt và phụ giúp việc trong nhà.

Anh được tham gia sinh hoạt CLB Người khuyết tật xã nên được tiếp xúc nhiều người, được hỗ trợ, tư vấn về tâm lý nên anh dần có tự tin và sống hoà nhập hơn. Anh bày tỏ: “Bản thân tôi đã từng rất tự ti, mặc cảm về khuyết tật của mình.

Nhưng nhờ sự hỗ trợ của gia đình, cán bộ làm công tác, tôi đã dần bước qua được. Đến giờ tôi đã tự tin sống, tạo dựng gia đình, có việc làm ổn định chứ không phải là gánh nặng nữa”. Anh Tâm cũng mong mô hình sinh hoạt, truyền thông về NKT được nhân rộng hơn để thêm người khuyết tật tiếp cận, tạo điều kiện cho họ vươn lên.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Quý- Chủ nhiệm CLB Người khuyết tật xã Mỏ Công, huyện Tân Biên cũng chia sẻ về hoạt động, sự sẻ chia của CLB với những thành viên của mình. Đó là những hoạt động thăm hỏi, quan tâm hỗ trợ kịp thời nhu cầu của NKT.

Qua sinh hoạt CLB đã giúp NKT có một tinh thần vui tươi, muốn vươn lên. Chị nói: “Có thể về mặt vật chất vẫn chưa đáp ứng đủ nhưng về mặt tinh thần chúng tôi luôn đảm bảo cho thành viên của mình để giúp họ đủ tự tin, vươn lên trong cuộc sống”.

Ông Nguyễn Văn Cử- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) cho rằng từ chia sẻ của chính những người trong cuộc có thể thấy công tác chăm sóc NKT trên địa bàn đã mang lại hiệu quả. Mô hình CLB Người khuyết tật có sự quan tâm hỗ trợ của cán bộ, chính quyền địa phương để trở thành mô hình thiết thực.

Từ đó nắm bắt được nhu cầu của NKT từ cơ bản như chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, dụng cụ hỗ trợ đến những nhu cầu cao hơn về học hành, sinh kế, chế độ chính sách để kịp thời hỗ trợ. Theo ông Cử, chăm sóc, hỗ trợ NKT cần sự kiên trì. Người khuyết tật sẽ không bao giờ đơn độc trên hành trình của mình mà luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của nhiều người, nhiều ngành và tổ chức.    

Ông Nguyễn Văn Quá- Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh kết luận: Hội thảo đã nhận được 10 ý kiến chia sẻ. Qua đó thấy được những trăn trở, khó khăn của NKT và gia đình họ. Đó là những ý kiến quý báu để những người làm công tác về NKT học tập, vận dụng cách làm hay, cùng tìm cách khắc phục khó khăn để chăm lo cho NKT, giúp họ từng bước vươn lên.

Đến nay, toàn tỉnh có 21 CLB Người khuyết tật, trong đó có sự hỗ trợ rất lớn từ DRD, sự nỗ lực của Hội và quan tâm của chính quyền địa phương. Nhưng theo ông Quá, với chỉ khoảng 700 người tham gia các CLB vẫn còn rất ít so với tổng số 33.000 NKT nặng và đặc biệt nặng trên địa bàn tỉnh, vì vậy, cần thêm nhiều sự nỗ lực trong thời gian tới.

Trong 4 năm qua, từ mô hình CLB Người khuyết tật đã có hàng trăm lượt NKT được hỗ trợ trên 7 tỷ đồng (riêng DRD hỗ trợ hơn 4,5 tỷ đồng). Ngoài ra, công tác trợ giúp NKT được Tỉnh hội quan tâm thực hiện.

Hằng năm tặng hàng trăm xe lăn, xe lắc cho NKT; các dịch vụ phục hồi chức năng cho NKT được VNAH tích cực thực hiện; các dịp lễ tết, tỉnh hội vận động tặng khoảng 5.000 phần quà/năm. Đặc biệt, những hộ khó khăn được giúp sửa chữa, nâng cấp nhà ở cho phù hợp.

Ngô Tuyết

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp