Số ca mắc Covid-19 ở nước ta tiếp tục gia tăng trở lại khi ngày 29/11 cả nước ghi nhận gần 14.000 trường hợp mắc mới. Trong bối cảnh thích ứng an toàn và linh hoạt, vấn đề đặt ra là các tỉnh, thành phố cần khống chế số ca F0 ở mức nào để không quá tải hệ thống y tế, nhất là khi nguy cơ virus biến chủng Omicron hoàn toàn có thể xâm nhập vào nước ta. Phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời gian gần đây, số ca F0 có chiều hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố và “zero Covid” không còn là sự lựa chọn ở nước ta. Vậy các địa phương cần khống chế số ca mắc ở mức như thế nào để không xảy ra thảm họa?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Số ca mắc tăng nằm trong dự báo trước, vì khi nước ta thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, nới lỏng các hoạt động đi lại sẽ dẫn đến gia tăng giao lưu đi lại giữa các địa phương, nhất là người đi từ vùng dịch về có sự tiếp xúc giữa người nhiễm và người lành, từ đó lây lan tạo ra nhiều F0 và ổ dịch mới…
Tôi cho rằng các địa phương cần dựa trên năng lực y tế dự phòng, điều trị để điều chỉnh, làm sao để vùng dịch càng hẹp càng tốt, khống chế số người mắc không quá nhiều, không để xảy ra tình trạng không kiểm soát được dẫn tới bệnh chuyển nặng phải vào viện gây quá tải hệ thống y tế, gây ra nhiều ca tử vong.
Lúc này nới lỏng nhưng không phải là thả lỏng, buông xuôi, vẫn phải kiểm soát số mắc mới trong cộng đồng để đáp ứng phù hợp, tạo ra càng nhiều vùng xanh, vùng vàng thì càng tốt, làm sao để F0 được tiếp cận với dịch vụ y tế, có thể điều trị tại nhà, cách ly tại nhà nhưng phải được giám sát về y tế để được tư vấn, được điều trị để hạn chế chuyển nặng, không để quá tải hệ thống giường bệnh, hạn chế tử vong.
PV: Những ngày gần đây, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước và thế giới. Ông có khuyến cáo gì với địa phương này?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi nghĩ rằng Thành phố Hồ Chí Minh dứt khoát phải khống chế, không để số mắc cao, mặc dù có hệ thống y tế, đáp ứng miễn dịch giai đoạn 4 vừa qua và đã có kinh nghiệm trong việc điều trị, nhưng không được để số mắc cao vì số mắc cao sẽ gây ra quá tải hệ thống y tế, không thể đáp ứng nổi. Cần phải tiếp tục đánh giá số ca mắc, số ca nặng, những trường hợp tử vong để đưa ra những quyết định đáp ứng cho phù hợp… Những hoạt động nguy cơ cao, không thiết yếu như: vũ trường, quán bar, karaoke… thì tạm dừng. Đặc biệt người dân phải thực hiện tốt 5K. Nếu buông xuôi, thả lỏng, không thực hiện các biện pháp có điều kiện, có kiểm soát thì trước những biến chủng mới thì dịch sẽ bùng lên, nhất là chủng mới Omicron được đánh giá là có tốc độ lây lan nhanh hơn thì chắc chắn dịch sẽ bùng phát phức tạp.
PV: Ông vừa nhắc tới biến chủng mới Omicron. Vậy Việt Nam cần chuẩn bị đối phó với những biến chủng mới này như thế nào?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Chủng Omicron có đột biến gene quá nhiều điểm trên protein gai, bám dính vào tế bào của người để gây bệnh và phá huỷ. Việc sản xuất vaccine cũng dựa chủ yếu vào mã di truyền của protein này nên dự báo là sẽ gây lây lan rất nhanh, vì đột biến do Omicron gây ra gấp đôi so với đột biến của Delta và có thể vô hiệu hóa vaccine.
Còn triệu chứng có nặng không thì hiện này chưa được làm rõ. Tất cả những kết luận về chủng mới đang ở phía trước nên phải hết sức cảnh giác với vấn đề này vì số mắc tăng cao thì số ca bệnh nặng sẽ tăng gây quá tải hệ thống y tế, dẫn đến số tử vong cũng sẽ nhiều, cần có phương án kiểm soát tốt nhất, tránh những điều bất ngờ xảy ra./.
PV: Xin cảm ơn ông!.
Nguồn VOV1