Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Bên trong chiếc hộp đựng lời hẹn ước kéo dài 15 năm với 22 đứa trẻ Làng Nủ

Thứ tư - 25/12/2024 22:26
Vượt gần 300km lên thăm 22 'cháu nội' ở Làng Nủ mình nhận nuôi, thầy Khang bật khóc vì xúc động và hạnh phúc. Vào ngày gặp gỡ, thầy mang theo một hộp đựng lời hẹn ước của ông cháu vào 15 năm sau.

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vượt gần 300km lên thăm 22 'cháu nội' ở Làng Nủ mình nhận nuôi, thầy Khang bật khóc vì xúc động và hạnh phúc. Vào ngày gặp gỡ, thầy mang theo một hộp đựng lời hẹn ước của ông cháu vào 15 năm sau.

Sau 3 tháng chính thức nhận nuôi 22 đứa trẻ Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) còn sống sót sau trận lũ kinh hoàng hồi tháng 9, thầy Khang quyết định thực hiện một chuyến thăm các “cháu nội” đúng vào dịp khánh thành Làng Nủ mới. Dù chưa ra khỏi Hà Nội trong suốt 6 năm qua nhưng thầy nói lần này nhất định phải đi.

“Đây là một chuyến đi rất đặc biệt. 22 cháu chính là động lực để tôi vượt thời tiết, vượt khoảng cách để lên đây. Từ xa, tôi đã được chào đón bằng tình cảm ấm áp của người dân địa phương. Nhìn thấy điểm trường mới, những ngôi nhà mới, tôi rất phấn khởi và cảm động”, thầy nói.

Thầy Nguyễn Xuân Khang xúc động khi nhìn tấm bảng ghi tên những người dân Làng Nủ bị thiệt mạng trong trận lũ.

Việc đầu tiên thầy làm là đi tới ngôi làng cũ để gặp các cháu và bà con. Tại nhà tưởng niệm, chị Nguyễn Thị Kim, mẹ của bé Hà Khánh Ngân (3 tuổi) - một trong hai đứa trẻ nhỏ nhất mà thầy nhận nuôi, vội chạy tới đón thầy.

Gặp thầy Khang ngoài đời, chị nghẹn ngào, bật khóc. “Con gái con gặp ai cũng khoe “Con có 2 ông nội”. Bé rất mong chờ ngày ông cháu gặp nhau. Con không biết nói gì hơn và rất cảm động khi thấy thầy bước đến, gọi tên cháu”.

Sau đó, thầy Khang tới thắp hương ở đài tưởng niệm các nạn nhân bị lũ cuốn trôi, đi thăm nhà mới của các cháu nội. Dù là lần đầu gặp mặt, thầy vẫn thuộc tên và nhớ hoàn cảnh của từng em.

Gặp bà Hoàng Thị Hiến, bà nội của hai em Hoàng Xuân Phúc và Hoàng Gia Bảo, thầy nói: “Nếu bà cho phép ông cháu tôi nhận nhau, tôi xin được nuôi chúng tới năm 18 tuổi”. Bà Hiến nghẹn ngào trong nước mắt: “Được ông ạ! Cảm ơn ông đã cưu mang chúng!”.

Thầy Khang cùng các cháu Làng Nủ ngày hội ngộ.

Chuyến đi này của thầy Khang cũng mang theo một tâm nguyện là gặp mặt các cháu và 23 ông cháu cùng nhau ký lời hẹn ước 15 năm: “Ông giữ gìn sức khỏe/Cháu chăm chỉ học hành”.

Thầy Khang cho biết kể từ khi hay tin, hình ảnh đầu tiên khiến thầy xúc động và bắt đầu nghĩ đến lũ trẻ sống sót sau trận lũ quét ở làng Nủ là khi cháu Hoàng Ngọc Lan ở trong bệnh viện. Thảm họa đã khiến cô bé mới chỉ 6 tuổi phải mồ côi bố mẹ, mất đi cả 2 người anh trai.

“Hình ảnh cô bé này làm tôi khóc nhiều nhất. Tôi thầy mình có duyên nợ với các cháu, vì thế muốn xin làm ông của các cháu ở thôn, với mong muốn được làm chỗ dựa của các con, ít nhất từ nay đến khi các con 18 tuổi”, thầy Khang nói trước những người đỡ đầu, người dân Làng Nủ cùng đại diện giáo viên các trường có học sinh do thầy nhận nuôi. Thầy Khang mong ông cháu được nhận nhau và có sự đồng ý của tất cả mọi người.

Ngoài ra, thầy Khang cũng muốn 23 ông cháu cùng chụp một bức ảnh kỷ niệm đông đủ. Hàng năm, vào đúng ngày này, ông nội và các cháu sẽ chụp ảnh gửi cho nhau để biết sức khỏe, sự trưởng thành của mỗi người.

Và đúng tròn 15 năm sau, ngày 22/12/2039, khi ông nội 90 tuổi, hai cháu bé nhất là Gia Hân và Khánh Ngân 18 tuổi, tất cả sẽ gặp nhau ở Hà Nội, cùng chụp bức ảnh tương tự với vị trí ngồi y hệt như bức ảnh chụp ở Làng Nủ.

Thầy Khang nói: “Khi lên đây gặp các cháu, tôi cảm thấy yên tâm và có niềm tin sẽ sống ít nhất 15 năm nữa để nhìn thấy 2 cháu bé nhất là Gia Hân và Khánh Ngân trưởng thành.

Không biết trời đất có cho tôi sống được đến 90 tuổi hay không, nhưng tôi luôn mong giữ sức khỏe để sống được tới khi ấy. Nếu tôi đi sớm, gia đình tôi, các con tôi sẽ tiếp tục nuôi dưỡng các cháu khôn lớn”.

Thầy Khang chụp ảnh cùng 22 "cháu nội".

Trước khi ký bản cam kết “Ông giữ gìn sức khỏe, cháu chăm chỉ học hành”, thầy Khang cũng hứa với các cháu nội sẽ ý thức hơn để giữ gìn sức khỏe, ăn nhiều hơn, ngủ nhiều hơn, làm việc ít hơn một chút để được sống lâu hơn.

“Để có mặt trong bức ảnh thứ 2 không dễ, nhưng ông sẽ cố gắng”, thầy Khang nói với lũ trẻ.

Đổi lại, thầy Khang cũng mong mỏi 22 đứa cháu Làng Nủ sẽ cố gắng học hành, bởi ông tin rằng chỉ có học mới giúp những đứa trẻ có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Sau đó, ông cháu đồng lòng, lần lượt ký tên, điểm chỉ vào bản hẹn ước.

Ông cháu ký tên vào bản hẹn ước

Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang là người đầu tiên công bố sẽ nhận nuôi tất cả trẻ ở Làng Nủ cho tới khi các cháu đủ 18 tuổi. Danh sách nhận nuôi có 22 trẻ, trong đó bé nhất mới 3 tuổi, lớn nhất 17 tuổi. Thầy nhận nuôi bằng cách mỗi tháng gửi cho mỗi cháu 3 triệu đồng để ăn học. Ước tính, số tiền hỗ trợ cơ bản của thầy Khang tới các em khoảng 5,6 tỷ đồng, chưa tính các chi phí phát sinh. Thầy nhắn nhủ với những đứa trẻ trong quá trình phát triển, nếu cần thêm gì, ông sẽ lo được, không đơn thuần chỉ là tiền cấp dưỡng.

Nguồn  VietnamNet

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp