Môn Sinh: Đề dài, đạt điểm trung bình không quá khó
Cô Lê Thị Ngà - Giáo viên Sinh học Trường THPT Lê Văn Thiêm (Hà Nội), cho biết: “Đề thi Sinh dài (6 trang), với đề thi này, tôi cho rằng phổ điểm 5 là chủ yếu. Đề Sinh năm nay cũng có độ phân hóa cao, 20 câu đầu học sinh sẽ dễ lấy điểm.
Câu hỏi về phần kiến thức sinh thái rất hay và có khả năng phân loại tốt. Nội dung phân hóa chủ yếu ở 20 câu sau, nhất là 8 câu cuối đòi hỏi học sinh phải có lực học chắc mới có thể giải quyết tốt”.
Thầy Phạm Ngọc Hà - Giáo viên Sinh học Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), cho hay: “Với mã đề với mã đề 210 từ 81 đến 110 là những câu cơ bản học sinh dễ đạt được 7 điểm. Đề thi bắt đầu từ câu 111-120 các câu ở mức độ vận dụng trong đó đề thi hỏi thiên nhiều về sinh thái (3 câu), phần quy luật di truyền khó được giảm thiểu, câu khó chỉ có 1 câu (mọi năm 4-5 câu).
Ngoài ra trong đề thi năm nay, câu vận dụng cao phân bố đều ở các phân môn trừ phần sinh học lớp 11 là thiếu câu vận dụng.
Về bố cục, nhìn chung đề thi có sự phân hóa ở câu vận dụng, việc tính toán trong đề thi cũng giảm thiểu, đòi hỏi học sinh có kỹ năng phân tích số liệu và đồ thị.
Tôi dự đoán nhiều mức điểm 7-8 còn từ 9-10 khó vì số câu vận dụng rất đa dạng, học sinh đạt điểm trung bình không quá khó khăn”.
Môn Hóa: Phổ điểm dao động từ 6 tới 7 điểm
Thầy Nguyễn Đình Độ - Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (TP.HCM), nhận định: “Đề Hoá 30 câu đầu thuộc mức độ đơn giản, học sinh có thể tìm kết quả rất nhanh.
Còn lại, trong đề 10 câu đòi hỏi có sự tư duy gồm vận dụng và vận dụng cao, trong đó, mức độ vận dụng có câu liên quan tới tái chế phù hợp với xu hướng hiện tại.
Năm nay, đề không có câu điện phân nên mức độ khó giảm đi so với năm trước, câu đồ thị cũng có phần nhẹ nhàng hơn mọi năm. Nhìn chung, phổ điểm dao động từ 6 tới 7 điểm. Học sinh khá có thể làm được 8 điểm. Điểm 10 không đến mức khó vì vậy theo tôi điểm 10 sẽ xuất hiện nhiều hơn năm trước”.
Đề Vật lý: Khá "dễ thở"
Cô Trần Thị Kim Ngân, giáo viên dạy Vật lý, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), nhận định đề Vật lý thi tốt nghiệp THPT năm 2023 về cơ bản không có nhiều sự thay đổi khác biệt so với năm ngoái về cấu trúc cũng như mức độ khó dễ và thể loại câu hỏi.
“Nói chung đề khá dễ thở với học sinh. Đề chỉ có sự thay đổi một chút khi các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, có nhiều câu đi sâu về bản chất hơn, đòi hỏi học sinh hiểu sâu lí thuyết hơn (đọc nhiều phần mở rộng). Các câu từ 30-35, học sinh chắc kiến thức có thể vượt qua dễ dàng. Các câu từ 36-40, không quá lạ và các học sinh giỏi hoàn toàn có thể làm”, cô Ngân phân tích.
Với đề thi này, cô Ngân dự đoán phổ điểm trung bình ở ngưỡng 6,5-7. Mức điểm 8 đến 8,5 có thể sẽ nhiều hơn năm ngoái.
Nguồn vietnamnet