Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Cả đời mê ngựa - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 06/01/2023 20:41
BTN - Ngắm chú ngựa cao to đang được con trai huấn luyện trước sân, ông Châu Văn Hoà, 63 tuổi, ngụ xã Thạnh Tân, huyện Tân Biên nở nụ cười hạnh phúc. Dường như cả cuộc đời của người đàn ông này chỉ thích gắn bó với loài ngựa đua dũng mãnh.

Ông Hoà truyền lửa đam mê nuôi ngựa lại cho con trai út.

Bán cả bồ lúa để mua ngựa

Nhận thấy loài ngựa đáng yêu và có thể giúp gia đình phát triển kinh tế, hơn 50 năm trước, cậu thanh niên Châu Văn Hoà đòi mua một con ngựa. Gia đình không đồng ý, anh giận dỗi, giăng võng trên cành cây cao đong đưa hoài không chịu xuống. Thương con, gia đình đành bán cả bồ lúa để mua một con ngựa cho anh. Kể từ đó, anh Hoà dành hết thời gian, tâm huyết để huấn luyện ngựa. Sau thời gian, chú ngựa vừa biết kéo xe, vừa cưỡi được trên đồng ruộng, đường phố.

Mặc dù đã cao niên và đang mắc căn bệnh hiểm nghèo, nhưng hằng ngày ông Hoà vẫn đem lúa, cỏ cho ngựa ăn. Người đàn ông này giới thiệu với chúng tôi một con ngựa cái cao hơn 1,8 mét đang nuôi trong chuồng. Bên hông ngựa có khắc dãy số K940.

Phía hông còn lại khắc hình chiếc cúp khá đẹp. Ông Hoà cho biết con ngựa có nguồn gốc từ Mỹ, từng chiến thắng trong các giải đua danh giá ở nước ngoài. Sau khi chú ngựa bị thương ở chân trước, không còn đua với tốc độ cao được nữa thì được ông Hoà mua lại, đem về nuôi dưỡng nhằm bảo tồn nguồn gen quý.

“Năm 2016, tôi mua con ngựa này với giá 300 triệu đồng, tương đương nửa héc-ta đất nông nghiệp thời bấy giờ”- ông Hoà kể. Tính đến nay, “cô nàng” được 9 tuổi và đã lần lượt cho ra đời 4 chú ngựa con cao to, khoẻ mạnh và có năng khiếu chạy đua tốt.

Hằng ngày, ông Hoà vẫn tự tay cho ngựa ăn.

Trong khuôn viên nhà, ông Hoà xây nhiều dãy chuồng nuôi ngựa. Mỗi chú ngựa được nuôi một chuồng riêng biệt. Trong mỗi chuồng đều có máng cỏ, thùng nước, quạt máy làm mát và xua đuổi muỗi. Hiện tại, gia đình lão nông này nuôi 16 con ngựa trưởng thành, trong đó có ngựa đã từng đoạt giải cao ở các cuộc đua tốc độ tại đấu trường đua ngựa Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương).

Những tuấn mã này hằng năm đều cho ra đời những chú ngựa con. Các chú ngựa con, sau khi trưởng thành được ông Hoà huấn luyện bài bản và bán cho những người đam mê làm cảnh hoặc để tham gia các cuộc đua.   

Ngoài việc nuôi ngựa, ông Hoà còn đặc biệt thích những vật dụng liên quan đến ngựa, như xe ngựa, nòng cổ, lục lạc, yên ngựa, mắt cá bịt mặt, dây cương v.v… Cầm một nòng cổ trên tay, ông Hoà chỉ cho chúng tôi xem, trong đó có khoảng 10 chiếc lục lạc nhỏ, làm bằng kim loại đồng.

Ông Hoà giải thích: “Vật dụng này dùng để đeo vào cổ ngựa. Khi chúng di chuyển trên đường phố, những chiếc lục lạc này sẽ rung lắc và phát ra tiếng kêu leng keng, có tác dụng khoả lấp tiếng động cơ xe, còi xe tham gia giao thông trên đường, giúp ngựa không bị hoảng sợ”. Trong nhà kho của ông Hoà còn lưu giữ một chiếc xe ngựa bằng sắt, là phương tiện từng chở khách du lịch ở Đà Lạt, được ông mua lại để bổ sung vào bộ sưu tập.

Bên cạnh đó, ông còn lưu giữ một chiếc xe ngựa thồ- một trong những phương tiện giao thông thô sơ đặc trưng ở vùng biên giới Tân Biên. Theo lời ông Hoà, chiếc xe thồ có thể chở cả tấn hàng hoá. Thỉnh thoảng gia đình ông vẫn dùng phương tiện này để chở cỏ, lương thực phục vụ cho việc chăn nuôi ngựa.  

Con trai ông Hòa huấn luyện ngựa trước sân nhà.

Nối tiếp đam mê

Từ khi còn nhỏ, anh Châu Quốc Việt- con trai út của vợ chồng ông Hoà- đã theo cha chăm sóc ngựa, cưỡi ngựa, nên niềm đam mê loài ngựa “ngấm” vào tâm trí anh từ lúc nào không hay. Tốt nghiệp đại học Hùng Vương, chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch, anh Việt không tìm việc làm theo chuyên ngành của mình đã học mà trở về nối nghiệp nuôi ngựa của gia đình.

Người thanh niên 38 tuổi này chia sẻ, nghề nuôi ngựa không phải dễ, có những lúc ngựa bị bệnh, anh thức trắng đêm bên chuồng ngựa để tiêm thuốc, truyền “nước biển” cho ngựa và theo dõi sức khoẻ, đến khi nào ngựa ăn uống lại được bình thường, anh mới yên tâm nghỉ ngơi.

Trung bình một chú ngựa con nuôi khoảng 2 năm thì trưởng thành và có thể phối giống. Sau khi phối giống, 11 tháng sau ngựa bắt đầu sinh sản; khoảng 2 tháng, có thể phối giống cho đợt kế tiếp.

Theo lời anh Việt, hoạt động đua ngựa ở các tỉnh, thành phía Nam đang bị chững lại, do những trường đua tên tuổi như Phú Thọ (TP. Hồ Chí Minh), Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) ngưng hoạt động, nhưng hiện nay có trường đua Thiên Mã - Madagui (tỉnh Lâm Đồng) đang hoạt động nên sân chơi cho những người yêu thích ngựa đua vẫn còn.

Giới trẻ cũng đang có xu hướng thích nuôi ngựa, cưỡi ngựa, thích ngắm dáng vẻ mạnh mẽ, oai phong của loài ngựa nên “đầu ra” cho đàn ngựa không quá khó. “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 2-3 người mua ngựa của gia đình về nuôi và thành lập trang trại ngựa với quy mô nhỏ”- anh Việt cho hay.

Hơn 30 năm trước, chợ Tây Ninh, chợ Tân Biên, chợ Kà Tum (xã Tân Đông, huyện Tân Châu) đều có bến xe ngựa. Ở mỗi khu chợ có hàng chục chiếc xe ngựa thồ, xe thổ mộ chờ sẵn để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân.

Vài năm trước, mỗi mùa hội xuân, trong Khu du lịch núi Bà Đen cũng có 5-7 chiếc xe ngựa đưa đón khách. Những năm gần đây, theo đà phát triển của xã hội, các loại phương tiện giao thông hiện đại đã dần thay thế xe ngựa thô sơ cũ kỹ. Bến xe ngựa nhộn nhịp năm xưa cũng được thay thế bằng các công trình khang trang, hiện đại.

Nghề nuôi dưỡng, huấn luyện ngựa của gia đình ông Hoà không chỉ đơn thuần là một nghề mưu sinh mà còn góp phần lưu giữ nét văn hoá của vùng đất Tây Ninh. Với tiềm năng cùng truyền thống sẵn có của nghề nuôi ngựa, nếu tỉnh đầu tư xây dựng trường đua ngựa và tổ chức hoạt động thường xuyên sẽ tạo thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói ở Tây Ninh.

Đại Dương

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp